1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

“Sóng dữ” ở Công ty cổ phần XNK Hà Tĩnh:

Kỳ 1: Doanh nghiệp cấp 1 nợ như chúa chổm

(Dân trí) - Nợ hàng chục tỷ đồng mất khả năng thanh toán, tài sản đã, đang và sẽ bị các ngân hàng tiến hành niêm phong để phát mại… Một cơn sóng dữ đang xô khiến con tàu Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Tĩnh sắp “chìm”.

Nợ như chúa chổm

Công ty CP XNK Hà Tĩnh tiền thân là Công ty Xuất nhập khẩu Hà Tĩnh, hoạt động trên các lĩnh vực kinh doanh, xuất nhập khẩu các mặt hàng điện tử, điện lạnh, xe máy, phân bón, sản xuất vật liệu xâu dựng, thương mại dịch vụ.

Tháng 9/2005, Công ty tiến hành thực hiện CPH theo Nghị định 61 của Chính phủ với quy mô vốn điều lệ 18 tỷ đồng, trong đó, vốn Nhà nước chiếm giữ 82%, cổ phần trong đơn vị nắm 12,5% và tỷ lệ cổ phần bán ra ngoài là 5,5%.

Được xem là doanh nghiệp cấp 1 và được sự bảo trợ tối đa của UBND tỉnh Hà Tĩnh, tuy nhiên, hơn chục năm qua công ty này liên tục làm ăn thua lỗ, trở thành một con nợ khó đòi của nhiều ngân hàng và chiếm không ít thời gian họp bàn của UBND tỉnh này.

Theo tài liệu từ hai chủ nợ lớn nhất là Chi nhánh NHNN&PTNT TP Hà Tĩnh và Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh cung cấp cho PV Dân trí, tính đến thời điểm 12/8, tổng số nợ quá hạn của Công ty CP XNK Hà Tĩnh đã lên đến gần 40 tỷ đồng.

Cụ thể, nợ quá hạn từ cuối năm 2006 của công ty đối với Ngân hàng Ngoại thương Hà Tĩnh lên đến 24 tỷ đồng hiện khó có khả năng thanh toán. Số hơn 12 tỷ đồng còn lại là nợ quá hạn của Chi nhánh Ngân hàng NNPTNT TP Hà Tĩnh.

Đâu là nguyên nhân?

Sự thua lỗ của Công ty CP XNK Hà Tĩnh có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên có thể nói nguyên nhân chính bắt nguồn từ một hợp đồng buôn bán phân bón giữa Chi nhánh phía Nam của công ty và đối tác là Công ty TNHH Lê Tấn (trú sở 559/20, đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM).

Từ năm 2000 được sự ủy quyền của lãnh đạo Công ty CP XNK Hà Tĩnh, Chi nhánh kinh doanh mặt hàng phân bón tại TPHCM đã ký hợp đồng với Công ty Lê Tấn. Theo các hợp đồng được ký kết thì Chi nhánh này tìm nguồn hàng, vay vốn ngân hàng, làm thủ tục nhập khẩu, quản lý hàng cho Lê Tấn để được hưởng 50.000 đồng/tấn phân bón.

Đổi lại, Công ty Lê Tấn chịu toàn bộ chi phí liên quan đến lô hàng như: giá thanh toán cho đối tác nước ngoài, thuế, bảo hiểm; phí bốc xếp, lưu kho, vận chuyển, hải quan, lãi vay, mở L/C (thủ tục đảm bảo thanh toán qua ngân hàng), chênh lệch tỷ giá….

Sự việc bắt đầu đổ bể bởi những hợp đồng kinh doanh không bình thường, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo trong 2 năm 2005 và 2006. Cụ thể, ngày 16/11/2005, Công ty CP XNK Hà Tĩnh kí hợp đồng số 01/HĐKT với Công ty Lê Tấn, về việc mua bán phân đạm.

Theo hợp đồng này, phía Công ty CP XNK Hà Tĩnh sẽ bán cho Công ty Lê Tấn 10.000 tấn phân đạm UREA Trung Quốc, tổng giá trị thanh toán 46 tỷ đồng với cam kết giữa các bên là hàng giao đến đâu thu tiền đến đó.

Thế nhưng, khi phân đạm UREA đã được Công ty CP XNK Hà Tĩnh giao đầy đủ cho đối tác đúng như hợp đồng thì phía Công ty Lê Tấn chỉ thanh toán được 14/46 tỷ đồng. Tổng số tiền 32 tỷ đồng (lấy số tròn) còn lại Lê Tấn xin… khất nợ.

Khi phía Lê Tấn chưa thanh toán số nợ 32 tỷ đồng trong hợp đồng kinh tế số 01/HĐKT ngày 16/11/2005 thì đến ngày 28/4/2006, Công ty CP XNK Hà Tĩnh tiếp tục ký thêm một hợp đồng mới bán cho đối tác này 7.500 tấn phân bón DAPJORDEN với tổng số tiền trên 39 tỷ đồng (số tròn).

Một lần nữa, sau khi đã nhận đủ số phân bón theo hợp đồng, ngoại trừ 1,8 tỷ đồng tiền đặt cọc ban đầu phía Lê Tấn vẫn không chịu giao tiền cho Công ty CP XNK Hà Tĩnh.

Bị quỵt và nhiều lần đòi nợ bất thành, tháng 5/2007, Công ty CP XNK Hà Tĩnh đã khởi kiện Lê Tấn ra tòa án Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh. Dù đã có sự can thiệp của tòa án, tuy nhiên, việc thanh toán nợ của phía Lê Tấn vẫn chỉ nhỏ giọt. Phía Công ty CP XNK Hà Tĩnh khẳng định, tính đến thời điểm này phía Lê Tấn vẫn còn nợ họ 35,2 tỷ đồng.

Do không có khả năng thánh toán vốn vay đúng hạn và nhiều tín hiệu kinh doanh thua lỗ nên từ tháng 9/2006 đến nay, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã cắt quan hệ tín dụng, không cho Công ty CP XNK Hà Tĩnh vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Hậu quả kéo theo là công ty chịu thiệt hại nặng nề trên hầu hết các lĩnh vực kinh doanh do không có vốn đầu tư và luôn phải đối phó với sự thúc ép trả nợ của các ngân hàng.

Không giấu giếm một thảm cảnh thua lỗ nặng nề, ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Công ty CP XNK Hà Tĩnh “nói trắng” với PV Dân trí: “Đến thời điểm này công ty chúng tôi không có khả năng thanh toán các khoản nợ vay ngân hàng”.

Kỳ 2: Hệ lụy buồn đằng sau cơn sóng dữ

Văn Dũng