Lãi “khủng” ngân hàng: Đừng nhìn vào con số báo cáo!

(Dân trí) - Doanh thu tuy lớn nhưng quy mô vốn của ngân hàng ít nhất phải là 3.000 tỷ đồng, trong tương quan với con số đó thì không nên so sánh. Con số tuyệt đối ở đây không nói lên điều gì.

Lãi “khủng” ngân hàng: Đừng nhìn vào con số báo cáo! - 1
So sánh với hệ thống ngân hàng ở các nước trong khu vực thì chỉ số ROA, ROE của ngân hàng Việt Nam rất “bê bết”.

Mới đây, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với TS. Nguyễn Trọng Tài, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Ngân hàng - Học viện Ngân hàng.

Đề cập đến tình trạng hàng loạt doanh nghiệp “lao đao” vì lãi suất cao trong khi nhiều ngân hàng lại công bố lợi nhuận “khủng”, ông cho rằng, nếu chỉ nhìn vào những con số công bố của các ngân hàng thì chưa thể thấy hết vấn đề.

 Theo đó, cần xem số liệu đó là lãi ròng hay lãi trước thuế vì lãi ròng và lãi trước thuế là khác nhau. Bên cạnh đó, phải tính theo hệ số ROA (lợi nhuận ròng trên tổng tài sản), ROE (lãi ròng so với vốn chủ sở hữu), đánh giá hai hệ số này thì mới phản ánh được hiệu quả kinh doanh thực tế các nhà băng. Và cũng chỉ những chỉ số này mới thể hiện tầm ảnh hưởng của ngành ngân hàng đối với nền kinh tế.

“Nếu so sánh hai chỉ số ROE và ROA của ngành ngân hàng với 21 ngành khác của nền kinh tế, ROE của họ chỉ ở mức trung bình (thứ 11/21), còn ROA thì ở mức thấp nhất” – ông Tài cho hay.

Còn nếu so sánh với hệ thống ngân hàng ở các nước trong khu vực thì chỉ số ROA, ROE của ngân hàng Việt Nam còn “bê bết” hơn nữa.

Bởi, hệ số ROA bình quân của họ ở mức 4-6%, trong khi ở Việt Nam là hơn 0,8%. ROE của họ ở mức 14-16% thì các ngân hàng Việt Nam chỉ khoảng 7-8%.

Vì vậy, theo ông không nên nhìn vào những con số báo cáo tài chính. Bởi doanh thu tuy lớn nhưng quy mô vốn của ngân hàng ít nhất phải là 3.000 tỷ đồng. “Trong tương quan với con số đó mà lãi của ngân hàng chỉ chừng này thì đừng nên so sánh. Con số tuyệt đối ở đây không nói lên điều gì cả”.

Mới đây, trong phiên họp báo Chính phủ tổ chức hồi đầu tháng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cũng lưu ý đến vấn đề này. Bà Hồng cũng khẳng định, do các tổ chức tín dụng là phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro nên lãi công bố chỉ mới thể hiện ở chênh lệch thu chi chứ chưa hẳn thể hiện hết phần lợi nhuận thu về.

Và với đặc trưng là tổ chức trung gian nên chắc chắn các ngân hàng cũng bị ảnh hưởng và tiềm ẩn những rủi ro từ nợ xấu bất động sản và các doanh nghiệp , do vậy, lợi nhuận thực tế không thể cao như công bố ban đầu được.

Bao quát về hệ thống ngân hàng, ông nói, trên thị trường Việt Nam đang có sự cạnh tranh quyết liệt vì các ngân hàng nhỏ, các tổ chức này phải cạnh tranh để tồn tại - cạnh tranh trong tín dụng là chủ yếu.

Và, con sóng lãi suất chủ yếu do ngân hàng nhỏ tạo ra, ngân hàng nhỏ “dắt mũi” ngân hàng lớn. Tuy nhiên, thời gian tới, lãi suất dứt khoát giảm. Lộ trình này sẽ bắt đầu từ một số ngân hàng thương mại trọng điểm, đặc biệt là ngân hàng thương mại Nhà nước. “Đã là ngân hàng thuộc Nhà nước thì anh phải có trách nhiệm bình ổn lãi suất”.

Hết quý I, sang quý II,  nhất định sẽ có lộ trình hạ lãi suất. Hiện nay, lãi suất cho vay ở mức 20-22%, sẽ giảm ở mức khoảng 14-15% là phù hợp. Song, lãi suất huy động cũng phải được tiếp tục kiểm soát và hạ xuống mức 9-10%. Mức đó là hợp lí bởi vì lạm phát đang có xu hướng giảm mạnh. Bản chất của lãi suất là đi theo lạm phát, lạm phát hạ thì lãi suất hạ theo.

Hiện, ba “ông lớn” Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), NH Ngoại thương (Vietcombank), NH Công thương Việt Nam (Vietinbank) đều đã có quyết định chính thực về giảm lãi suất với mức giảm 0,5%/năm so mức sàn lãi suất đang áp dụng.

Bích Diệp