1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Lãi suất hạ, vốn cho doanh nghiệp cũng không dễ dàng

(Dân trí) - Ngân hàng có thể hạ lãi suất nhưng không thể hạ tiêu chuẩn cho vay. Trong khi đó, các nhà băng còn những kênh đầu tư khác sinh lời và hấp dẫn hơn là cho vay doanh nghiệp.

Đồng vốn ngày càng trở nên khan hiếm và khó khăn.

Đồng vốn ngày càng trở nên khan hiếm và khó khăn.


Ngân hàng có tiền thật cho vay?

 

Tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2014: Cộng hưởng hiệu ứng chính sách” tổ chức ngày 12/12, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế xã hội Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (NCEIF) đã phân tích về những bất cập trong huy động và sử dụng dòng vốn của nền kinh tế.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Theo đó, mặc dù lãi suất giảm là một tín hiệu vô cùng đáng mừng trong thời gian vừa qua, đồng thời cũng là một thành tích không dễ đạt được trong thời gian trước đó, tuy nhiên, thực tế vẫn cho thấy, trong khi ngân hàng muốn đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, doanh nghiệp cũng mong tiếp cận được nguồn vốn, thế nhưng cung cầu vẫn không thể gặp nhau.

 

Nếu như phía doanh nghiệp không thể tiếp cận được những khoản vay là do không đáp ứng đủ tiêu chuẩn do ngân hàng đặt ra thì phía ngân hàng có thể hạ lãi suất nhưng không thể hạ tiêu chuẩn cho vay. Với bất cập này, NCEIF cho rằng, khó khăn của doanh nghiệp về thiếu vốn vẫn chưa được giải quyết.

 

Nhiều doanh nghiệp trong tình trạng thiếu vốn thời gian dài đã và đang phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Tính chung 11 tháng, cả nước có gần 55.000 doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động, trong đó, số doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục giải thể là 8.857 doanh nghiệp và số doanh nghiệp gặp khó khăn và rơi vào trạng thái tạm ngừng hoạt động là 46.075 doanh nghiệp, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước.

 

Con số được Cục Phát triển doanh nghiệp đưa ra mới đây cũng cho thấy, tại nhiều địa phương, tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh có lãi, có đóng góp cho ngân sách địa phương chiếm chưa đầy 50% trong tổng số doanh nghiệp còn hoạt động.

 

Thể hiện bức xúc trong một cuộc hội thảo gần đây, Tổng giám đốc của một công ty chuyên sản xuất gạch không nung trên địa bàn huyện Lạng Giang (Bắc Giang) đã hỏi thẳng ông Nguyễn Đức Hưởng - Phó Chủ tịch Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) rằng, “liệu có đúng là ngân hàng đang dồi dào vốn và có tiền thật để cho doanh nghiệp vay vốn hay không? Hay đó chỉ là trên bề mặt chính sách?”

 

Vị giám đốc này cũng cho biết, thực tế vay vốn của doanh nghiệp mình rất khó khăn. Mặc dù đưa ra chiến lược rõ ràng nhưng sự thông cảm từ phía ngân hàng là rất ít. "Chúng tôi dành tâm huyết cả đời với kinh doanh, cái nhà là gì mà đi đến bất cứ ngân hàng nào cũng đòi phải có cái nhà thế chấp", vị này bày tỏ.

 

Về phía ngân hàng, ông Hưởng cũng nhìn nhận, đúng là có hiện tượng ngân hàng khó cho doanh nghiệp vay vì quan ngại trách nhiệm và nợ xấu. Tuy nhiên, ở mặt khác thì nhiều doanh nghiệp vì không có chiến lược cụ thể, làm ăn manh mún, chộp giật nên ngân hàng cũng không thể cho vay dễ dãi. Thậm chí theo ông, "nhiều doanh nghiệp kể cả cho vay lãi suất 0% vẫn phá sản".

 

Tốc độ tăng tổng vốn đầu tư Việt Nam giai đoạn từ 1996-2012, %
Tốc độ tăng tổng vốn đầu tư Việt Nam giai đoạn từ 1996-2012, %

Trên các thông số vĩ mô thì vốn đầu tư vẫn tăng chậm, tốc độ tăng tổng vốn đầu tư toàn xã hội tính đến quý III/2013 chỉ tăng 6,1% so với cùng kỳ 2012. Tốc độ tăng vốn các năm 2011-2012 là rất thấp so với giai đoạn trước đó (tương ứng chỉ là 1,9 và 2,4% so với 10,9 và 8,7% trong 2 năm 2009 và 2010 trước đó.


Tỷ trọng vốn/GDP giai đoạn trước 2008 trung bình trên dưới 40% thì con số tương ứng giai đoạn hiện tại chỉ là trên dưới 30%. Quy mô vốn thu hẹp  làm giảm cơ hội sản xuất kinh doanh, đồng thời ảnh hưởng làm tốc độ tăng trưởng kinh tế khó đạt cao trong năm 2013 cũng như trong vài năm tới . 


Các doanh nghiệp giảm chi tiêu do hoạt động sản xuất kinh doanh bị thu hẹp quy mô do thiếu vốn, phần vì hàng hóa không có thị trường tiêu thụ. Động thái chi tiêu cầm chừng của cả người dân và doanh nghiệp làm ảnh hưởng tiêu cực đến mức tiêu dùng toàn xã hội. 


Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý III/2013 mới chỉ đạt 14,26% so với cùng kỳ, tuy có cải thiện hơn so với con số tương ứng của khoảng 3 quý liên tiếp trước đó (từ quý IV/2012 đến quý II/2013) nhưng vẫn ở mức rất thấp so với cùng kỳ và so với thông lệ. 


Vốn không chỉ chảy vào doanh nghiệp

 

Theo phân tích của NCEIF, ngoài việc doanh nghiệp phần lớn không đáp ứng được tiêu chí cho vay của ngân hàng, lý do quan trọng khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn nay cả khi lãi suất giảm còn do lãi suất giảm chủ yếu là các khoản vay ngắn hạn, và tín dụng tiêu dùng. Trong khi điều doanh nghiệp muốn tiếp cận lãi suất trung và dài hạn thì mức lãi suất vẫn ở mức cao (lãi suất trung hạn từ 9,5-11,5%, lãi suất dài hạn từ 12-13%).

 

Hơn nữa, theo tìm hiểu của Dân trí, với nguồn vốn huy động được, ngân hàng không chỉ có một con đường duy nhất là cho doanh nghiệp và người dân vay mà thay vào đó, các ngân hàng có xu hướng dầu tư vào trái phiếu và các sản phẩm chứng khoán phái sinh. Điều này cũng đã được lãnh đạo LienVietPostBank xác nhận.

 

Nếu như với mức lãi suất thấp như hiện nay, ngân hàng chỉ cần có chênh lệch là "mừng" rồi, thì tại những kênh đầu tư vào trái phiếu và chứng khoán phái sinh, ngân hàng lại ăn lãi nhiều hơn. Ông Hưởng còn lưu ý với các nhà cho vay rằng, "khi chúng ta thừa vốn thì không nên cố gắng chỉ tìm nguồn cho vay mà còn phải tìm rất nhiều kênh đầu tư khác".

 

Như vậy, mặc dù lãi suất đã giảm, doanh nghiệp cần vốn nhưng thanh khoản của nền kinh tế vẫn rất hạn chế, tốc độ tăng tín dụng 11 tháng đầu năm 2013 (tính đến 14/11/2013) mới chỉ đạt gần 7,2% tương đương cùng kỳ năm 2012, trong khi đó tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán thấp hơn nhiều.

 

 

Hiệu quả đầu tư Việt Nam giai đoạn 1995-2012 thông qua hệ số MP, %.
Hiệu quả đầu tư Việt Nam giai đoạn 1995-2012 thông qua hệ số MP, %.

 

Bên cạnh những vấn đề về vốn đầu vào thì NCEIF cũng chi ra, các yếu tố tác động đến ổn định vĩ mô trong dài hạn như hiệu quả đầu tư cũng như các yếu kém nội tại khác của nền kinh tế chưa được cải thiện nhiều.

 

Cụ thể, hiệu quả sử dụng đầu tư không có nhiều cải thiện. Sử dụng hệ số MP (Marginal Product) để tính toán hiệu quả đầu tư nền kinh tế Việt Nam từ năm 1995 đến nay có thể thấy, hiệu quả đầu tư của nền kinh tế liên tục giảm (từ mức hệ số MP đạt 25,6% năm 1995 xuống chỉ còn 7,6% năm 2012).

 

Theo kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2001-2005 là giai đoạn tốc độ giảm hiệu quả đầu tư ít nhất (trung bình gần 5%/năm), từ 2006 đến nay, tốc độ giảm hiệu quả đầu tư có phần mạnh hơn, trung bình giảm 7,45%/năm trong giai đoạn 2006-2010 và 8,74%/năm giai đoạn từ 2011 đến nay.

 

NCEIF cảnh báo, trong khi quy mô vốn ít đi thì hiệu quả sử dụng vốn lại không được cải thiện đã làm giảm hiệu quả sản xuất doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn trong dài hạn.

 

Bích Diệp
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước