Lãi suất tăng cao, huy động vốn vẫn không dễ

(Dân trí) - Điều chỉnh giảm theo đúng “tín hiệu” của ngân hàng trung ương hay dồn dập tăng tiền gửi tiết kiệm... các hoạt động nối tiếp nhau đang khiến thị trường tiền tệ sôi động. Đường cong lãi suất lại bị chính các thành viên trong hệ thống ngân hàng phá vỡ.

Lãi suất tăng cao, huy động vốn vẫn không dễ - 1
Huy động vốn của các ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn (ảnh: Quý Đoàn).
 
“Chạy” luật
 
Lãi suất cơ bản VND được dự báo duy trì ổn định mức 7%/năm từ nay cho đến hết năm 2009, cùng với “lời nhắn nhủ” của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Giàu về việc ngân hàng nào duy trì lãi huy động trên 10%/năm sẽ bị kiểm tra, kiểm soát một cách toàn diện, hàng loạt ngân hàng đã điều chỉnh để “chạy” luật.
 
Ngân hàng TMCP phát triển nhà TPHCM (HDBank) trong một thời gian dài duy trì “đỉnh” lãi suất huy động VND ở mức 10,3%/năm (chỉ còn thêm 0,2% là chạm trần lãi suất cơ bản), ngày 27/10 đã điều chỉnh giảm còn 9,99%/năm.
 
Hay như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chỉ sau một ngày công bố lãi suất 6 tháng của sản phẩm “Tiền gửi siêu lãi suất” là 10,05%/năm, đã phải điều chỉnh giảm lãi suất này xuống dưới 10%/năm. Tương tự, Ngân hàng TMCP Miền Tây (Western Bank) cũng đã phải điều chỉnh giảm mức lãi suất cao nhất xuống dưới 10%/năm.
 
Bên cạnh một số ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động VND theo “tín hiệu” từ NHNN, thị trường tiền tệ lại “bùng nổ” cuộc đua tăng huy động vốn cuối năm. Theo thống kê từ NHNN, lãi suất tiền gửi VND tuần vừa qua tăng khoảng 0,2 - 0,4%/năm so với tuần trước đó.
 
Không kể tới các ngân hàng điều chỉnh lãi suất theo đúng “tín hiệu” của ngân hàng trung ương, một loạt các ngân hàng TMCP khác trong những ngày đầu tháng 11 này đã tăng khá mạnh lãi suất kỳ hạn ngắn.
 
Theo thông báo từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), từ ngày 4/11, lãi suất tiết kiệm VND trên toàn bộ hệ thống có sự điều chỉnh tăng mạnh ở các kỳ hạn ngắn, tăng dao động từ 0,04 - 0,55 %/năm.
 
Với biểu lãi suất mới này, lãi suất tiết kiệm bậc thang VND của SHB thấp nhất cũng đã lên tới 9,2%/năm ở kỳ hạn 1 tháng và mức tiền gửi dưới 500 triệu đồng. Bên cạnh việc tăng lãi suất, trong thời gian này SHB còn có nhiều chính sách cộng thưởng hấp dẫn dành cho quý khách hàng.
 
Trước đó vào ngày 2/11, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) điều chỉnh biểu lãi suất huy động đối với các loại tiền VND, USD và EUR. Đối với VND, lãi suất huy động được điều chỉnh tăng thêm cao nhất là 1,2%/năm so với biểu lãi suất cũ, mức lãi suất cao nhất là 9,72%/năm.
 
Có thể thấy rằng, hoạt động điểu chỉnh lãi suất huy động vốn tại các ngân hàng thương mại hiện nay tập trung ở các kỳ hạn ngắn, còn các kỳ hạn dài đã bị thu hẹp. Ngoài việc tăng lãi suất, nhiều ngân hàng cũng sử dụng các công cụ huy động là kỳ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trong đó lãi suất được đẩy lên đỉnh điểm ở các kỳ hạn ngắn.
 
Căng thẳng nguồn cung
 
Không còn “đỉnh” lãi suất huy động VND ở mức 10,3%/năm nhưng mặt bằng lãi suất tiết kiệm trong thời điểm này được các ngân hàng thương mại đẩy lên khá cao, nhằm “hút” người gửi tiền.
 
Nhưng theo thừa nhận của cán bộ một ngân hàng lớn, dù lãi suất đang cao nhưng việc thu hút tiền gửi khá khó khăn. Trong khi đó, với việc lãi suất cơ bản không thay đổi đã trở thành “bức tường” kìm hãm dòng vốn chảy vào ngân hàng.
 
Nguồn tin tổng hợp từ NHNN cho thấy, ước đến cuối quý 3/2009, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 21,69% so với cuối năm 2008; tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng khoảng 28%, trong khi huy động vốn ước chỉ tăng 22,45%.
 
Điều dễ nhận thấy, khi nguồn vốn huy động tăng thấp hơn tăng trưởng tín dụng, báo hiệu tính thanh khoản của ngân hàng đang gặp khó. Một trong những nguyên nhân khiến ngân hàng không thu hút được nhiều vốn là do hiện nay có khá nhiều kênh đầu tư như: chứng khoán, vàng, bất động sản hút tiền nhàn rỗi trong dân cư và doanh nghiệp hơn. Để giải quyết vấn đề này, nhiều ngân hàng đã dần dần tăng lãi suất huy động vốn của mình.
 
Ông Đào Trọng Khanh - Tổng Giám đốc Ngân hàng Tiên Phong cho biết: “Theo đúng chu kỳ kinh tế, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp vào thời điểm cuối năm thường tăng mạnh. Khi nhu cầu vay vốn của cả nền kinh tế tăng lên thì các ngân hàng cũng sẽ phải huy động thêm vốn để đáp ứng được nhu cầu này. Theo nhận định của cá nhân tôi, mặt bằng lãi suất huy động, nhất là lãi suất huy động ngắn hạn từ giờ đến cuối năm sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng nhẹ”.
 
An Hạ