HHVTHH TP.HCM:

Lại kiến nghị thu phí đường bộ qua xăng dầu

(Dân trí) - Hiệp hội Vận tải TP.HCM vừa kiến nghị Chính phủ và các Bộ liên quan về phương án lập Qũy bảo trì đường bộ, trong đó tiếp tục thu phí qua xăng dầu và loại bỏ thu trực tiếp qua đầu phương tiện.

Thông tin trên do ông Thái Văn Chung - Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP.HCM (HHVTHH) cho biết ngày 20/9.

Theo HHVTHH TP.HCM, trước những đòi hỏi từ thực tế hạ tầng giao thông hiện nay thì việc thành lập Qũy bảo trì đường bộ để tập trung kinh phí sử dụng vào việc sửa chữa, bảo trì hệ thống cầu, đường và các công trình giao thông khác thuộc cơ sở hạ tầng đường bộ là hoàn toàn đúng đắn.

Song, với ý kiến bảo lưu không thu phí qua xăng dầu của Bộ Tài chính mới đây vì quan ngại sẽ đẩy giá xăng dầu tăng cao (sắp tới xăng dầu phải gánh chịu thêm thuế môi trường và phí Qũy bình ổn giá xăng dầu), ông Chung cho rằng: “Nếu việc tăng giá xăng dầu hợp lý thì người dân, doanh nghiệp cũng sẵn sàng chấp nhận. Không sợ giá xăng dầu tăng cao mà chỉ sợ thu không công bằng và sử dụng tiền phí thu được của người dân và doanh nghiệp không đúng mục đích gây thất thoát và không hiệu quả”.
 
Lại kiến nghị thu phí đường bộ qua xăng dầu - 1
HHVTHH TP.HCM kiến nghị tiếp tục thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu

HHVTHH TP.HCM kiến nghị tiếp tục áp dụng phương thức thu phí bảo trì đường bộ qua xăng dầu, không thực hiện thu qua đầu phương tiện (phương án này mang tính chấp áp đặt và không không bằng).

Lý giải điều này, Thái Văn Chung cho rằng: “Đường bộ bị tác động gây hư hỏng, xuống cấp bởi phương tiện xe cơ giới tham gia giao thông. Vì vậy để đảm bảo tính công bằng theo nguyên tắc: phương tiện đi nhiều trên đường bộ thì phải có nghĩa vụ nộp phí nhiều hơn so với phương tiện ít đi trên đường bộ.

Chúng tôi kiến nghị tiếp tục duy trì mức thu như hiện nay qua xăng dầu để chuyển vào quỹ bảo trì đường bộ. Phương pháp này tuy không bảo đảm được tính chính xác tuyệt đối cho các đối tượng sử dụng xăng dầu, nhưng đối với các phương tiện cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ thì lại mang tính công bằng hơn so với việc thu phí qua đầu phương tiện, đồng thời vẫn bảo đảm được nguồn thu cho quỹ hoạt động”.

Tính toán của HHVTHH TP.HCM cho thấy, số lượng tiêu thụ xăng dầu của cả nước năm 2010 vừa qua đạt khoảng 18 triệu tấn, số lượng tiêu thụ xăng các loại khoảng 7,5 triệu tấn, dầu diezel khoảng 7,5 triệu tấn, dầu hỏa và dầu mazut khoảng 3 triệu tấn ). Như vậy, với mức thu 1000 đồng/lít xăng các loại, 500 đồng/lít dầu diezen, 300 đồng/lít dầu hỏa và dầu ma zút sẽ cho số tiền phí tương ứng lên tới khoảng 14 nghìn tỷ đồng.
 
Số tiền này lớn hơn gần gấp 2,5 số tiền Tổng cục đường bộ Việt Nam dự kiến thu được và đủ đáp ứng nhu cầu sử chữa, bảo trì đường bộ theo tính toán của Tổng cục đường bộ Việt Nam.

HHVTHH TP.HCM cũng góp ý Chính phủ quyết định cho chấm dứt việc thu phí qua xăng dầu nếu như áp dụng thu phí bảo trì đường bộ nói trên hoặc tốt nhất chuyển nguồn thu từ phí xăng dầu hiện nay sang cho Qũy bảo trì đường bộ quản lý và tiếp tục áp dụng mức thu phí như quy định hiện hành.

“Việc xây dựng mới các công trình giao thông đã được thực hiện thông qua việc Nhà nước thu thuế các loại, trong đó có thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng thu từ mặt hàng xăng dầu hoặc sử dụng các nguồn vốn khác như ODA hoặc các phương thức đầu tư khác như BOT, BT.... Vì thế nên tập trung nguồn thu từ phí xăng dầu cho Qũy bảo trì đường bộ để bảo đảm nguồn tài chính cho việc duy tu, bảo trì đường bộ” - ông Chung nhìn nhận.

Cùng với đó, theo HHVTHH TP.HCM, Nhà nước nên mua lại các dự án BOT tại các tuyến cầu, đường độc đạo để tránh trường hợp phí chồng phí.

Quỳnh Anh