Làm ăn với Trung Quốc: Những dự án "đầu xuôi đuôi không lọt"

Trong số 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, có tới 5 dự án có liên quan đến yếu tố Trung Quốc. Nhiều đại dự án nghìn tỷ có quan hệ làm ăn với Trung Quốc ban đầu thường “yên ả” nhưng càng về sau, xuất hiện càng nhiều sóng gió với những “cú bắt tay” này.

Mắc kẹt với nhà thầu Trung Quốc

Trong số đại dự án đang gặp vướng mắc với tổng thầu MCC Trung Quốc, Dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2 là long đong hơn cả. Dự án có tổng vốn đầu tư 8.100 tỷ đồng và đã giải ngân hơn 4.500 tỷ, nhưng đến nay vẫn còn dang dở, nằm đắp chiếu.

Dấu hiệu “cơm chẳng lành, canh không ngọt” với nhà thầu Trung Quốc ở đại dự án này bắt đầu từ vài năm trước. Khi Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) còn loay hoay tìm cơ chế tiếp tục dự án thì tổng thầu Trung Quốc phụ trách từ hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ đến thi công xây dựng công trình là MCC đã bỏ về nước.


Dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2. Ảnh: L.Bằng

Dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2. Ảnh: L.Bằng

Việc xử lý dự án này sau thời gian dài dang dở phụ thuộc không nhỏ vào việc đàm phán với MCC liên quan đến trách nhiệm các bên khiến dự án chậm tiến độ.

TISCO cho hay: Quá trình đàm phán với MCC diễn ra liên tục từ đầu quý I/2013 đến cuối quý IV/2015, trải qua 12 lần đàm phán vẫn chưa kết thúc vì còn một số nội dung vượt thẩm quyền của chủ đầu tư, cần phải trình xin ý kiến giải quyết của Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền.

Năm 2016, TISCO đã mời lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn MCC đến Việt Nam để đàm phán. Biên bản ghi nhớ thống nhất nguyên tắc chung để tiếp tục thực hiện hoàn thành dự án đã được các bên ký kết. MCC cũng đã cử đội ngũ kỹ sư, chuyên gia đến TISCO để thu thập số liệu thực tế, tiến hành tính toán báo giá thực hiện hoàn thành toàn bộ công việc còn lại của dự án theo hình thức EPC. Nhưng quá trình này cũng không thể kết thúc trong “một sớm một chiều”.

Khác với dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2, Dự án Đạm Ninh Bình 12.000 tỷ có nhà thầu Trung Quốc là nhà thầu Hoàn Cầu đã hoàn thành đi vào hoạt động. Song, ngoài số lỗ đến gần 2.000 tỷ, đến nay dự án chưa thể quyết toán được.

Theo Ban quản lý dự án Đạm Ninh Bình, dự án có 15 tồn tại trong Hợp đồng EPC với nhà thầu Hoàn Cầu, trong đó có 5 tồn tại được tổ đàm phán của hai bên thống nhất, 10 tồn tại vẫn chưa được giải quyết.

“Dự án có khối lượng hồ sơ lớn, phức tạp, chứng từ thanh toán cho từng thiết bị hoặc hạng mục chia làm nhiều lần, nhiều nguồn vốn, nhà thầu EPC lại không thực hiện yêu cầu quyết toán hợp đồng EPC, trong đó quan trọng nhất là nhiệm vụ nhà thầu phải lập quyết toán A-B. Đây là khó khăn vô cùng lớn cho công tác quyết toán hợp đồng EPC”, Ban quản lý dự án Đạm Ninh Bình phàn nàn.

Vì thế hồ sơ quyết toán đáng ra phải được trình trong quý I/2017 đã trễ hẹn. Giám đốc Ban quản lý dự án đã phải nhận khuyết điểm trước Tập đoàn Hóa chất và đặt mục tiêu hoàn thành hồ sơ quyết toán có kiểm toán trước 30/6/2017.

Liên doanh với Trung Quốc cũng gặp khó

Trong số những dự án có bóng dáng DN Trung Quốc, Dự án khai thác mỏ sắt Quý Xa và nhà máy gang thép Lào Cai là khá đặc biệt.


Dự án nhà máy gang thép Lào Cai liên doanh với Trung Quốc. Ảnh: L.Bằng

Dự án nhà máy gang thép Lào Cai liên doanh với Trung Quốc. Ảnh: L.Bằng

Trung Quốc vừa là đối tác liên doanh, vừa là nhà thầu của dự án 6.000 tỷ này. Ngoài khoản lỗ hơn 1.000 tỷ đồng từ khi vận hành, cú bắt tay này đã xuất hiện dấu hiệu bất lợi cho phía Việt Nam.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ ngành liên quan chỉ đạo các bên liên doanh đàm phán và sửa đổi lại Hợp đồng liên doanh phù hợp với Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp hiện hành. Trong đó, có tính đến việc bổ sung các cổ đông có năng lực, đồng thời chỉ đạo các cổ đông của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung (VTM) góp vốn để đầu tư hoàn chỉnh dự án trong Quý II/2017.

Nguyên do là dù đóng góp nhiều vốn hơn tại Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt - Trung (Việt Nam 55%, Trung Quốc 45%), số thành viên Hội đồng quản trị nhiều hơn (Việt Nam 4, Trung Quốc 3) nhưng phía Việt Nam không được toàn quyền tự quyết hoạt động của công ty mà phụ thuộc vào việc cổ đông phía Trung Quốc đồng ý hay không.

Lãnh đạo Tổng công ty Thép Việt Nam (VNsteel) - đơn vị đã rót gần 1.000 tỷ vào liên doanh này - từng chia sẻ, điều lệ của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện Kim Việt Trung có nêu: Các khoản đầu tư nội bộ có giá trị lớn hơn 100.000 USD đều phải theo cơ chế đồng thuận thay vì cơ chế tỷ lệ cổ đông, có nghĩa Hội đồng quản trị công ty muốn làm gì thì phải được toàn bộ thành viên hội đồng quản trị chấp thuận.

Đây là một trong các nguyên nhân chính đẩy nhà máy gặp nhiều khó khăn trong điều hành hoạt động. Đàm phán lại hợp đồng liên doanh với Trung Quốc theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là một trong những “lối ra” cho đại dự án này.

Bình luận về việc làm ăn với DN Trung Quốc trong các đại dự án, một chuyên gia kinh tế chia sẻ: “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, chúng ta phải nhìn nhận rằng việc hợp tác với nhà thầu, DN Trung Quốc trong những dự án lớn đã không tính hết các rủi ro có thể xảy ra".

“Những rắc rối phát sinh trong việc làm ăn với DN Trung Quốc có thể được hạn chế nếu chủ đầu tư tỉnh táo hơn và có tầm nhìn hơn”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Theo Hà Duy
VietnamNet