“Lách” trần tỷ giá USD/VND chưa có hồi kết

(Dân trí) - Với nỗ lực bình ổn thị trường ngoại hối, đưa cặp tỷ giá VND/USD nằm trong biên độ quản lý (+/-5%), Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều biện pháp “siết chặt” nhưng xem ra cứ cấm đến đâu là các ngân hàng thương mại “lách” đến đó.

“Lách” trần tỷ giá USD/VND chưa có hồi kết - 1
Mua bán USD qua ngoại tệ thứ ba với sự xuất hiện của bên trung gian đang được
nhiều ngân hàng áp dụng để lách trần tỷ giá USD/VND (ảnh minh họa: Hữu Nghị).
 
Người dân Việt Nam vốn quen với việc tỷ giá USD/VND tăng dần theo thời gian và tâm lý giữ USD không phải là xa lạ. Tuy nhiên tỷ giá USD/VND lại được điều tiết bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để đảm bảo giá trị của VND góp phần ổn định kinh tế xã hội, phát triển đất nước.
 
Nhưng cũng chính từ thực tế này đã xảy ra hiện tượng các ngân hàng thương mại tìm cách mua bán USD với tỷ giá vượt trần khi mà cung cầu USD bị chênh lệch. Vì thế tỷ giá niêm yết của NHNN bị mất ý nghĩa khi mà tỷ giá thực tế giao dịch đã được “lách” dưới nhiều hình thức.
 
Để đưa tỷ giá USD/VND trở lại đúng với sự điều tiết của mình, NHNN lần đầu tiên đã ra chỉ thị cấm mua bán vượt trần USD qua ngoại tệ thứ 3. Đây là hình thức mua bán USD với đúng tỷ giá trần nhưng sau đó khách hàng sẽ phải trả thêm phần chênh lệch thông qua tỷ giá của ngoại tệ thứ 3.
 
Sau khi chỉ thị này được đưa ra, các ngân hàng thương mại đã chuyển qua sử dụng một hình thức khác là mua bán kỳ hạn để tiếp tục mua bán vượt trần USD. Hình thức này lợi dụng sự chênh lệch của tỷ giá kỳ hạn và tỷ giá giao ngay để bù đắp phần chênh lệch so với tỷ giá trần.
 
Tại Công văn số 4941, NHNN cho biết, khi phát hiện các Tổ chức tín dụng lách các quy định để mua bán USD vượt tỉ giá trần quy định, doanh nghiệp hãy gọi điện về đường dây nóng của NHNN theo các số sau: Văn phòng NHNN: 04.38 266.344 và 01226.376.735; Thanh tra NHNN: 04.22239.521 và 0122.626.8579 để xử lý.
 
Nguồn tin từ NHNN, sau 1 tuần thanh tra đã phát hiện một số trường hợp vi phạm về quy định ngoại hối. Sau khi có kết quả thanh tra chính thức, NHNN sẽ xử lý nghiêm những trường hợp sai phạm này.
Kịp thời nhận biết, NHNN lại một lần nữa ra quyết định chấm dứt hành động lách luật trên nhưng các ngân hàng thương mại cũng thêm một lần nữa mua bán vượt trần bằng hình thức mới: thu phí.
 
Hình thức này tồn tại cho đến ngày 1/7/2009 mới bị ngăn chặn bởi Công văn 4941/NHNN-QLNH trong đó ghi rõ các tổ chức tín dụng không được phép thu phí thông qua các hợp đồng dịch vụ và các hình thức khác như chi trả hoa hồng, phí quản lý tiền mặt… để bán vượt trần.
 
Tuy nhiên chỉ sau vài ngày thực hiện đúng tỷ giá trần, các ngân hàng thương mại đã tìm ra được biện pháp mới để mua bán USD với tỷ giá vượt trần. Đó là việc kết hợp nghiệp vụ mua bán qua ngoại tệ thứ ba với sự xuất hiện của bên trung gian, biện pháp này được hình dung như sau:
 
Khách hàng bán USD cho ngân hàng lấy một ngoại tệ khác có thể là JPY và EUR. Có trong tay JPY hoặc EUR khách hàng sẽ bán cho bên trung gian (thường là công ty con của các ngân hàng) để lấy đủ số tiền VND theo tỷ giá vượt trần nếu bán bằng USD. Cuối cùng bên trung gian bán lại số JPY hoặc EUR cho ngân hàng lấy VND.
 
Như vậy ngân hàng nhận đủ USD và khách hàng nhận đủ VND như mong muốn.
 
Ngoài biện pháp này ra còn một số biện pháp khác như đẩy phần chênh lệch so với tỷ giá trần vào chi phí lãi vay, hoặc thu phí qua bên thứ ba… cũng đã được các ngân hàng thương mại áp dụng để cung cầu đồng USD gặp nhau và hoạt động của thị trường ngoại hối vẫn diễn ra bình thường.
 
Càng chấn chỉnh thì càng có nhiều vấn đề mới nảy sinh để có thể mua bán vượt trần tỷ giá USD/VND. Có ý kiến cho rằng, NHNN phải dự đoán được hết các chiêu lách luật để cấm triệt để, không nên để lách đến đâu, cơ quan quản lý cấm đến đó theo kiểu chạy theo.
 
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng cùng với việc bịt kẽ hở lách luật, NHNN cũng cần phải trấn an thị trường bằng những cam kết cụ thể.
 
Có lẽ một biện pháp hữu hiệu hơn đã đến lúc cần được tính đến đó là đặt ra một tỷ giá hợp lý cho cả người mua và người bán, đảm bảo quyền lợi cho tất cả những tổ chức, cá nhân tham gia thị trường ngoại hối.

Thanh Ngọc