Lá trầu không "xuất ngoại"

(Dân trí) - Lâu nay, cây trầu không vẫn được xem là cây trồng truyền thống của nông dân xã Nghi Ân (TP Vinh, Nghệ An). Tuy nhiên việc trồng, phát triển loại cây trồng này vẫn chỉ ở dạng tự phát manh mún. Gần đây, lá trầu không Nghi Ân đã được thu mua để xuất khẩu ra nước ngoài, mở ra một hướng đi mới cho loại cây vốn được mệnh danh là “đếm lá lấy tiền”.

Trồng trầu không xuất khẩu ra nước ngoài

Trầu không – cây trồng đếm lá lấy tiền!

Cây trầu không được trồng ở đất Nghi Ân từ bao giờ, chẳng ai rõ. Chỉ nhớ rằng, từ xưa, hầu như nhà nào cũng trồng dăm gốc trầu lấy lá để ăn và thờ cúng vào dịp lễ, Tết. Gần đây, không còn mấy người ăn trầu nhưng cây trầu không lại trở thành một loại cây trong phát triển kinh tế hộ gia đình. Trầu không Nghi Ân được bán phục vụ nhu cầu thờ cúng của người dân các huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, TP Vinh. Tuy nhiên, loại cây trồng này vẫn chỉ được phát triển ở dạng tự phát, nhỏ lẻ.

Vườn trầu không của vợ chồng ông Nguyễn Hồng Thái (Nghi Ân, TP Vinh, Nghệ An) phục vụ cho xuất khẩu.
Vườn trầu không của vợ chồng ông Nguyễn Hồng Thái (Nghi Ân, TP Vinh, Nghệ An) phục vụ cho xuất khẩu.

Ông Nguyễn Đình Trúc – Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Ân cho biết, hiện chưa có số liệu cụ thể về diện tích trồng trầu không trên địa bàn xã. “Có khoảng trên một trăm hộ dân trồng trầu không bán lá, nhà ít thì vài chục gốc, nhà nhiều cũng phải đến cả nghìn mét vuông. Loại cây trồng này cho thu hoạch thường xuyên nên thu nhập tương đối.

Có thời điểm khan hiếm, mỗi lá trầu không bán tại vườn có giá lên tới 1.000 đồng/lá. Tuy nhiên cây trầu không khá khó tính, tốn công làm đất, chăm sóc, hay bị sâu bệnh và khả năng chống chịu với thời tiết kém. Cây dễ rụng lá rồi chết khi bị ngập úng, sương muối, nắng nóng. Loại cây trồng này lại bị nhiễm dịch nấm theo chu kỳ, 3-4 năm 1 lần, không chữa được. Mỗi lần như thế phải bỏ hoang đất vài ba năm để mầm bệnh trong đất hết mới có thể trồng lại”, ông Trúc cho hay.


Có thời điểm, lá trầu không được giá, bán tại vườn với giá 1.000 đồng/lá.

Có thời điểm, lá trầu không được giá, bán tại vườn với giá 1.000 đồng/lá.

Ngoài phục vụ nhu cầu ăn trầu theo tập tục hay để thờ cúng các ngày lễ, Tết, hiện cây trầu không ở Nghi Ân đã trở thành một trong những đề tài khoa học ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp sạch tại địa phương. Đề tài chiết xuất chế phẩm từ lá trầu không để trừ sâu cho cây lạc đã được triển khai nghiên cứu và tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các chuyên gia cũng như bà con nông dân trong xã.

Theo cán bộ khuyến nông xã Nghi Ân thì giá trị kinh tế của cây trầu không trên địa bàn xã đã được khẳng định. Đã xuất hiện những mô hình phát triển kinh tế bằng loại cây lấy lá này với mức thu nhập bình quân 200-400 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, việc phát triển diện tích cây trầu không vẫn đang được chính quyền địa phương cân nhắc để đảm bảo hài hòa giữa cung và cầu, tránh trường hợp mở rộng diện tích ồ ạt nhưng không có đầu ra ổn định.

Xuất khẩu lá trầu không, thu mỗi ngày 1 triệu đồng

Nếu như trước đây lá trầu không của nông dân Nghi Ân chỉ có thể đi ra chợ hoặc đổ mối cho các thương lái thì từ gần nửa năm nay, những chiếc lá có vị thơm, cay nồng này đã trở thành hàng hóa xuất khẩu sang nước ngoài.

Trồng trầu không xuất khẩu, mỗi tháng gia đình bà Hoa thu nhập từ 30-40 triệu đồng.
Trồng trầu không xuất khẩu, mỗi tháng gia đình bà Hoa thu nhập từ 30-40 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Hoa (xóm 5, xã Nghi Ân) được biết là hộ có diện tích trồng trầu không lớn nhất xã. “Nhà tôi trồng trầu không từ những năm 90, lúc đầu cũng chỉ vài trăm mét vuông thôi. Gần đây, có thương lái đến đặt số lượng lớn để gom hàng xuất khẩu nên gia đình mạnh dạn mở rộng diện tích để đáp ứng số lượng cho đơn hàng xuất khẩu của họ. Ngoài việc đưa trầu không từ trong vườn ra trồng ở ngoài đồng và đã cho thu hoạch thì gia đình tôi mới trồng thêm một vườn nữa, nâng tổng diện tích trồng trầu không lên 1.300m2. Trầu không Nghi Ân vị thơm, cay nồng nên được yêu thích hơn trầu ở các nơi khác”.

Lá trầu không xuất khẩu cũng có yêu cầu khắt khe hơn như lá phải to, dày, đẹp, mặt nhẵn bóng không tỳ vết. Mặc dù cây trầu không xuất khẩu có giá trị kinh tế cao và ổn định hơn nhưng hiện cả xã Nghi Ân mới chỉ có gia đình bà Hoa đi theo hướng này do diện tích lớn, có thể đáp ứng được đơn hàng của thương lái.

Trầu không xuất khẩu sang thị trường Đài Loan phải đáp ứng được các tiêu chí khá khắt khe như lá to dày, bề mặt nhẵn bóng không tì vết, có vị thơm, cay nồng.
Trầu không xuất khẩu sang thị trường Đài Loan phải đáp ứng được các tiêu chí khá khắt khe như lá to dày, bề mặt nhẵn bóng không tì vết, có vị thơm, cay nồng.

“Lá trầu không bán theo cân, mỗi cân 70.000 đồng. Nhà tôi mỗi tháng thu hoạch 2 đợt cho thương lái, mỗi đợt 2 tạ, vị chi cũng được 13-14 triệu đồng. Lá nào không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu thì bán trầu ăn. Họ nói là xuất khẩu sang Đài Loan thì chúng tôi cũng chỉ biết thế thôi. Cái quan trọng là lá trầu không có giá hơn và đầu ra cũng ổn định hơn trước”, ông Nguyễn Hồng Thái – chồng bà Hoa cho hay.

Theo số điện thoại của vợ chồng bà Hoa cho, chúng tôi liên lạc được với người thương lái. Theo người này cho biết, cơ sở thu mua của họ đặt tại Hà Tĩnh. Số trầu không sau khi gom đủ sẽ được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan qua đường hàng không. Hiện nhu cầu về lá trầu không ở Đài Loan đang lớn nên có bao nhiêu họ sẽ mua bấy nhiêu.

Do nhu cầu xuất khẩu lớn nên gia đình bà Hoa vừa quyết định mở rộng diện tích trồng trầu không lên 1.300m2.
Do nhu cầu xuất khẩu lớn nên gia đình bà Hoa vừa quyết định mở rộng diện tích trồng trầu không lên 1.300m2.

Do không đáp ứng đủ nhu cầu nên vợ chồng ông Thái phải gom lá từ các hộ trồng trầu trong xóm để đủ đơn hàng của thương lái. Ngoài tiền lá, mỗi đợt thương lái thu mua, vợ chồng ông còn được trả thêm 300 nghìn đồng/ngày công hái lá. Chỉ tính từ thời điểm trầu không xuất ngoại tới nay (tháng 8 âm lịch), mỗi tháng, vợ chồng lão nông này cũng thu nhập từ 30-40 triệu đồng.

“Giá trị kinh tế tương đối, đầu ra hiện tại thì không phải lo vì thương lái bảo có bao nhiêu họ thu mua bấy nhiêu, miễn là đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng của họ. Tuy nhiên từ giờ tới ra Tết, thời tiết lạnh, sương muối, sương giá nhiều, để đảm bảo được nguồn lá đẹp, to, bóng mượt thì cũng rất khó”, ông Thái cho hay.

Trước thông tin lá trầu không của nông dân Nghi Ân xuất khẩu ra nước ngoài, bà Nguyễn Thị Hiến – cán bộ khuyến nông xã cho hay, sẽ nghiên cứu và tham mưu cho chính quyền xã trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ các loại cây cho thu nhập thấp sang mở rộng diện tích trồng trầu không.

Hoàng Lam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm