Kỳ vọng tăng mạnh tỉ giá... phá sản
Tỉ giá sẽ tăng không quá 2% là khẳng định của Thống đốc NHNN trước các đề nghị tăng tỉ giá nhằm bù lại giá trị hàng hóa bán ra quốc tế- vốn bị giảm giá trị của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu.
Cụ thể, theo báo cáo của NHNN An Giang, trong hơn 3 tháng qua, các DN trên địa bàn xuất khẩu được 73 ngàn tấn gạo, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2012, tuy nhiên giá trị xuất khẩu chỉ đạt 32 triệu USD - bằng 77% so với cùng kỳ. Thủy sản xuất khẩu cũng tăng đến 16%, đạt 37,4 ngàn tấn, so giá trị thu về mới được 88 triệu USD và chỉ bằng 94% giá trị kim ngạch cùng thời điểm năm trước.
Do đó, đại diện Cty thủy sản Nam Việt cho rằng, việc tăng tỉ giá vào khoảng 3-5% sẽ hỗ trợ rất nhiều cho DN xuất khẩu nông-thủy sản hiện đang khó khăn. Đồng thuận với ý kiến này, TGĐ Cty Chế biến thủy sản Thuận An - bà Nguyễn Thị Huệ Trinh - cho rằng, giá nguyên liệu đầu vào trong ngành cá tra thời gian qua tăng 20%, trong khi tỉ giá ổn định không có lợi cho xuất khẩu sản phẩm thủy sản.
Khẳng định tín dụng đối với tam nông luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của NHNN trong việc điều hành chính sách tiền tệ, song Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa quan điểm, việc phá giá đồng tiền không có lợi cho tổng thể nền kinh tế do VN vẫn đang là nước nhập siêu và ít nhất phải nhập siêu trong 5 năm tới.
Nhận định tỉ giá ổn định là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế và tỉ giá chỉ nên biến động trong khoảng 1-2%, người đứng đầu NHNN nhấn mạnh, tỉ giá năm 2013 sẽ tăng không quá 2%.
Tuy nhiên để hỗ trợ cho các DN xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Bình cho hay, thời gian tới các NH sẽ đưa lãi suất cho vay USD về mức 4-5%/năm. Bên cạnh đó, dù có chủ trương sẽ hạn chế cho vay ngoại tệ và chuyển dần sang quan hệ mua bán để giảm tình trạng đôla hóa, các DN có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu hiện vẫn được vay ngoại tệ để tiết giảm chi phí.
Trong một diễn biến khác, phân tích của một đơn vị kinh doanh thuộc BIDV chỉ ra rằng, tình trạng thanh khoản ngoại hối tính đến giữa tháng 4.2013 được cải thiện cả ở phía cung và cầu. Cụ thể, nguồn cung dồi dào nhờ nguồn từ các DN xuất khẩu, các NHTM và các Cty đa quốc gia. Chưa kể nguồn vốn FDI, ODA và nguồn kiều hối cũng dồi dào trong 3 tháng đầu năm hỗ trợ tốt cho nguồn cung ngoại tệ. Còn về phía cầu, do lãi suất tiền đồng đang có xu hướng giảm, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi VND và tiền gửi USD thu hẹp, kéo theo lãi suất cho vay, khiến các DN vay VND có lợi hơn ngoại tệ. Do đó cầu USD giảm mạnh cộng với các NHTM mua ròng USD từ DN và người dân khiến tỉ giá giảm mạnh. Sau một thời gian tăng nóng, tỉ giá từ ngày 10.4 chính thức xuống dưới mức 20.900VND/USD.
Đơn vị kinh doanh nói trên đưa nhận định, nếu xu hướng giảm tiếp tục, tỉ giá sẽ có khả năng chạm đến ngưỡng mua hỗ trợ của NHNN và dự trữ ngoại hối sẽ được cải thiện tăng khoảng 2-3 tỉ USD so với đầu năm nay. Song do một số nguồn ngoại tệ quý II sẽ giảm sút so với quý I như nhập siêu tăng và kiều hối giảm, khả năng tỉ giá sẽ có sự biến động tăng về cuối quý. Chính với khả năng ổn định của thị trường ngoại hối, thị trường vàng, ổn định các nhu cầu trả nợ vay và sự củng cố niềm tin vào VND, đơn vị thuộc BIDV dự báo NHNN sẽ chưa phải điều chỉnh tỉ giá trong quý II. Tỉ giá theo đó được cho sẽ ổn định trong khoảng 20.850-20.950VND/USD.
Theo Văn Nguyễn