Chuyên gia Võ Trí Thành:
Làm ăn với Trung Quốc trước hết phải bằng cái đầu
Mối quan hệ giữa VN và TQ là mối quan hệ giữa một nước đang phát triển với một anh khổng lồ. Trong mối quan hệ kinh tế đó, chúng ta phải có cách xử lý trí tuệ, khôn ngoan, xử lý bằng cái đầu, chứ không chỉ bằng cảm xúc.
Chuyên gia Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, chia sẻ.
Nhập siêu từ Trung Quốc tăng đều đặn hàng năm, theo con số của một thành viên Ủy ban tài chính và ngân sách Quốc hội, hiện có tới 90% các dự án tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành; hay nói cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khoá trao tay) của Việt Nam do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm.
Có tới 30 doanh nghiệp Trung Quốc đang thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. Xét riêng về điện, đã có nhiều dự án hàng tỷ USD rơi vào nhà thầu Trung Quốc. Các mặt hàng chủ lực xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc như gạo,cao su chiếm đến gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu...
Nhìn vào thực tế này, ông có những suy nghĩ gì?
Mối quan hệ giữa VN và TQ là mối quan hệ giữa một nền kinh tế nhỏ, thu nhập còn thấp với một anh khổng lồ; nó cũng không đơn giản chỉ là mối quan hệ về kinh tế nó còn là mối quan hệ chính trị, lịch sử, lòng tin…
Trong mối quan hệ kinh tế đó, chúng ta phải có cách xử lý trí tuệ, khôn ngoan, xử lý bằng cái đầu, chứ không chỉ bằng cảm xúc.
Thực tế, ai cũng nhìn rõ thâm hụt thương mại giữa nền kinh tế VN với TQ nhiều năm lại đây là rất lớn. Riêng năm 2012 thâm hụt trên dưới 15 tỉ USD. Trong khi đó, VN đã ký với TQ 12 hợp đồng nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, hạ tầng, năng lượng, hàng hải nhằm nâng giá trị thương mại song phương lên 60 tỉ USD vào 2015.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Điều này liên quan tới câu chuyện hội nhập và tham gia mạng sản xuất khu vực và toàn cầu của Việt Nam. Mạng sản xuất khu vực và toàn cầu có quy luật của nó, tham gia có thể có cả tích cực và tiêu cực. Vấn đề cơ bản là VN có dần vươn lên trong chuỗi giá trị để tạo giá trị gia tăng cao hơn.
Tôi ví dụ, trung bình cứ 100 USD nhập khẩu từ TQ thì có khoảng 30 USD là hàng vốn như thiết bị máy móc, 60 USD là hàng trung gian, nhiên liệu, và 10 USD là hàng tiêu dùng cuối cùng.
Có hàng trung gian được doanh nghiệp VN hoặc doanh nghiệp FDI nhập tạo ra sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Trung Đông,…Điều này không gây thâm hụt thương mại; vấn đề chính là liệu doanh nghiệp VN có thể tham gia sâu hơn và ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh hơn. Nhưng phần tỷ trọng rất lớn hàng trung gian nhập từ TQ lại được nhiều doanh nghiệp gia công thêm để tiêu thụ trong nước. Hàng trung gian chính là yếu tố gây thâm hụt thương mại lớn nhất giữa VN và TQ. Nghĩa là, vừa gây thâm hụt mà giá trị gia tăng lại thấp.
Nhiều doanh nhiệp VN lựa chọn hàng thiết bị máy móc TQ do giá rẻ và sản phẩm tạo ra vẫn được thị trường chấp nhận. Trong khi vấn đề đấu thầu, thiết bị máy móc lại chưa dựa nhiều vào yếu tố kỹ thuật và tính tới cả vòng đời dự án để đánh giá, lựa chọn. Những điều này có thể giải thích vì sao có con số 90% nhà thầu Trung Quốc thắng thầu và 30% thiết bị máy móc được nhập khẩu từ TQ. Vấn đề ở đây là hoàn thiện, thay đổi những nguyên tắc chọn thầu, gắn minh bạch với cả tính toán chi phí – lợi ích cả vòng đời dự án, giá cả và cách thức cấp/hỗ trợ vốn.
Cuối cùng là hàng tiêu dùng thì liên quan tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và chính sách biên mậu của TQ. Đây là chính sách TQ chưa muốn từ bỏ trong phát triển kinh tế vùng biên giới. Doanh nghiệp VN đưa hàng qua tiểu ngạch vừa dễ dàng vượt qua tiêu chuẩn về chất lượng, giá lại có thể cạnh tranh hơn. Nhưng với con đường này, hàng VN dễ gặp rủi ro như bị ép giá, không lấy hàng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Có không ít doanh nghiệp VN thua ở thị trường này: mất hàng, mất vốn, mất luôn cả thương hiệu (không đăng ký bảo hộ thương hiệu) vì không vượt qua nổi “bẫy biên mậu”...
VN cần phải đạt được thỏa thuận liên quan đến chính sách biên mậu, theo hướng “chính thức hóa” cao hơn, minh bạch và được dự báo tốt hơn, giảm bớt những điều tiết ra những méo mó trong quan hệ thương mại giữa VN-TQ.
Ông có thể đánh giá một cách khách quan mức độ phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào nền kinh tế Trung Quốc hiện nay?
Tôi không thích dùng cụm từ “phụ thuộc vào TQ” thuần túy. Cả VN, ASEAN, các nước trong khu vực, kể cả TQ có tính lệ thuộc lẫn nhau rất cao. Vấn đề ở đây là tính cạnh tranh quốc gia, khả năng cạnh tranh giữa doanh nghiệp VN với doanh nghiệp các nước trong quá trình hội nhập, trong tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu cũng như khu vực. Để kết quả mong muốn có được là giá trị gia tăng ngày một lớn hơn và thâm hụt thương mại giảm, góp phần tạo sự vững chắc cho cán cân thanh toán.
Tất nhiên TQ là một nền kinh tế lớn, và với quan hệ thương mại, đầu tư hiện nay, có ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế VN. Quan hệ thương mại giữa các nước đang phát triển và phát triển thương được gọi là quan hệ Bắc-Nam. Các nước đang phát triển chỉ xuât khẩu hàng thô, hàng khai khoáng, hàng nông sản, hàng sơ chế sang các nước phát triển; giá trị gia tăng thấp, trong khi đó lại phải đi nhập hàng công nghiệp chê biến với giá trị gia tăng cao hơn.
Cơ cấu thương mại VN-TQ cũng tương tự như vậy. VN xuât khẩu sang TQ 60-70% là hàng thô là nông sản, khoáng sản, hoặc là hàng công nghiệp mà có giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó 70% hàng TQ sang VN là hàng công nghiệp, hàng đã qua chiế biến nghĩa là giá trị gia tăng cao hơn.
Cuối cùng tôi muốn nói, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại số một của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2012 đạt 41,1 tỷ USD (tương đương 25% GDP của VN). Rất nhiều doanh nghiệp VN, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang sử dụng và nhập khẩu máy móc, thiết bị và hàng trung gian từ TQ. Để doanh nghiệp VN vươn lên được, trước tiên VN phải biết tận dụng lợi thế, hàm lượng lao động cao, việc làm cũng rất quan trọng. Nhưng cùng với đó cũng phải nâng dần về chất lượng, tạo sức cạnh tranh “không chỉ bằng giá”. Đồng thời, đẩy mạnh việc tham gia trong cụm liên kết ngành, nâng cao giá trị, gắn cam kết của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các TNC, tương ứng với chính sách ưu đãi của VN, trong nâng chỉ tiêu nội địa hóa, chuyển giao công nghệ.
Không phải ngẫu nhiên, cùng với TQ, VN có quan hệ hợp tác và cả những cam kết tự do hóa thương mại với Nhật, với Hoa Kỳ, với EU. Ý đồ rất rõ ràng. Nếu muốn khẳng định mình ở một vị trí nào đó thì phải chấp nhận chơi với những người khổng lồ, phát triển nhất, hiện đại nhất.
Vì vậy VN cần phải có chính sách cải cách rất căn bản, mạnh mẽ, như tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tầm nhìn phát triển dài hạn.
Thực tế, sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam xảy ra ở cả hai kênh: xuất khẩu thương mai và tiểu ngạch. Tại sao lại có thực trạng này? Sự phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc như Việt Nam hiện nay đã và sẽ dẫn tới những ảnh hưởng gì, thưa ông?
Câu chuyện về tiêu chuẩn, chất lượng là con dao hai lưỡi. Hạ hàng rào tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật khiến hàng hóa của VN dễ dàng thâm nhập được thị trường tránh khỏi những đòi hỏi khắt khe, nhưng cũng rất dễ bị đột ngột dừng hợp đồng, hủy hợp đồng thay đổi tạo ra biến động lớn.
Điều này không chỉ gây thiệt hại cho cả lô hàng đó mà còn có tác động tiêu cực tới uy tín, sản xuất. Điều quan trọng là nó làm giảm động lực cạnh tranh.
Khi chơi với một người quá dễ dãi thì sẽ dẫn đến sẽ lười. Trong khi thi thị trường thương mại không phải chỉ có mình TQ mà còn rất nhiều nước khác trên thế giới.
Về lâu dài, những hệ lụy này sẽ gây ra những thiệt hại cả ngắn hạn và dài hạn đối với nền kinh tế.
Hệ lụy nhìn thấy đầu tiên là thiệt cho chính các doanh nghiệp. Hệ lụy thứ hai là hình ảnh của đất nước của quốc gia bị ảnh hưởng. Hệ lụy thứ ba là tác động xấu tới cộng đồng, xã hội.
Thực tế đã ghi nhận không ít trường hợp doanh nhân Trung Quốc thất hứa, hủy hợp đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới người nông dân và các doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi, theo báo cáo mới đây, những câu chuyện làm ăn với thương lái TQ vẫn tồn tại. “Nghịch lý” này phải được hiểu như thế nào?
Đó là câu chuyện thị trường. Thị trường là thấy lợi thì làm. Có phần cũng giống như câu chuyện BĐS vừa qua, khi mua vào ai cũng nghĩ mình sẽ được lời.
Vậy thì ở đây là vấn đề thông tin, giám sát an toàn, giám sát kỹ thuật, hoàn thiện pháp lý và chế tài liên quan đến dịch chuyển lao động; làm sao để người dân, doanh nghiệp VN hiểu được rủi ro và cả chi phí-lựi ích trong ngắn hạn và dài hạn đối với bản thân, cộng đồng và cả nền kinh tế.
Theo ông, để xảy ra sự phụ thuộc có thể gây rủi ro lớn như hiện nay, trách nhiệm thuộc về ai?
Rõ ràng ở đây có vấn đề giám sát. Để họ thực thi không đúng những quy định của pháp luật về chuyển dịch lao động, đăng ký cư trú, đăng ký kinh doanh là trách nhiệm là thuộc về cơ quan quản lý của nhà nước.
Cụ thể là các cơ quan quản lý thị trường, có cả trách nhiệm của các bộ, ngành cơ quan pháp luật.
Xin cảm ơn ông!
Theo Hiếu Lam