(Ảnh minh họa)
Dù cho những nguyên nhân khách quan từ bên ngoài có tác động không nhỏ nhưng rõ ràng là những bế tắc mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt chủ yếu do các nguyên nhân chủ quan nội tại gây ra. Với chưa đầy 30 năm đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới, việc xác định một mô hình tăng trưởng tối ưu vẫn đang là một bài toán lớn đối với Việt Nam. Do vậy, nhiệm vụ cùng tìm lối ra cho nền kinh tế quốc dân là trách nhiệm lớn cần sự tham gia về trí tuệ của những bộ não hàng đầu trong và ngoài nước cũng như huy động sức mạnh tổng lực của toàn dân. Chúng ta vừa phải tìm cách nhanh chóng thoát khỏi các vấn đề phức tạp và nan giải của hiện tại, vừa phải tìm ra giải pháp dài hạn và triệt để.
Sự thành bại của phục hồi và phát triển nền kinh tế trước hết nằm ở vấn đề tư duy. Nếu con tàu kinh tế Việt Nam được tư duy và thiết kế đúng, nó không những có thể vững vàng trước mọi khó khăn và sóng gió, mà còn có thể thông minh và hiệu quả để đi trên con đường phát triển tối ưu nhất. Tư duy kinh tế của Việt Nam phải hết sức chủ động và tự chủ; đồng thời đó cũng phải là một tư duy toàn cầu, toàn diện, và tổng lực.
Trong một thế giới toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ như hiện nay, hợp tác và cạnh tranh về kinh tế vẫn sẽ chiếm vai trò chủ đạo và trung tâm giữa các quốc gia, khu vực, và các liên minh toàn cầu. Nền kinh tế Việt Nam nói riêng và toàn bộ các lĩnh vực tạo nên sức mạnh quốc gia Việt Nam nói chung đều cần được tư duy và hoạch định trên đường đua toàn cầu; vừa phải hấp thu và hợp tác với quốc tế, vừa phải cạnh tranh để giữ vững tự chủ và phát triển cho quốc gia – dân tộc. Trong một thế giới cạnh tranh ngày càng khốc liệt và phức tạp, với quá nhiều sát thủ kinh tế, nhiều cái bẫy phát triển thì Việt Nam phải có những lựa chọn chiến lược thông minh, phương pháp tiếp cận độc đáo, và thực thi hoàn hảo. Đó là lối ra duy nhất cho kinh tế Việt Nam, phải đột phá để phát triển chứ không thể chỉ dựa vào các giải pháp ứng phó nhất thời, vào các mô hình phát triển dễ dãi và lỗi thời.
Đã đến lúc Việt Nam cần phải thay đổi triệt để mô hình tăng trưởng dựa trên khai thác các lợi thế sẵn có về tài nguyên (thực chất là bán tài nguyên thô), biến động thị trường (thực chất là đầu cơ), vào viện trợ và đầu tư nước ngoài (thực chất là tiêu vào các khoản nợ) để chuyển qua một mô hình tăng trưởng thực chất dựa trên phát triển chiến lược cạnh tranh cốt lõi của quốc gia. Có rất nhiều chuyên gia đã đưa ra hình ảnh vỏ mít với quá nhiều mũi nhọn để chỉ ra sự bất cập của việc xác định mũi nhọn phát triển, xác định lợi thế cạnh tranh cốt lõi.
Chúng ta cùng phân tích một ma trận chiến lược gồm hai chiều với hai thuộc tính tương ứng: cái gì bên trong mạnh hoặc yếu (trong tương quan lợi thế cạnh tranh so sánh với các quốc gia khác), cái gì bên ngoài (thị trường toàn cầu) cần hoặc không cần. Ta sẽ có được bốn lựa chọn và từ đó có ba hành động hiệu chỉnh chiến lược: một là tập trung và ưu tiên tối đa cho ô chiến lược tốt nhất, đó chính là các chiến lược thuận theo quy luật phát triển tự nhiên; hai là, nhanh chóng dịch chuyển các hành động thuộc ô chiến lược bất lực (không hiệu lực) và nô lệ (phụ thuộc) sang ô chiến lược tốt nhất; ba là, nhanh chóng từ bỏ, kiểm soát, và ngăn cấm các chiến lược thuộc ô hủy diệt (làm cái mình kém mà người khác không cần nữa).
Liệu rằng trong các ngành, lĩnh vực, dự án hiện tại của Việt Nam, có bao nhiều phần bị rơi vào các ô chiến lược bất lợi thuộc các trạng thái: bất lực, nô lệ, thậm chí hủy diệt? Chúng ta có nên đầu tư vào công nghiệp chế tạo, công nghiệp nặng, tàu biển hạng lớn, lắp ráp điệp tử, đầu cơ bất động sản,... trong khi nông nghiệp để phục vụ nhu cầu lương thực ngày càng lớn của thế giới, khai thác lợi thế của kinh tế biển, đầu tư đón đầu kinh tế tri thức lại không được chú trọng đúng mức? Tôi tin rằng, những thành quả kinh tế của gần 30 năm đổi mới vừa qua bị thiệt hại do đầu tư vào sai lĩnh vực lớn hơn rất nhiều so với phần thất thoát do vận hành kém và tham nhũng gây ra.
Tư duy là quyết định, trong đó, tư duy mục đích là cơ bản nhất. Cần thiết phải xác định thật rõ ràng mục đích của mô hình kinh tế Việt Nam là phục vụ mục tiêu tăng trưởng nhanh, tăng trưởng đột phá hay đảm bảo tính tăng trưởng ổn định và bền vững. Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam phải xác định rõ ưu tiên, thậm chí có phải chọn một trong hai. Theo quan điểm của tôi, đối với Việt Nam, muốn tăng trưởng nhanh thì phải ổn định, muốn tăng trưởng bền vững thì phải đột phá. Nếu xem xét đầy đủ các yếu tố về xu thế của toàn cầu hóa, sức ép phải phát triển để tự chủ và vượt lên từ bên ngoài, và tiềm năng nội tại của Việt Nam; tốc độ tăng trưởng của chúng ta phải đủ nhanh để vượt thắng các sức ép, đồng thời phải đi đúng vào xu hướng phát triển mới của thế giới bằng chính các năng lực lõi của Việt Nam để đồng thời thỏa mãn cả yêu cầu đột phá và bền vững.
Đây chính là đề bài cho bài toán mô hình tăng trưởng Việt Nam. Với bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc, cùng với những cơ hội lớn, và cả những đe dọa lớn từ bối cảnh khu vực và thế giới, nếu phát huy được hết sức mạnh của sự đoàn kết, chúng ta không những chỉ tìm ra được lối ra, mà còn tạo ta sự đột phá và thăng hoa của nền kinh tế Việt Nam.
Đặng Lê Nguyên Vũ