“Cuộc chiến” giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ

Kỳ 1: Ngày đầu khốc liệt của một GrabBike

(Dân trí) - Xe ôm công nghệ với nhiều ưu điểm vượt trội đang dần lấn át xe ôm truyền thống. Khi kế sinh nhai bị đe dọa, xô xát đã nổ ra. Không chỉ dừng lại ở "khẩu chiến" nhiều xế ôm đã phải đổ máu khi mưu sinh.

“Cuộc chiến khốc liệt” giữa xe ôm truyền thống và xe ôm công nghệ: Ngày đầu khốc liệt của một GrabBike

Thời gian qua, trên địa bàn Hà Nội, TP HCM liên tục xảy ra tình trạng tài xế xe ôm truyền thống tấn công tài xế xe ôm hoạt động theo công nghệ Grab và Uber. Để giúp bạn đọc thấu hiểu tường tận những uẩn khúc bên trong mà dân trong nghề gọi là “cuộc chiến không có hồi kết”, phóng viên đã gia nhập đội quân GrabBike.

“Mày đứng đấy làm gì? Không thấy bọn tao đang “vêu” à! ”

Để trở thành một xế ôm công nghệ không quá khó, nếu bạn là sinh viên thì chỉ cần một chiếc xe máy có đầy đủ giấy tờ, bằng lái xe, CMTND, bảo hiểm xe còn hạn sử dụng. Nếu là những đối tượng khác thì cần thêm hộ khẩu thường trú và sơ yếu lý lịch.

Sau khi đăng ký với phía công ty, trải qua một buổi sáng tập huấn về nghiệp vụ do trung tâm tổ chức và một số thủ tục khác tôi chính thức trở thành một "xế ôm" làm dịch vụ GrabBike. Hà Nội đang trong những ngày hè "đổ lửa", ngày đầu tiên trong vai một GrabBike đi kiếm sống, tôi chuẩn bị cho mình đầy đủ mũ áo, găng tay, khẩu trang để chống chọi với nắng nóng như thiêu đốt.


Bến xe Mỹ Đình hàng ngay có rất nhiều xe ôm truyền thống cũng như GrabBkie mưu sinh.

Bến xe Mỹ Đình hàng ngay có rất nhiều xe ôm truyền thống cũng như GrabBkie mưu sinh.

Chạy quanh khu vực bến xe Mỹ Đình, tôi chưa biết mình nên lấy điểm nào làm bãi đỗ để đợi tổng đài báo khách. Thấy mấy đồng nghiệp đang đứng tán gẫu ở một gốc sấu bên vỉa hè đường Phạm Hùng, tôi lân la lại gần.

Về nguyên tắc, "xế ôm" chạy GrabBike không được bắt khách dọc đường mà chỉ đợi khi tổng đài báo lúc đó mới xác nhận và đón khách. Trước đó, qua thông tin trên mạng xã hội tôi thấy những người chạy xe ôm công nghệ khá thân thiện và đoàn kết nên thâm tâm cũng không lo bị đồng nghiệp hắt hủi.

Qua vài lời chào hỏi đơn giản, tôi đã làm quen được với những đồng nghiệp này, có thể nói họ khá thân thiện và cởi mở đúng như tôi dự tính từ trước. Sau một hồi lân la trò chuyện tôi đã được truyền lại không ít kinh nghiệm dành cho những người ngày đầu tiên chập chững bước vào nghề.

Loay hoay gần nửa giờ vẫn không thấy chuông báo khách đặt xe, với mục đích đến gần hơn "cuộc chiến" khốc liệt giữa cánh xe ôm truyền thống và công nghệ, tôi di chuyển về phía sau bến xe Mỹ Đình. Đây cũng là địa điểm được giới xế ôm công nghệ đưa vào chỉ giới "cảnh báo đỏ".

Một GrabBike phải nhập viện khi va chạm với xe ôm truyền thống.
Một GrabBike phải nhập viện khi va chạm với xe ôm truyền thống.

Điểm tôi chọn xung quanh có cả chục xe ôm truyền thống đang đỗ xe bắt khách. Đứng yên được khoảng 10 phút tôi có thể cảm nhận được sức nóng của “cuộc chiến” đang lan tỏa đến sát cạnh mình. Những người chạy xe ôm truyền thống bắt đầu chú ý đến sự xuất hiện của tôi.

Một lát sau, hai người đàn ông với khuôn mặt khắc khổ, đen sạm vì nắng, tay ôm mũ bảo hiểm trước bụng bước lại gần tôi rồi nói giọng như quát: “Ê. Mày đứng đấy làm gì? Không thấy bọn tao đang vêu mõm đây à?” - một người trong số họ nói.

Do đã chuẩn bị tinh thần trước nên tôi không thấy bất ngờ về những lời đe dọa của họ, tôi hiểu ý họ muốn tôi “biến” đi chỗ khác, đây là đất làm ăn của họ.

Cố gắng trấn tĩnh, tôi trả lời: “Em chỉ đứng đây đợi khách thôi, tổng đài họ báo khách đặt xe chứ em không bắt khách của các anh đâu”.

“Khách khách cái con… mày à. Thế mày không đón thì khách của mày chẳng đi xe của bọn tao thì đi xe ai, biến ngay không tao cho cái mũ bảo hiểm bây giờ. Cút”, người đàn ông thứ hai vừa đưa mũ bảo hiểm lên cao vừa chửi. Nhiều ánh mắt giận dữ từ phía nhóm xe ôm truyền thống hướng về phía tôi.

Tôi nhanh chân “chuồn” thẳng trước khi mọi chuyện vượt ngoài tầm kiểm soát.

Sợ hãi tột độ vì bị "ăn" cú văng chân triệt hạ

Quanh Hà Nội có nhiều khu chung cư cao cấp, nhà tập thể là những điểm mà xế ôm công nghệ thường hay đứng để đợi tổng đài nổ. Tôi tìm về một khu chung cư trên đường Lê Văn Lương với mục đích tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn về “cuộc chiến không bao giờ kết thúc” từ đồng nghiệp.

Một quán nước nhỏ bên cạnh khu chung cư trên đường Lê Văn Lương, có khá đông đồng nghiệp áo xanh đang nằm, ngồi vạ vật. Một nhóm đang cặm cụi uống nước chè, tán gẫu, cách đó không xa, một hai người nữa đang ngồi trên xe, dựng chân chống giữa tay cầm điện thoại bấm liên hồi.

Kỳ 1: Ngày đầu khốc liệt của một GrabBike - 3

Sau khi gọi cốc trà đá, tôi nhanh chóng tiếp chuyện và kể lại cú sốc mình vừa bị mấy người chạy xe ôm truyền thống dằn mặt đằng sau bến xe Mỹ Đình. Một đồng nghiệp trong số họ cười khểnh: "Anh ơi, chuyện đó xảy ra như cơm bữa! Chắc anh mới chạy GrabBike à?"

"Mới chạy buổi đầu tiên, vừa ra bến Mỹ Đình thì đã gặp bị đuổi, đen thật!", tôi trả lời.

"Dọa thế ăn thua gì anh, em đây này, ngày đầu tiên đi làm đã bị sút ba cái vào người, ăn hai cái mũ bảo hiểm vào đầu, dọa đập xe. Hãi quá, phải nghỉ cả tuần sau mới dám chạy lại", Nam, quê ở Phú Thọ kém tôi 7 tuổi, có thâm niên chạy xe ôm công nghệ hơn nửa năm cho biết. Mới ra trường một hai năm nhưng chưa xin được việc làm nên Nam chạy GrabBike kiếm sống qua ngày.


Bến xe Giáp Bát - một điểm nóng thường xuyên xảy ra va chạm giữa xe ôm truyền thống và GrabBike.

Bến xe Giáp Bát - một điểm nóng thường xuyên xảy ra va chạm giữa xe ôm truyền thống và GrabBike.

Tôi hỏi kỹ hơn về những ngày đầu đi làm, không ngần ngại, Nam chia sẻ:

“Em hớn hở lắm, sau khi qua khóa đào tạo nửa ngày từ trung tâm em bắt đầu đi chạy. Ngày đầu tiên mọi thứ đều xuôi cả, số xuân, hôm đó em chạy được gần 400 nghìn.

Sang ngày thứ hai thì bắt đầu có chuyện. Sáng hôm ấy em đứng ở gần bến xe Nam Thăng Long thì tổng đài nổ. Em đón khách ở ngõ 1 Phạm Văn Đồng đi Time city. Sau khi trả khách em có đứng lại cùng một bạn khác nói chuyện.

Bạn này do đứng lâu quá mà tổng đài không nổ “cuốc” nào nên thấy khách đi qua thì mời. Một chị đồng ý đi. Vừa mới quay đầu xe thì ngay lập tức có một anh khoảng 36 tuổi tiến lại gần vung tay đấm túi bụi vào mặt. Một số người khác, tay cầm mũ bảo hiểm cũng lao vào chúng em, gương mặt đằng đằng sát khí, quyết ăn thua đủ.

Em đang đứng cạnh đó bị đá, đập mũ bảo hiểm liên tiếp vào người đau điếng. Sợ quá, nổ máy chạy khỏi đó luôn.

Lúc đó em cũng không có phản ứng gì, thực ra là chưa kịp phản ứng vì sự việc diễn ra quá nhanh. Sau trận đòn đó em chán và nghĩ cũng sợ nên về nhà nghỉ cả tuần mới ra làm lại"...

Kỳ 2: “Vùng cấm” là bí danh mà cánh GrabBike dùng để chỉ những địa điểm nguy hiểm, nơi thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, va chạm với cánh xe ôm truyền thống. Ở đó cánh xe ôm truyền thống luôn hung hăng, thậm chí có cả người bảo kê.

Trọng Trinh