Lãi suất cho vay giảm bằng lãi suất cơ bản

(Dân trí) - BIDV vừa công bố biểu lãi suất cho vay mới, với mức “đáy” 10%/năm, bằng đúng lãi suất cơ bản mà NHNN áp dụng kể từ ngày hôm nay. Đây cũng là lần điều chỉnh giảm lãi suất bằng nội tệ lần cuối cùng trong năm 2008 của ngân hàng này.

Dồn dập giảm lãi suất

Thông tin từ ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, kể từ ngày 8/12, BIDV áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn trong khoảng từ 10%/năm – 11,5%/năm, giám đốc các chi nhánh được quyền quyết định mức cho vay hợp lý trong khung này.

Về lãi suất cho vay trung và dài hạn, ngân hàng này áp dụng khung lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng trả saucùng phí tối thiểu là 3%/năm, dao động quanh mức từ 12% - 12,5%.

Với việc công bố điều chỉnh giảm lãi suất bằng đồng nội tệ cuối cùng trong năm 2008, đây cũng là đợt điều chỉnh lần thứ 10 liên tiếp của BIDV trong vòng 5 tháng trở lại đây (từ tháng 7 - 12/2008).

“Trong trường hợp lãi suất cơ bản giảm tiếp, thì đây là đợt giảm cuối cùng trong năm của BIDV. Nếu điều kiện cho phép, chung tôi sẽ điều chỉnh giảm vào đầu năm 2009”, ông Trần Bắc Hà nhấn mạnh.

Không giảm mạnh như BIDV, nhưng Vietcombank lại áp dụng ngay biểu phí cho vay 10,5%/năm kể từ ngày hôm nay 5/12.

Theo đó, lãi suất cho vay ưu đãi của Vietcombank xuống còn 0,875%/tháng, lãi suất cho vay thông thường là 1,04%/tháng; riêng đối với các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu cam kết bán lại ngoại tệ cho Vietcombank thì lãi suất cho vay chỉ còn ở mức 0,42%/tháng.

Đây là lần điều chỉnh giảm thứ hai trong vòng 5 ngày đầu tháng 12/2008 của Vietcombank.

Góp mặt trong nhóm ngân hàng điều chỉnh lãi suất cho vay ngay trong ngày giảm lãi suất cơ bản xuống 10%/năm còn có Ngân hàng Công thương Việt Nam, với sàn lãi suất cho vay ngắn hạn là 12%/năm. Sàn lãi suất cho vay trung, dài hạn là 14%/năm.

Những khách hàng thu mua lúa gạo, nông lâm thủy sản xuất khẩu, cho vay sản xuất các mặt hàng thiết yếu thay thế hàng nhập khẩu, các mặt hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, ngân hàng có thể áp dụng mức lãi suất cho vay tối thiểu là 11%/năm…

Đừng để lãi suất thấp… trên giấy

Mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng trở về thời điểm cuối năm 2007, nghĩa là đã ở mức là doanh nghiệp “có thể chấp nhận được để vay vốn đầu tư cho sản xuất kinh doanh”. Tuy nhiên, xét về góc độ của người đi vay vốn, doanh nghiệp vẫn than khó.

Một doanh nghiệp kinh doanh hàng gia dụng cho hay: “Đừng tưởng lãi suất giảm mạnh, ngân hàng kêu thừa vốn mà dễ vay. Họ đòi hỏi rất nhiều thủ tục và đến khi được xét vay thì cơ hội đã qua”.

Đại diện của Ngân hàng TMCP Liên Việt (LienViet Bank) cho biết, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cơ bản xuống 10%/năm sẽ giúp cho mặt bằng lãi suất đầu ra bớt căng thẳng hơn, nhất là đối với doanh nghiệp.

Ngân hàng đã sẵn sàng giải ngân hàng nghìn tỷ đồng, do đó, các doanh nghiệp và tổ chức cần phải cơ cấu lại ngành nghề kinh doanh cho phù hợp, cơ cấu lại danh mục đầu tư hiệu quả hơn. Đặc biệt là với doanh nghiệp xuất khẩu, vì lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn khi không tìm được hợp đồng xuất khẩu.

Hiện tại, nhiều ngân hàng đã có những chương trình để kích cầu: cho vay tiêu dùng, cho vay các hộ gia đình cá nhân, doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả để mua nhà chung cư, bất động sản…

Nhiều ngân hàng còn công bố khoản giải ngân đi kèm như: LienViet Bank dành 4.000 tỷ đồng để cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa từ nay đến cuối năm 2009; BIDV trong giai đoạn 2008 - 2010 sẽ dành nguồn vốn trên 30.000 tỷ đồng với lãi suất hợp lý để hỗ trợ tín dụng (tăng dư nợ cho vay ròng) đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu đến năm 2010, tổng dư nợ cho vay đối với khối này đạt khoảng 60.000 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng khoảng 30% trên tổng dư nợ cho vay ngân hàng)...

Lãi suất cho vay liên tục tạo “đáy’’ được nhiều người lo ngại về việc doanh nghiệp còn chờ để được vay với lãi suất thấp hơn, khiến vốn của ngân hàng vẫn “nằm dài’’ chờ giải ngân.

Về khả năng này, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà cho rằng, mức lãi suất cho vay 10%/năm của BIDV hiện “khá an toàn" vì còn cách trần lãi suất tới 5%.

Doanh nghiệp không nên ỷ lại vào các lần giảm lãi suất cho vay của ngân hàng, bởi điều này không có lợi nếu xét về cơ hội kinh doanh. Và quan trọng hơn, lãi suất thấp chỉ là một vế, vế quan trọng vẫn là hiệu quả sản xuất kinh doanh, sản phẩm đầu ra mà doanh nghiệp đưa đến tay người tiêu dùng.

Theo đề xuất của một số chuyên gia, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, sức cầu giảm mạnh, doanh nghiệp trong nước nên hướng nội, đầu tư cho thị trường trong nước những nguồn hàng phong phú, chất lượng, giá cả cạnh tranh.

Bởi thực tế cho thấy, nhu cầu dùng hàng Việt của người dân dịp cuối năm đang tăng cao, đây là lúc ngành bán lẻ có thể tận dụng lợi thế “sân nhà” để củng cố thị phần, trước khi doanh nghiệp ngoại có đủ điều kiện để “lấn” sâu.

Nguyễn Hiền