Lại loay hoay dư USD, thiếu VND
Nguồn vốn ngoại tệ tiếp tục chảy vào ngân hàng, nhất là trong tháng 6 vừa qua, khi nhu cầu cất giữ USD của người dân tăng mạnh. Trong khi đó, tiết kiệm bằng tiền đồng (VND) lại khan hiếm dần, cho dù các ngân hàng tăng mạnh lãi suất huy động.
Theo một thống kê sơ bộ, huy động vốn bằng ngoại tệ 6 tháng đầu năm 2008 của hệ thống ngân hàng tăng 9%, chủ yếu trong tháng tháng 5 và 6/2008. Còn tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ đạt trên 20%, chủ yếu trong 4 tháng đầu năm. Riêng tháng 5 và 6/2008, nhu cầu vốn vay ngoại tệ của doanh nghiệp giảm hẳn.
Nguyên nhân chính là do lo ngại rủi ro biến động của tỷ giá hối đoái, nhất là sau đợt biến động mạnh trong tháng 6 vừa qua. Thực tế, trong 4 tháng đầu năm 2008, tỷ giá USD/VND giảm mạnh, có thời điểm xuống dưới ngưỡng 15.500 đồng/USD khiến nhiều người đổi USD sang VND để gửi ngân hàng, với lãi suất cao hơn.
Điều này dẫn đến nguồn cung ngoại tệ trên thị trường dư thừa. Những người có nhu cầu bán USD phải chịu thêm một khoản phí do các ngân hàng đưa ra, phổ biến 2 - 3% trên tỷ giá niêm yết tại thời điểm giao dịch.
Nhưng thời điểm đó, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang vay USD để tránh "cơn bão" lãi suất cho vay tiền đồng được các ngân hàng điều chỉnh lên mức cao, 17 - 18%/năm, trong khi lãi suất vay USD chỉ khoảng 8 - 9%/năm.
Điều này đã đẩy tăng trưởng tín dụng bằng USD tại các ngân hàng trong 4 tháng đầu năm lên hơn 20%. Tuy nhiên, bước sang tháng 5/2008, giá USD bắt đầu có dấu hiệu phục hồi và sau đó là tăng mạnh, cộng với lạm phát gia tăng làm nhiều người lo ngại VND mất giá nên đã nhanh chóng chuyển VND sang USD để cất giữ.
Để thu hút được ngoại tệ trong dân cư, các ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ lên đến 8,4%/năm ở kỳ hạn 12 tháng và kết quả là hút được một lượng USD tương đối lớn.
Chỉ trong 2 tháng cuối Quý II/2008, tốc độ tăng trưởng huy động vốn bằng ngoại tệ đạt 9%. Nhưng ngược lại, tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ lại giảm mạnh trong cùng khoảng thời gian, nhất là trong tháng 6/2008.
Doanh nghiệp không còn mặn mà với việc vay USD, cho dù lãi suất vay thấp hơn phân nửa so với VND. Nguyên nhân chính là rủi ro biến động về tỷ giá quá cao. Tỷ giá hối đoái trong tháng 6 có thời điểm lên 19.500 VND/USD khiến nhiều doanh nghiệp lao đao.
Đến lúc này, các ngân hàng bắt đầu quay trở lại với bài toán làm thế nào để giải quyết được nguồn cung ngoại tệ ứ đọng và thiếu hụt tiền đồng. Đã có kiến nghị rằng, nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép các ngân hàng hoán đổi ngoại tệ lấy tiền đồng để kinh doanh theo tỷ giá liên ngân hàng tại thời điểm giao dịch sẽ giúp các ngân hàng trong vấn đề thanh khoản.
Thực tế, nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ đã được hiện từ năm 2001 với Quyết định số 893/2001/QĐ-NHNN của NHNN, mục đích là tạo thêm một kênh cung ứng vốn ra thị trường cho NHNN và giải quyết bài toán mất cân đối nguồn vốn ngoại tệ và VND của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, với các kỳ hạn tối đa là 3 tháng. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, NHNN ít khi sử dụng nghiệp vụ này và chỉ sử dụng khi các NHTM thực sự thiếu hụt vốn khả dụng bằng VND.
Về kiến nghị trên, theo ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), để kiềm chế lạm phát, NHNN đã đưa ra nhiều biện pháp thắt chặt tiền tệ, đồng thời hút bớt tiền trong lưu thông.
Do đó, hoán đổi nguồn vốn huy động bằng USD sang VND sẽ giải quyết bài toán thanh khoản cho ngân hàng, nhưng ngược lại, cung tiền đồng trong lưu thông tăng lên. Điều này đi ngược với chủ trương kiềm chế lạm phát đã và đang thực hiện.
Trên thực tế, chính sách tiền tệ thắt chặt tiếp tục được thực hiện theo hướng tăng lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu; tỷ giá liên ngân hàng đã được điều chỉnh lên mức 16.461 VND/USD và biên độ dao động tăng từ +/-1% lên ±2%.
Với dư nợ tín dụng chỉ tăng 20% trong 6 tháng đầu năm, trong khi tiền mặt trong lưu thông giảm 7,13% so với tháng 12/2007 và giảm 17,46% so với cùng kỳ năm trước, tổng phương tiện thanh toán chỉ tăng 4,48%. Nếu cần giải quyết bài toán thanh khoản cho những ngân hàng có nhu cầu thực sự không nhất thiết phải dùng đến biện pháp hoán đổi ngoại tệ như trên.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho rằng, để giải quyết bài toán nguồn vốn huy động USD tăng, VND giảm, các ngân hàng không nhất thiết phải sử dụng nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ. Cách tốt nhất là phải tiếp thị để tìm kiếm khách hàng giải ngân nguồn USD đã huy động. Ngoài ra, các ngân hàng có thể giảm lãi suất huy động.
Hiện lãi suất huy động bằng USD của các ngân hàng Việt Nam đang rất hấp dẫn, đã thu hút không ít nguồn ngoại tệ từ nước ngoài vào gửi tiết kiệm. So với lãi suất cơ bản của đồng USD do Cục Dự trữ Liên bang (FED) đang áp dụng thì lãi suất huy động USD của nhiều ngân hàng Việt Nam cao hơn đến 6,4%/năm.
Theo Vinh Nguyễn
Đầu tư Chứng khoán