Lãi suất dài hạn VND vào cuộc “đua tăng”

(Dân trí) - Lãi suất cơ bản vẫn ở mức 7%/năm, nhưng một vài tuần gần đây, khối ngân hàng thương mại liên tiếp điều chỉnh biểu lãi suất huy động VND. Đường cong lãi suất được chỉnh về đúng quy luật, với “đỉnh” lên tới 9,6%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.

Lãi suất dài hạn VND vào cuộc “đua tăng” - 1
Lãi suất VND trong xu hướng tăng nhẹ (ảnh: Việt Hưng).
 
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố lãi suất cơ bản VND tháng 5 này không thay đổi so với tháng trước, tức là giữ nguyên mức 7%/năm. Theo đó, trần lãi suất huy động VND và cho vay biến động trong khoảng 10,5%/năm.
 
Lãi suất cơ bản được giữ nguyên trong một thời gian khá dài, nhưng trên thị trường tiền tệ, một cuộc chảy đua không ồn ào nhưng quyết liệt về lãi suất huy động VND đang được khối ngân hàng thương mại tiến hành.
 
Kể từ ngày 27/4, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) lại thông báo điều chỉnh lãi suất tiết kiệm bậc thang VND, với mức tăng từ 0,1% - 0,3%/năm cho các kỳ hạn từ 2 - 24 tháng. Trước đó, SHB đã triển khai sản phẩm “Tiết kiệm siêu hấp dẫn 3+”, với lãi suất lên tới 9,3%/năm cho kỳ hạn 36 tháng, lãi suất cộng thưởng có thể lên thêm 0,25%/năm.
 
Với gói sản phẩm Youlife, khách hàng gửi tiết kiệm VND kỳ hạn 12 tháng tại Ngân hàng An Bình được hưởng lãi suất 8,5%/năm; từ 36 tháng - 60 tháng lãi suất 8,7% - 8,8%/năm, với lãi suất cộng thêm 0,2%/năm.
 
“Nóng” không kém khối ngân hàng vừa và nhỏ, các ngân hàng lớn cũng đẩy mạnh lãi suất huy động kỳ hạn dài. Điển hình như Vietinbank tăng lãi suất lên 9% ở kỳ hạn 36 tháng, 8,6% ở kỳ hạn 27 tháng; BIDV lên 8% ở kỳ hạn 18 tháng và Vietcombank lên 7,8 % ở kỳ hạn từ 18 - 36 tháng...
 
Như vậy, diễn biến mặt bằng lãi suất huy động VND cuối tháng 4 đã có sự thay đổi. Nếu như thời gian trước, các mức huy động chủ yếu “đánh” vào tâm lý gửi tiền của người dân ở kỳ hạn ngắn, thì nay kỳ hạn dài được ngân hàng đẩy lên cao theo đúng quy luật của đường cong lãi suất. Và để tiện lợi cho khách hàng, nhiều ngân hàng thương mại áp dụng lãi suất bậc thang, lãi suất công thêm.
 
Lý giải cho “cuộc đua” tăng lãi suất huy động VND thời gian này, khối ngân hàng thương mại cho biết để cân bằng giữa lãi suất đầu vào và đầu ra, đồng thời giữ chân khách hàng, đảm bảo nguồn vốn cho vay, hỗ trợ sản xuất.
 
Một lý do không kém phần quan trọng là các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, cho vay bất động sản cũng cần trang bị lượng vốn dồi dào thông qua huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư.
 
Một cuộc đua tăng lãi suất đã hình thành và theo dự đoán của giới chuyên gia sẽ còn diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới. Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, đến cuối tháng 4, tổng vốn huy động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt hơn 479.000 tỷ đồng, tăng 1,15% so tháng trước và tăng 3,71% so cuối năm 2008.
 
Trong tổng vốn huy động, nguồn tiền gửi bằng VND tăng nhẹ ở mức 5,32% so cuối năm trước, nhưng nguồn tiền gửi ngoại tệ (chủ yếu là USD) lại giảm 0,38% so cuối năm 2008.
 
Nguồn vốn huy động tăng cao trong tháng 4 là do lãi suất huy động VND của các ngân hàng đã tăng hơn trước; bên cạnh tâm lý tiết kiệm, giảm tiêu dùng của người dân trong bối cảnh kinh tế suy thoái vẫn phổ còn phổ biến.
 
Nguyễn Hiền