Lãi suất tiết kiệm bất ngờ tăng
(Dân trí) - Một số ngân hàng công bố tăng lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn dài, nhằm thu hút vốn tái phục vụ nhu cầu đi vay của doanh nghiệp và cho vay tiêu dùng cá nhân.
Trong tháng 2 này, thị trường ngân hàng có khoảng 5 ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động, đẩy mạnh nhu cầu gửi tiền tiết kiệm của người dân.
Theo công bố của Ngân hàng Đại Dương (Ocean Bank), ngân hàng này điều chỉnh tăng các kỳ hạn từ 9 tháng trở lên với mức tăng 0,2 - 0,7%; lãi suất cao nhất là 8,2%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VP Bank) tăng lãi suất ở hầu hết các kỳ hạn, mức tăng thấp nhất là 0,5%/năm kỳ hạn 3 và 4 tháng, cao nhất là 1% kỳ hạn 36 tháng. Theo đó, khách hàng hưởng lãi suất cao nhất 8%/năm nếu gửi kỳ hạn 36 tháng.
Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) điều chỉnh biểu lãi suất huy động tại Hà Nội và TPHCM, với mức tăng cao nhất so với lãi suất trước đó gần 1%.
Kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng này là 6,612%/năm; lãi suất cao nhất lên tới 7,8%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, cao hơn biểu lãi suất cũ 0,96%/năm.
Cũng trong tháng 2 này, Ngân hàng An Bình (ABBank) tung ra chương trình tiết kiệm “Đón lộc đầu năm” với kỳ vọng thu hút khoảng 3.000 tỷ đồng từ chương trình này.
Tại SCB, khách hàng gửi tiền từ 25 triệu đồng trở lên (kỳ hạn 3 tháng) sẽ được nhận thẻ cào trúng vàng, tiền, phiếu mua hàng…
Ông Đàm Thế Thái, Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân của ABBank cho biết: “Khi lãi suất ở mức vừa phải, mức độ phục vụ và danh mục dịch vụ cũng không có nhiều khác biệt thì các chương trình khuyến mãi đem lại không chỉ lợi ích tinh thần mà còn lợi ích vật chất thiết thực cho khách hàng”.
Theo một số chuyên gia, ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi nhằm giữ chân khách hàng, cũng như chuẩn bị nguồn vốn dồi dào, đón trước nhu cầu vay vốn, tái đầu tư của doanh nghiệp và đặc biệt là phục vụ vay vốn tiêu dùng của người dân.
Với một số ngân hàng mở đầu cho chương trình tiết kiệm hiện nay, đường cong lãi suất đã về đúng vị trí và chức năng vốn có của nó. Tức là gửi tiết kiệm kỳ hạn càng dài, lãi suất huy động càng cao.
Còn nhớ, trong năm 2008, do thiếu tính thanh khoản, có thời điểm lãi suất huy động của ngân hàng lên tới trên 19%, khách hàng gửi tiền kỳ hạn càng ngắn lãi suất càng lớn.
Còn trong thời gian này, khi lãi suất cơ bản xuống 7%/năm, lãi suất huy động đã giảm mạnh chỉ còn khoảng 6 - 7%/năm, theo đó, huy động vốn cũng có chiều hướng giảm.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 1/2009 ước tăng 0,18% so với tháng trước, nhưng số dư tiền gửi VND lại giảm 0,47% và số dư tiền gửi ngoại tệ tăng 2,3%.
Đây là tháng đầu tiên sau hơn 1 năm qua, huy động động vốn VND của hệ thống ngân hàng sụt giảm. Trong khi vốn đầu tư cho nền kinh tế trong tháng này ước tăng 0,52% so với tháng trước đó còn đầu tư bằng VND ước tăng 0,17% và đầu tư bằng ngoại tệ ước tăng 1,91%.
Cũng theo thống kê từ NHNN, lãi suất huy động VND và USD của các ngân hàng thương mại đối với khách hàng tuần qua không thay đổi nhiều so với tuần trước đó và hiện ở các mức sau:
Lãi suất huy động bình quân | Loại tiền | Không kỳ | 3 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
Nhóm NHTMNN | VND | 2,7 | 6,82 | 7,09 | 7,43 |
USD | 0,75 | 2,35 | 2,8 | 3,55 | |
Nhóm NHTMCP | VND | 3 | 7 | 7,1 | 7,27 |
USD | 1,14 | 2,45 | 2,66 | 2,96 |
Nguyễn Hiền