Chức danh Phó Chủ tịch Hội DN trẻ Hà Nội:

Kỳ I: Đề cử bằng việc đi xin chữ ký?

(Dân trí) - Vừa qua Dân trí nhận được rất nhiều thông tin phản ánh sự bất thường trong quyết định công nhận chức danh Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội. Trước quyết định hoàn toàn trái với điều lệ Hội, rất nhiều các hội viên đã phản ứng gay gắt và đề nghị làm rõ.

Sự việc bắt đầu từ khi Hội Doanh nghiệp trẻ và Hội Liên hiệp Thanh niên Hà Nội công nhận chức danh Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội đối với bà Nguyễn Thuỳ Hương. Dân trí đã tìm hiểu diễn biến của sự việc này…

Đi "xin" chức danh?

Theo những tài liệu hiện có, ngày 31/10/2005, dưới sự chủ trì của ông Phương Hữu Việt - Chủ tịch Hội (nay là Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam) Ban Chấp hành Hội Doanh nghiệp trẻ thành phố Hà Nội họp bàn và quyết định về công tác cán bộ với sự tham gia của 21/29 thành viên trong Ban Chấp hành.

Theo đó, ông Phạm Đình Đoàn được đề cử làm Phó Chủ tịch Hội với 100% người dự biểu quyết nhất trí cùng 3 ông, bà khác được hiệp thương cử vào Ban Chấp hành. Tại cuộc họp này hoàn toàn không thấy nhắc đến việc bầu thêm một Phó Chủ tịch Hội nào nữa, càng không thấy nhắc đến việc đề cử bà Nguyễn Thuỳ Hương vào cương vị này.

Điều lệ Hội các nhà doanh nghiệp trẻ VN

 

- Điều 4: Hội có chức năng:

…Hỗ trợ các Doanh nghiệp trẻ VN trong phát triển nghề nghiệp, trong hợp tác đầu tư, phát triển kinh doanh, trong học tập nâng cao kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm và trình độ quản lý, điều hành doanh nghiệp.

 

- Điều 14 (Cơ cấu, tổ chức của Ủy ban Hội các cấp):

…Hiệp thương cử ra Chủ tịch và các Phó chủ tịch Hội; quyết định, bổ sung, thay thế ủy viên Ủy ban Hội.

Tuy nhiên, khoảng 1 tuần sau (6/11/2005 - NV) mọi người thấy bà Thuỳ Hương cầm tờ giấy đề cử mình đến gặp một số người đề nghị họ ký vào. Tờ giấy đó là văn bản “Thông báo về việc đề cử Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội” và kết quả đã có 17/29 Uỷ viên Ban Chấp hành ký đồng ý vào văn bản này.

Việc bà Hương tự cầm giấy đề nghị công nhận mình đã là khó hiểu thì càng khó hiểu hơn khi bà Hương còn đề nghị 4 người đã ra khỏi Ban Chấp hành ký vào văn bản này để hiệp thương, giới thiệu bà Hương vào Ban Chấp hành mới.

Trên cơ sở Thông báo trên, ngày 9/11/2005, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Bùi Quảng Hà đã ký công văn đề nghị Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố xem xét và quyết định. Ngày 10/11/2005, bà Nguyễn Lan Hương - Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Thành phố đã có công văn trả lời Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội là đồng ý cho kiện toàn nhân sự Ban chấp hành Hội.

Không biết công văn trả lời này đã đi tới đâu, nhưng ngay ngày hôm sau (11/11/2005) bà Nguyễn Lan Hương đã ra quyết định công nhận bà Nguyễn Thuỳ Hương là Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội.

Quy trình không bình thường

Theo Điều lệ Hội các Nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam thì Uỷ ban Hội các cấp “Hiệp thương cử ra Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội”. Tuy nhiên, trong trường hợp “đặc biệt” này, Hội Doanh nghiệp trẻ TP Hà Nội đã không tổ chức hội nghị để hiệp thương, trong khi chỉ 6 ngày trước đó vừa họp để hiệp thương đề cử Phó Chủ tịch Phạm Đình Đoàn.

Việc không tổ chức họp để hiệp thương là vi phạm Điều lệ Hội, tước đi quyền ứng cử của các thành viên khác, không cho phép các thành viên trong Hội được đề xuất, tìm hiểu và phân tích về nhân sự.

Một người được công nhận là Phó Chủ tịch Hội nhưng nhiều ý kiến cho rằng bà Hương “chưa có bất kỳ một văn bản nào khai báo và xác minh về nhân thân... kể cả những người đã ký vào các văn bản liên quan đến bà Hương và vấn đề nhân thân của chị Hương vẫn còn là dấu hỏi bởi chưa ai thấy một văn bản như trích ngang lý lịch có xác nhận”.

Và trên thực tế, ngay sau khi bà Thuỳ Hương được “bổ nhiệm” là Phó chủ tịch Hội, ngày 11/11/2005 một số người trong đó có cả uỷ viên Ban chấp hành đã làm đơn kiến nghị tập thể đề nghị xem xét lại việc bổ nhiệm. Điều này chứng tỏ việc bổ nhiệm này đã không có sự thống nhất và không được sự đồng tình của ngay cả những người trong Ban chấp hành. Nhưng đáng tiếc là đơn kiến nghị đã không được giải quyết.

Dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng nếu tổ chức hiệp thương theo đúng quy trình có thể bà Nguyễn Thuỳ Hương sẽ không trúng, nên bản thân bà và một số cá nhân muốn “giúp đỡ” đã phải làm như vậy?

Bên cạnh đó, việc bà Nguyễn Lan Hương dễ dàng công nhận bà Thuỳ Hương làm Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ TP Hà Nội là do bà không biết các quy trình, thủ tục được quy định trong Điều lệ Hội hay còn lý do nào khác?

Thái Anh - Hồng Sam