Nghiêm cấm tính giá USD qua đồng tiền thứ ba

(Dân trí) - Gần 1 tháng nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã mượn đồng tiền thứ 3 để tính giá USD, gây xáo trộn trên thị trường tiền tệ. Kể từ hôm nay 27/6, Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm việc này, các TCTD phải mua bán ngoại tệ trong biên độ cho phép.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã cho biết như vậy tại cuộc họp báo ngày 26/6.

Từ hôm nay 27/6, biên độ tỷ giá VND/USD được nới lên +/-2%. Đâu là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều này, thưa ông?

Trong chính sách điều hành tỉ giá một cách linh hoạt có kiểm soát, chúng ta có một biên độ để các TCTD ấn định tỉ giá trên thị trường. Thời gian qua, chúng ta đã nhiều lần nới rộng biên độ từ 0,25% tới 0,5%, 0,75%, tới 1% và giờ là 2%.

Theo đề án từ đầu năm mà chúng tôi báo cáo thì Thủ tướng đã cho phép 2%. Tôi cho rằng việc mở biên độ này tạo điều kiện cho các TCTD linh hoạt hơn.

Vậy các TCTD sẽ phải áp dụng mức +/-2% này như thế nào?

Việc nới rộng có thể theo hướng âm hoặc dương, tuỳ theo các TCTD xem xét dựa trên quan hệ cung cầu của mình. Các TCTD phải mua bán ngoại tệ trong biên độ cho phép. Nghiêm cấm việc mượn đồng tiền thứ 3 để tính giá USD.

Gần 1 tháng nay, các TCTD đã mượn đồng tiền thứ 3 gây xáo trộn trên thị trường, không trung thực giữa tỷ giá VND/USD. Chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thanh kiểm tra, những đơn vị nào sai phạm sẽ phạt tiền và thậm chí thu hồi giấy phép.

Xung quanh chuyện này còn xuất hiện thêm một việc, là các bàn đổi tiền của các TCTD. Hiện cả nước có gần 3.591 bàn thu đổi ngoại tệ, trong đó của ngân hàng là 2.294 bàn; cụ thể, Hà Nội có 941 bàn thu đổi, TPHCM có 1.219 bàn…

Sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo các TCTD rà soát lại tất cả các bàn thu đổi ngoại tệ, thực hiện đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và sẽ điều chỉnh một số văn bản pháp quy để quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của những đơn vị này.

Cũng trong giai đoạn tỷ giá VND/USD biến động, nhiều ngân hàng đã áp dụng cơ chế “2 giá” với giao dịch ngoại tệ, trong đó mức giá giao dịch thực tế cao hơn rất nhiều so với giá niêm yết quy định của Ngân hàng Nhà nước. Về việc này, Ngân hàng Nhà nước xử lý ra sao?

Hiện tượng "2 giá" về tỉ giá sẽ được giải quyết theo hướng tất cả các TCTD áp dụng một giá, còn lại bộ phận thị trường tự do nhỏ thì quản lý từng bước.

Còn việc nhiều ngân hàng áp dụng thu phí thêm đối với doanh nghiệp mua USD, dù trong hợp đồng mua bán ngoại tệ vẫn ghi theo giá niêm yết, khoản này được gọi là “phí tư vấn”?

Khi thị trường biến động thì tôi thừa nhận các TCTD có vận dụng nhiều điểm chưa phù hợp với các quy định hiện hành. Chúng tôi phát hiện và lần này có văn bản chỉ đạo là nghiêm cấm việc thu phí, phải thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Thống đốc có nói tới việc sẽ dùng các biện pháp để can thiệp và làm ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá, cụ thể thế nào?

Đã nói can thiệp là chúng ta chấp nhận dùng nguồn ngoại tệ của chúng ta bán thẳng vào các TCTD. Căn cứ vào trạng thái âm mà họ có nhu cầu thì chúng ta bán.

Trong thời kỳ cân bằng cung cầu thì việc này ít xảy ra, còn bây giờ do tâm lý làm cho chúng ta cảm giác thiếu; mặc dù bảng tổng kết cung cầu 6 tháng đầu năm giữa cán cân vãng lai và cán cân vốn là tương đương nhau.

Trong những tháng tới đây, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại với khối lượng và thời hạn thích hợp.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tăng cường bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại để đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về ngoại tệ của nền kinh tế, khắc phục hiện tượng đầu cơ và tâm lý găm giữ ngoại tệ làm méo mó quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường…

- Xin cám ơn ông!

Nguyễn Hiền