1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Lãi suất hạ, hãy đổ tiền vào cổ phiếu !?

Chứng khoán luôn là một trò đánh đố bất tận đối với nhà đầu tư. Cái thói quen ú tim này đã diễn ra từ năm 2007, và một lần nữa nó đang tái hiện vào thời điểm này.

2007 là quãng thời gian đầu tiên ghi nhận sự bùng phát của chỉ số VNI, cũng trùng với chu kỳ mặt bằng lãi suất huy động được kéo giảm về vùng 9%, tương tự với tình hình lãi suất hiện giờ. Theo đó, lãi suất cho vay năm 2007 cũng rút xuống khoảng 12%, khiến một phần nguồn tiền từ khối ngân hàng được kích thích chuyển sang thị trường chứng khoán.

Vào năm 2009, một lần nữa mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm đáng kể, sau bi kịch của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới mà nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam không thể là ngoại lệ.

Cũng không khác mấy con sóng tăng dữ dội vào năm 2007, chu kỳ phục hồi của thị trường cổ phiếu đã kéo dài suốt 8 tháng trong năm 2009. Hai chỉ số VNI và HNX tuy không làm nên kỳ tích của quá khứ, nhưng cũng đã kịp tăng gấp gần ba lần so với đáy của chúng.

Với những bằng chứng hết sức cụ thể trong dĩ vãng, dĩ nhiên người ta có thể rút ra một quy luật là cứ mỗi khi lãi suất hạ, chứng khoán lại tăng; còn khi lãi suất hạ mạnh, chứng khoán càng tăng mạnh.

Thế nhưng quy luật đó còn ứng nghiệm với thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2012 này?

Lãi suất hạ, hãy đổ tiền vào cổ phiếu !? - 1
 
Dĩ vãng “full margin”

Nếu tương đồng với hai năm 2007 và 2009, chắc chắn trong nửa cuối năm nay, các chỉ số chứng khoán sẽ tăng vọt. Cần nhắc lại rằng chỉ riêng chỉ số HNX thôi cũng có thể đủ điều kiện tăng trưởng gấp ba lần so với đáy 55 điểm của nó, mà khó ai có thể phàn nàn là thị trường tăng nóng ngoài khả năng kiểm soát. Bởi nếu so với đỉnh 460 điểm thiết lập vào tháng 3 năm 2007, cho đến đầu năm 2012, HNX đã bị mất đến 88%.

Tuy thế, việc dự đoán cho tương lai ngắn hạn lại cần tham chiếu chính “lịch sử cận đại” của nó. Cái lịch sử ấy lại chỉ mới diễn ra gần đây, khi thị trường kéo ngang lê thê trong hai tháng 4 và 5 năm nay.

Tuy vẫn là dạng đồ thị đi lên răng cưa vào thời gian này, nhưng hầu hết các nhà đầu tư nhỏ lẻ đều rơi vào tình thế bị động. Rất nhiều phiên giao dịch đã thể hiện trò ú tim của nhà cái, khiến nhà đầu tư luôn chuyển trạng thái tâm lý đầy cực đoan, từ đỏ sang xanh và ngược lại. Nói tóm lại, đó là giai đoạn mà nhà đầu tư nhỏ lẻ bị thế lực thao túng thị trường làm cho “lên bờ xuống ruộng”.

Lần hạ lãi suất huy động đầu tiên của năm 2012 đã dễn ra vào đầu tháng 3/2012. Vào thời điểm này, chỉ số VNI đã phục hồi trên 30% so với đáy, còn HNX được khoảng 40%. Tuy nhiên sau khi tin lãi suất hạ được Ngân hàng Nhà nước công bố, thị trường lại bất thần rơi mạnh trong một số phiên.

Đà rơi trên đã chỉ được kềm giữ với lực cầu bắt đáy, nhưng lực cầu đó đến từ khối tổ chức chứ không phải xuất phát từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang run rẩy. Tình hình như thế kéo dài cho đến tháng 4/2012, khi Ngân hàng Nhà nước một lần nữa đưa trần lãi sất huy động từ 13% về 12%.

Tháng 4/2012 cũng là thời gian biểu hiện hy vọng ồn ào nhất của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Thị trường không những không giảm mạnh mà vẫn tiếp tục bò dần lên. Nhưng thú vị hơn cả là liên tiếp diễn ra những con sóng làm giá các nhóm cổ phiếu.

Sau khi tạm kết thúc sóng cổ phiếu ngân hàng vào hai tháng 2 và 3/2012, đến lượt nhóm cổ phiếu chứng khoán lên tiếng. Một chi tiết ấn tượng cũng cần ghi nhận là vào cuối quý I/2012, bảng kết quả kinh doanh của một số công ty chứng khoán đã sáng hẳn lên so với thời kỳ cuối năm 2011. Dĩ nhiên những công ty này, bằng vào con sóng chứng khoán tăng khá mạnh, đã thu về một số lời lãi để đắp vá cho cái áo tả tơi từ năm ngoái.

Hai lần hạ lãi suất huy động liên tục trong hai tháng 3 và 4 năm 2012 cũng làm cho khối cổ phiếu bất động sản - đối tượng tưởng như đã bị khai tử từ một thị trường bất động sản chết lâm sàng - bất chợt sống dậy. Cũng bởi tâm lý bầy đàn, khi nhà đầu tư nhỏ lẻ bất chấp nhiều doanh nghiệp bất động sản thua lỗ, vẫn lao vào vơ vét giá trần cổ phiếu của những doanh nghiệp này.

Vào tuần cuối tháng 4/2012, những tín hiệu của chính sách phục hồi thị trường bất động sản từ Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước lại càng làm cho nhóm cổ phiếu bất động sản trở nên có giá hơn. Đến lúc này, tình trạng vơ bèo vặt tép đã diễn ra trên diện rộng ở cả hai sàn giao dịch.

Ngay sau đó, nhóm cổ phiếu khoáng sản cũng được ăn theo. Không khí mua vào đã trở nên sôi động hơn rất nhiều so với thời sau Tết Âm lịch. Trào lưu tin đồn tái xuất, kể cả loại tin chia tách cổ phiếu và phát hành bổ sung mà trước đây đã làm cho thị trường quá ngán ngẩm. Đồng thời, ngân hàng mở hầu bao cho công ty chứng khoán, còn công ty chứng khoán lại mạnh tay bung tiền cho nhà đầu tư nhỏ lẻ sử dụng margin. Đến lượt mình, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã khoe khoang về chuyện “full margin” và chỉ còn chờ thị trường bứt phá. Thậm chí một số nhà phân tích cũng mạnh miệng tuyên bố tháng 5/2012 sẽ là tháng kiếm lợi khủng nhất từ thị trường này.

Nhưng trò đánh đố vẫn không lãng quên chức phận của nó. Trong lịch sử của mình, chứng khoán chưa bao giờ là một thị trường thực dễ kiếm sống. Sau hai tháng “nuôi” tâm lý hưng phấn và chắc hẳn là thời gian để xả hàng ở vùng đỉnh, thị trường đột ngột rơi mạnh. Rơi mạnh đến nỗi ngay cả những người môi giới chuyên nghiệp có thâm niêm từ năm 2005-2006 cũng phải lắc đầu, không hiểu nổi trước một cú đánh xuống ghê gớm đến như thế. Nhiều tài khoản “full margin” đã cháy hoàn toàn. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, chưa kịp hiểu ra chuyện gì, đã phải ra đi không một lần ngoái lại.

Hy vọng dần tàn lụi

Từ đầu tháng 5/2012 đến nay, sự thể diễn ra thế nào? Dù hy vọng vẫn là hy vọng, nhưng ngay cả lần giảm lãi suất huy động vào tuần cuối tháng 5 cũng đã chỉ làm cho tho thị trường bật tăng được vài phiên. Lần gần đây nhất - thời điểm đầu tháng 6/2012 khi Ngân hàng Nhà nước làm một cú “đánh xuống” lãi suất huy động với biên độ 2%, thị trường càng phản ứng chậm hơn. Đến lúc này, tâm trạng nhà đầu tư nhỏ lẻ đã quá mệt mỏi với chuỗi phiên giao dịch kéo dài lê thê. Hy vọng dần tàn lụi.

Song tình cảnh đáng than thở hơn là mặt bằng thanh khoản giao dịch trên hai sàn ngày càng xuống dốc. Cần nhắc lại rằng trước đó, đã có không ít phán đoán về xu hướng dòng tiền tiết kiệm từ ngân hàng sẽ đổ vào chứng khoán và đương nhiên sẽ giúp tăng thanh khoản cho thị trường này. Nhưng nay, một khi thanh khoản sụt giảm mạnh từ mức 2.500 - 3.000 tỷ đồng về còn khoảng một nửa như thế, người ta bắt buộc phải nhìn nhận lại.

Những xác nhận gần đây từ vài ba công ty chứng khoán đã cho thấy không những không có tiền từ kênh tiết kiệm đổ vào chứng khoán, mà ngược lại, một phần tiền từ chứng khoán lại bị rút về nằm “chết” trong tài khoản ngân hàng.

Sắp tới thì sao? Vẫn còn những kỳ vọng về việc sẽ tiếp tục xuất hiện những thông tin tích cực và qua đó sẽ giúp cho thị trường hồi phục. Chỉ có điều, những thông tin tích cực nhất đối với chứng khoán lại đã được tung ra trong thời gian qua, trùng với thời gian mà chứng khoán không thể cất cánh nổi.

Nói cách khác, hơn 32 tỷ cổ phiếu niêm yết đang trở thành một gánh nặng khủng khiếp luôn sẵn sàng đè bẹp thị trường vào mỗi khi nó định ngóc đầu lên. Con số này - vượt hơn hai chục lần so với thời điểm đầu năm 2007, có thể khiến cho tình thế thị trường vào năm nay khác hẳn với quá khứ hào hùng của nó.

Trong bối cảnh ngắc ngứ như thế, ai sẽ là người đổ tiền vào cổ phiếu để những kẻ khác rắp tâm “xả hàng”?

Theo TS. Phạm Chí Dũng
Doanh nhân Sài Gòn