"Hạ trần lãi suất, NHNN “làm khó” ngân hàng nhỏ"

(Dân trí) - Theo nhìn nhận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, “do yếu thế hơn về thương hiệu nên các ngân hàng yếu kém đã khó huy động vốn ngay cả ở lãi suất 14%, thì nay lại càng bi đát hơn, thậm chí sẽ có xu hướng dựa dẫm vào hỗ trợ của NHNN”.

Hạ trần lãi suất, NHNN “làm khó” ngân hàng nhỏ
Hạ trần lãi suất huy động có thể đẩy thanh khoản các ngân hàng nhỏ yếu vào tình trạng xấu hơn.

Ngày 13/3, hãng tin Bloomberg của Mỹ dẫn đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay, Việt Nam vẫn chưa giải quyết được tình trạng các ngân hàng yếu và việc hạ trần lãi suất huy động sẽ càng “làm khó” cho các ngân hàng hơn.

Theo đó, ông Masato Miyazaki, Giám đốc của IMF tại Việt Nam cho rằng, Chính phủ nên tách riêng tài sản xấu của các ngân hàng yếu rồi bán lại cho một công ty quản lý tài sản nhà nước hoặc tư nhân trong kế hoạch tái cơ cấu của mình. Thất bại trong việc giải quyết nợ xấu có thể sẽ làm “xói mòn” lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng.

Những vấn đề về sức khỏe của ngân hàng Việt Nam đã làm dấy lên mối lo ngại về sự ổn định kinh tế  khiến Chính phủ phải vào cuộc để củng cố toàn hệ thống. Thủ tướng Nguyễn Tấn 
Dũng đã phê duyệt kế hoạch tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong tháng này và các biện pháp có thể bao gồm phương án Chính phủ sẽ mua các khoản nợ xấu từ các ngân hàng thương mại và cho phép tăng sở hữu nước ngoài trong các ngân hàng yếu.

Ông Miyazaki đánh giá, “Nhìn chung, tôi cho rằng tình hình của ngành ngân hàng Việt Nam vẫn chưa được cải thiện. Nhận thức của các cơ quan chức năng đối với vấn đề này đã phần nào được cải thiện, song tình trạng của các ngân hàng yếu kém thì vẫn chưa hề biến chuyển”.

Trong những năm gần đây, tình trạng tăng trưởng tín dụng quá nóng đã khiến thâm hụt thương mại và lạm phát tại Việt Nam tăng nhanh nhất châu Á, khiến người gửi tiền ưu tiên các kỳ hạn ngắn, đẩy chi phí đi vay dài hạn lên cao.

Ngân hàng nhỏ, yếu khó huy động vốn

Từ hôm qua, Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định giảm lãi suất trần tiền gửi xuống 13% từ mức 14%. Và theo đánh giá của ông Miyazaki thì động thái này sẽ có thể  đẩy các ngân hàng thương mại nhỏ và yếu vào tình trạng càng khó khăn hơn. 

Vị quan chức của IMF phân tích, “do yếu thế hơn về mặt thương hiệu nên các ngân hàng yếu kém đã khó huy động vốn ngay cả ở lãi suất 14%. Nay với lãi suất 13%, các ngân hàng nhỏ sẽ lại càng bi đát hơn, và thậm chí, điều này sẽ đẩy họ có xu hướng dựa dẫm vào hỗ trợ thanh khoản từ Ngân hàng Nhà nước”.

Trong phiên giao dịch hôm qua, cổ phiếu của tất cả 5 ngân hàng niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (VN-Index) đều tăng. Trong đó VCB của Vietcombank tăng 1,1% lên 27.000 đồng/cp, CTG của Vietinbank tăng 1,7% lên 24.700 đồng/cp.

Giữ niềm tin cho hệ thống ngân hàng

Theo dự báo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại trong tháng 12/2011 là 3,8% so với tỷ lệ 3,3% tháng trước đó. 

Tuy nhiên, theo một dự báo của tổ chức xếp hạng Fitch đưa ra tuần trước, tổ chức này cảnh báo, con số thực có thể gấp 4 lần dự báo, trong khi khả năng mua lại nợ xấu của Chính phủ là không rõ ràng.

Và theo đề xuất của ông Miyazaki, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải hành đồng để “ngăn chặn những vấn đề thành khoản trở thành những vấn đề về khả năng thanh toán khi mà biện pháp cắt giảm lãi suất đang đẩy các ngân hàng yếu kém thậm khi phải phụ thuộc nhiều hơn vào Ngân hàng Nhà nước”

Ông cũng cho rằng, tình trạng thiếu hụt thanh khoản tại các ngân hàng nhỏ không hẳn là nguyên nhân gây ra một sự hoảng loạn trên toàn hệ thống.
“Nhưng nếu các cơ quan chức năng không thực hiện các bước xử lý nợ xấu kịp thời thì có thể sẽ diễn ra sự xói mòn niềm tin của người dân với hệ thống ngân hàng”, theo ông Miyazaki.

Bích Diệp
Theo Bloomberg