Lãi suất cho vay ưu đãi chỉ… 21%

Trần lãi suất huy động giảm xuống 7,5%/năm khiến người dân kỳ vọng lãi suất cho vay giảm xuống nhưng điều đó chưa xảy ra.

Lãi suất cho vay tiêu dùng chỉ… 21%

Ngày 25/3, Ngân hàng nhà nước công bố Quyết định số 643/QĐ-NHNN ngày 25/3 quy định áp trần lãi suất huy động giảm từ 8% xuống 7,5%/năm cho các kỳ hạn từ 1 tháng tới dưới 12 tháng. Sau khi Quyết định này được công bố, người dân cũng như giới đầu tư kỳ vọng, lãi suất cho vay sẽ giảm theo. Tuy nhiên, tới cuối tháng 3, các ngân hàng vẫn chưa có động thái nào giảm lãi suất cho vay. Thậm chí lãi suất cho vay tiêu dùng còn được giới thiệu ưu đãi ở mức… chỉ 21%/năm.

Hiện nay, trong khi nhiều khoản cho vay khác khá “im hơi lặng tiếng” thì cho vay tiều dùng được giới thiệu rất rộng rãi. Nhân viên tín dụng của các ngân hàng và công ty tài chính thường xuất hiện trên nhiều diễn đàn và gửi mail để tiếp cận khách hàng. Nhiều người (đặc biệt là nhân viên tài chính của Prudential) còn trực tiếp mời chào cho vay qua điện thoại.

Chị Lan, nhân viên của một công ty truyền thông phàn nàn: “Tôi liên tục nhận được các cuộc điện thoại không mong đợi, lúc thì từ Prudential, khi thì từ HSBC mời vay tiêu dùng. Họ mời nhiệt tình tới mức tôi có cảm giác họ mới là người lấy tiền từ túi mình chứ không phải mình lấy tiền từ túi của họ”.

Lãi suất cho vay tiêu dùng lên tới… 21%
Lãi suất cho vay tiêu dùng lên tới… 21%
Theo tìm hiểu của phóng viên, điều kiện mà các ngân hàng và tổ chức tín dụng đưa với khách hàng khá đơn giản. Hầu hết đều là có hộ khẩu KT3, có bảng sao kê 3 tháng lương gần nhất,..

Về yêu cầu thu nhập, các ngân hàng cũng có nhiều quy định khác nhau. Những ngân hàng lớn bắt buộc thu nhập cao hơn, các ngân hàng nhỏ lại hướng tới đối tượng khách hàng ít tiền hơn.

Cụ thể, Citibank yêu cầu khách hàng vay tín chấp phải có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng, Ngân hàng Standard Chartered quy định trên 8 triệu đồng/tháng. Techcombank chỉ quy định 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, Vietbank thậm chí còn chấp nhận cả những khách hàng có thu nhập 3 triệu đồng/tháng.

Và đặc biệt, với vay tiêu dùng, khách hàng không cần tài sản thế chấp.  Vì không cần tài sản thế chấp nên lãi suất dù được quảng cáo là… ưu đãi vẫn ở mức… trên trời. Thông thường lãi suất cho vay tín chấp thường ở mức 21%/năm.

Ví dụ trong các thư giới thiệu, ngân hàng Standard Chartered “niêm yết” lãi suất là 21%/năm. Citibank cũng thông báo lãi suất “cạnh tranh” 1,75%/tháng (tương đương 21%/năm). Nhiều ngân hàng khác cũng áp dụng mức này. Một số ngân hàng đặt lãi suất thấp hơn nhưng vẫn ở mức rất cao.

Chị Lan nhận xét: “Hiện nay, lãi suất cho vay thường ở mức trên dưới 15%/năm. Thậm chí nhiều ngân hàng còn đề xuất cho vay bất động sản chỉ với 10%. Dù biết rằng vay tiêu dùng, không có tài sản thế chấp, ngân hàng gặp nhiều rủi ro hơn nên phải đẩy lãi suất cao hơn nhưng con số 21% dường như không hợp lý”.

Ngân hàng hốt bạc từ vay tiêu dùng?

Những quy định ngân hàng đưa ra tưởng chừng rất dễ đáp ứng nhưng hóa ra không hoàn toàn như vậy. Khi trao đổi với nhân viên tín dụng của Standard Chartered, phóng viên VTC News mới được biết bên cạnh nhiều quy định được công bố, ngân hàng còn có thêm nhiều yêu cầu nữa.

Ví dụ, Standard Chartered chia ra khá nhiều đối tượng khác nhau. Với khách hàng làm việc cho những công ty trong diện ưu tiên, thu nhập chỉ cần 8 triệu đồng/tháng và không quy định ngân hàng thanh toán lương. Còn nếu khách hàng không thuộc diện ưu tiên, thu nhập phải từ 8 triệu đồng/tháng trở lên và phải thanh toán lương qua Standard Chartered. Chỉ khách hàng thu nhập trên 10 triệu đồng mới không cần thanh toán lương qua Standard Chartered.

“Khách hàng phải yêu cầu kế toán của công ty thanh toán lương hàng tháng của họ qua Standard Chartered. Ngân hàng quy định thu nhập dưới 10 triệu, khách hàng phải làm điều đó vì ngoài khoản lãi suất thu được ngân hàng cần nguồn huy động vốn” – Nhân viên này giải thích rõ hơn.

Nhiều ngân hàng cũng áp dụng thêm nhiều quy định chứ dễ dàng như quảng cáo. Đó là điều hợp lý để tránh trường hợp nhiều khách hàng sau khi vay không đủ khả năng trả nợ và gây áp lực nợ xấu lên ngân hàng.

Dù quy định chặt chẽ hơn so với quảng cáo nhưng rõ ràng nhu cầu vay tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội vẫn rất lớn. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội vừa có báo cáo tình hình hoạt động tín dụng trên địa bàn ước đến hết tháng 3/2013.

Theo đó, doanh số cho vay ước tính đến cuối tháng 3 ước đạt 230.500 tỷ đồng, đưa tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng đạt 639.301 tỷ đồng, tăng 3,68% so với tháng 2/2013. Dư nợ cho vay bất động sản vẫn chiếm vị trí số 1 với tổng dư nợ lên tới 60.733 tỷ đồng, chiếm 9,5% tổng dư nợ.

Tuy nhiên, khoản dư nợ cho vay tiêu dùng ít được chú ý hơn nhưng vẫn đạt con số không kém dư nợ cho vay bất động sản nhiều. Cho vay tiêu dùng đạt 60.094 tỷ đồng, chiếm 9,4% tổng dư nợ.

Qua các con số có thể thấy, dự nợ bất động sản và cho vay tiêu dùng đứng ở 2 vị trí tương đương nhau và không có chênh lệch lớn. Trong khi lãi suất của hai lĩnh vực này khá cách biệt. Nếu lãi suất cho vay bất động sản dao động trong khoảng từ 10% đến 15% thì lãi suất cho vay tiêu dùng lại phổ biến ở mức 21%.

Dù rằng cho vay bất động sản có tài sản đảm bảo sẽ giúp ngân hàng “nắm đằng chuôi” nhưng rõ ràng với khoản lãi suất chênh lệch như vậy, không ít người sẽ nghĩ đến việc cho vay tiêu dùng tạo lợi nhuận cho ngân hàng nhiều hơn từ cho vay bất động sản. Hơn nữa, trong suốt thời gian qua, người ta nhắc tới nợ xấu từ bất động sản nhiều hơn từ cho vay tiêu dùng.
Theo Thanh Hà
VTC