Kỳ vọng tỷ giá tăng: Dự đoán không có cơ sở?

(Dân trí) - TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, tâm lý kỳ vọng của người dân về việc tỷ giá có thể tăng là những dự đoán không có cơ sở. Ông cũng cho rằng, từ nay cho tới hết quý I năm sau sẽ không có sự điều chỉnh nào nữa.

 

usd-a0d98
Người dân vẫn kỳ vọng tỷ giá tiếp tục tăng?

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tỷ giá, những ngày qua, thị trường có những biến động nhất định, có ý kiến cho rằng tâm lý kỳ vọng của người dân vẫn còn về việc tỷ giá có thể tăng.

Trao đổi về nhận định trên, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, đây là những dự đoán không có cơ sở. Ông cũng cho rằng từ nay cho tới hết quý I năm sau sẽ không có sự điều chỉnh nào nữa.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, NHNN đã chia thành hai lần điều chỉnh, điều chỉnh cả biên độ và điều chỉnh tỷ giá. Lý do cho lần điều chỉnh thứ nhất là để ứng phó với việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) và lần thứ 2 cũng với một thông điệp rất rõ ràng là để ứng phó với những biến động có thể xảy ra như việc FED có thể điều chỉnh lãi suất trong thời gian tới đây.

"NHNN đã cân nhắc rất kỹ và cuối cùng đã đi đến một nhất trí là sẽ điều chỉnh một mức tương đối lớn để tồn tại trong một thời gian dài và điều này có một hiệu ứng rất quan trọng khác nghĩa là nó càng kéo dài thì tâm lý giữ ngoại tệ hoặc dịch chuyển tài sản từ nội tệ sang ngoại tệ sẽ giảm đi. Chẳng ai dại gì mà giữ đô la 7 - 8 tháng trời để được nửa điểm % cả, trong khi lãi suất tiền Việt hiện đang rất tốt", ông Nghĩa nói.

Còn theo ông Phạm Hồng Hải - Tổng Giám đốc Ngân hàng HSBC tại Việt Nam
, sự điều chỉnh này là bước đi trước so với cung cầu thị trường và cũng có yếu tố muốn đưa ra tín hiệu cho thị trường là NHNN rất chủ động để tạo khung cung cầu thị trường gần nhau được. Với điều kiện thị trường ngày hôm nay sẽ khó có khả năng điều chỉnh tiếp tỷ giá tiếp theo.

Đại diện phía NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Thống đốc NHNN cũng khẳng định với việc điều chỉnh như vừa rồi là đã tạo ra vị thế cạnh tranh của đồng Việt Nam và cũng đủ mức độ để linh hoạt, để đáp ứng với những diễn biến của thị trường.

"Vừa qua trên thị trường, tỷ giá biến động chủ yếu do tâm lý và có thể là do tin đồn để đầu cơ, trục lợi. Do vậy, NHNN khẳng định sẽ không tiến hành điều chỉnh tỷ giá nữa và sẽ áp dụng tất cả các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối từ nay đến cuối năm 2015 cũng như những tháng đầu năm 2016", bà Hống nói.

Đánh giá về tác động của việc điều chỉnh tỷ giá lần này đến nền kinh tế mà cụ thể là chỉ số giá tiêu dùng CPI và GDP, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng, những tác động từ lần điều chỉnh này phần lớn là những tác động rất tích cực, nhiều doanh nghiệp thở phào nhẹ nhõm. 

"Hiện chúng tôi có mô hình tính toán từ rất lâu và hiện ngân hàng trung ương cũng đang sử dụng, theo mô hình này nếu tăng 1% tỷ giá hối đoái có thể làm tăng lạm phát trong ngắn hạn lên 0,13% tức là không lớn, không đáng kể lắm. GDP thì có tác động ngược lại. Trong hạch toán quốc gia thì xuất khẩu là dấu cộng tức là nếu xuất khẩu tăng thì đồng nghĩa thâm hụt thương mại sẽ giảm như vậy tăng trưởng GDP sẽ tốt hơn", TS Nghĩa đánh giá.

Trong khi đó, TS Trần Du Lịch - Ủy Ban Giám sát Tài chính quốc gia
 cho rằng: "Tốc độ tăng trưởng sẽ không ảnh hưởng gì nhưng CPI chắc chắn sẽ nhích lên nhưng trong điều kiện CPI rất thấp hiện nay thì cái đó nó có tăng thêm, ví dụ tăng thêm 1% đi nữa thì cũng nằm trong tầm kiểm soát chúng ta dự kiến năm nay dưới mức 5% thì vẫn nằm trong tầm đó thôi".

Ngoài ra, tăng tỷ giá thêm 1% và tăng biên độ giao dịch đôla Mỹ lên +/-3% , cũng có nghĩa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam sẽ có mức giảm từ 3 đến 5% tại các thị trường xuất khẩu như Nhật, EU, Mỹ. Hàng hóa, sản phẩm của Việt Nam rẻ hơn cũng có nghĩa là cơ hội và sự hiện diện của hàng Việt tại các thị trường xuất khẩu cũng có cơ hội tăng lên. Xuất khẩu sẽ được hỗ trợ nhiều khi tỷ giá điều chỉnh.

Phương Dung

Kỳ vọng tỷ giá tăng: Dự đoán không có cơ sở? - 2