Lãi suất huy động và cho vay vào đợt giảm mới

(Dân trí) - Thị trường vừa đón nhận thêm thông tin một số ngân hàng như Vietcombank, SeABank… cắt giảm lãi suất huy động và cho vay.

Thông tin từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cho hay, ngày 18/11, biểu lãi suất huy động VND của ngân hàng này được điều chỉnh giảm từ 0,1% - 0,5 %. Đây là lần thứ 4 Vietcombank điều chỉnh lãi suất trong năm nay.

Theo biểu lãi suất mới công bố, lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng giảm 0,5 điểm % xuống còn 4%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm 0,1 điểm % xuống còn 4,9%/năm; kỳ hạn 6 tháng giảm 0,2 điểm % xuống còn 5,3%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,1 điểm % xuống còn 5,4%/năm; kỳ hạn 24-60 tháng giảm 0,5 điểm % xuống còn 6,3%/năm.

Lãi suất huy động các kỳ hạn khác được giữ nguyên không thay đổi. Cụ thể, không kỳ hạn giữ nguyên ở 0,8%/năm; 2 tháng ở 4,5%/năm; 12 tháng ở 6,2%/năm.

Lãi suất giảm nhanh, nhưng vẫn cao.
Lãi suất giảm nhanh, nhưng vẫn cao.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Cùng ngày, Vietcombank cũng công bố, bắt đầu từ ngày 18/11/2014 giảm trần lãi suất cho vay bằng VND đối với một số đối tượng.

Cụ thể, Vietcombank giảm trần lãi suất cho vay bằng VND từ mức 8%/năm xuống 7%/năm áp dụng đối với các đối tượng: Hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển sản xuất chăn nuôi, giết mổ để cấp đông, chế biến thịt lợn, thịt gia cầm, nuôi và chế biến cá tra, tôm xuất khẩu…

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tuần từ ngày 10- 14/11, khối ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất huy động khoảng 0,2%/năm so với tuần trước chủ yếu tập trung ở kỳ hạn dưới 12 tháng.

Hiện nay, lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,7-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,8-7,5%/năm.

Cũng theo đánh giá từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bằng VND ổn định. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,5-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Còn lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3-7%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3-6%/năm, 5,5-7%/năm đối với trung và dài hạn. Riêng Ngân hàng TMCP Đông Nam Á điều chỉnh giảm lãi suất cho vay USD 0,3 - 0,4%/năm.

Trước đó, ở tuần đầu tháng 11, Vietcombank điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay trung và dài hạn, SeABank giảm khoảng 0,3-0,5%/năm ở tất cả các kỳ hạn…

Đánh giá cao nỗ lực giảm lãi suất của ngành ngân hàng thời gian qua, nhưng theo TS.Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, lãi suất cho vay hiện vẫn còn cao.

Theo đánh giá của ông Kiên, vấn đề lãi suất huy động và lãi suất tiền gửi phụ thuộc vào nền kinh tế. “Chúng ta đặt vấn đề là tại sao ở các nước phát triển như Mỹ và châu Âu, lãi suất huy động chỉ có 0,7%%/năm, thậm chí có thời điểm chỉ có 0%/năm trong khi tốc độ tăng trưởng vẫn ở 2 - 2,3%. Căn cứ vào những số liệu đó để chúng ta xem là việc hạ lãi suất của chúng ta, kể cả lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay phải phù hợp với sức khỏe của nền kinh tế, đảm bảo dòng tiền chảy vào nền kinh tế không bị ngừng trệ”, ông Kiên nhấn mạnh.

Ông Kiên cho hay: “Nếu giữ được lạm phát thấp như thế này thì lãi suất cho vay như thế nào? Nếu lãi suất cho vay trong năm 2015 giảm xuống thì lãi suất huy động có giảm nữa không? Bởi vì, nếu lãi suất huy động 5,5%, lạm phát là 3 thì mức chênh lệch đã là 2,5 rồi. Trong thời điểm hiện nay, mức lãi suất như vậy có chấp nhận được không? Cao quá. Trong điều kiện như vậy thì lãi suất huy động phải hạ thêm nữa”.

Vậy liệu lãi suất huy động hạ thêm có ảnh hưởng tới tỷ giá?, theo ông Kiên: “Nếu chúng ta xử lý tốt tỷ giá thì cần phải hạ lãi suất xuống để cho dòng tiền không chảy vào tiết kiệm mà chảy vào đầu tư, đây là một hình thức hỗ trợ cho thị trường tài chính, để người dân tham gia vào thị trường tài chính. Đây cũng là một trong những điều kiện để doanh nghiệp có thể huy động được vốn trên thị trường tài chính”.

Nguyễn Hiền