1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kinh tế Việt Nam phát triển nhanh nhưng chưa “hóa rồng, hóa hổ”!

(Dân trí) - “Kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa hóa rồng, hóa hổ” - Đại biểu Hoàng Quang Hàm nói.

Sáng nay (30/10), Quốc hội thảo luận tại nghị trường về tình hình kinh tế - xã hội.

“Giấc mơ” hóa rồng, hóa hổ

Theo Đại biểu Hoàng Quang Hàm - Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, cách đây hơn 30 năm, khi bắt đầu đổi mới, mở cửa, Việt Nam có GDP bình quân đầu người 100 USD thì thế giới bình quân là hơn 4.000 USD. Đến 2017, Việt Nam khoảng 2.385 USD thì thế giới khoảng 10.700USD; năm 2018 Việt Nam khoảng 2.590 thì thế giới khoảng 11.000. 

“Tăng trưởng của Việt Nam là nhanh, bình quân 7%/năm trong hơn 20 năm, giai đoạn này thấp hơn 7% nhưng vẫn là cao so với khu vực và thế giới. Tuy nhiên, xét về số tuyệt đối thì GDP của thế giới ngày một cách xa so với Việt Nam.” - ông Hàm cho hay.

Kinh tế Việt Nam phát triển nhanh nhưng chưa “hóa rồng, hóa hổ”! - 1
Đại biểu Hoàng Quang Hàm, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội

Đại biểu dẫn chứng, cách đây 30 năm, GDP bình quân đầu người của thế giới hơn Việt Nam 3.900 USD, nhưng đến nay khoảng cách đã là hơn 8.000, tăng gấp đôi, khoảng cách vẫn tăng qua các năm.

Việt Nam đi được nhiều bước, có lúc tốc độ tăng trưởng cao vào tốp đầu của khu vực và thế giới, song đó là những bước ngắn, nên vẫn tụt hậu so với nhiều quốc gia khác trên thế giới dù bước chậm, nhưng lại đi được những bước dài hơn.

“Kinh tế phát triển nhanh, ổn định nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chưa hóa rồng, hóa hổ” - Đại biểu Hoàng Quang Hàm nói.

"Ai dám chắc chúng ta không bị trừng phạt khi xuất siêu vào Mỹ?"

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có ý kiến tham luận.

Kinh tế Việt Nam phát triển nhanh nhưng chưa “hóa rồng, hóa hổ”! - 2
Đại biểu Vũ Tiến Lộc

Theo Chủ tịch VCCI, chúng ta vẫn có một năm thành công dù tình hình quốc tế diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không thuận tới nền kinh tế nước ta; những yếu kém về cơ cấu của nền kinh tế trong nước đã tích tụ trong nhiều năm chưa thể khắc phục ngay; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh…

Ông Lộc nêu một số điểm sáng của nền kinh tế như lạm phát được kiềm chế dưới 3%; thất nghiệp dưới 4%; tăng trưởng ước đạt 6,8% cho cả năm; trên 130.000 doanh nghiệp thành lập mới…

Nhìn về tầm nhìn năm 2020 và những năm tiếp theo, Chủ tịch VCCI cho rằng chúng ta chưa thể yên tâm. Mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là "rất gian nan".

"Trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc và theo dự báo có khả năng tiến tới ngưỡng suy thoái toàn cầu thì mức tăng trưởng 6,8% của một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài như nước ta liệu có khả thi?" - ông Lộc đặt câu hỏi. 

Nhìn kỹ vào ngành chế biến chế tạo – khu vực đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm, chỉ số hàng tồn kho của ngành này tại thời điểm 30/09 cũng đạt mức kỷ lục là 17,2%, cao hơn nhiều so với mức 13,8% cùng kỳ năm 2018 và 8,8% của năm 2017.

“Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, rất nhiều chuyên gia dự báo rằng: Việt Nam sẽ hưởng lợi, sẽ trở thành công xưởng mới của nền kinh tế toàn cầu. Nhưng thực tế lại không chứng minh điều đó, mà ngược lại, trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết” - Chủ tịch VCCI khẳng định. 

Dẫn chứng về việc này, ông Lộc nêu con số trong 9 tháng đầu năm nay xuất khẩu của chúng ta chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ 2018, chỉ còn bằng phân nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm ngoái là 15,4% và bằng khoảng 1/3 của mức tăng trên 20% của những năm trước nữa.

“Ai dám chắc chúng ta không bị trừng phạt khi xuất siêu vào Mỹ?” - ông Lộc đặt câu hỏi.

Kinh tế Việt Nam phát triển nhanh nhưng chưa “hóa rồng, hóa hổ”! - 3
Ngày 30/10, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (ảnh: Việt Hưng)

Chủ tịch VCCI cũng nêu vấn đề thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc đang giảm, trong khi tăng đột biến ở đầu Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc. Đây là những nguồn FDI không bền vững.

Theo Chủ tịch VCCI, động lực chính tăng trưởng trong thời gian tới là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, 3 năm liên tiếp nguồn thu từ doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu, chứng tỏ cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị cải cách mạnh mẽ hơn nữa điều kiện kinh doanh, thể chế, để doanh nghiệp phát triển, nếu không thì Việt Nam có nguy cơ tụt hậu.

Giải ngân chậm do chưa thỏa thuận được tỷ lệ ăn chia?

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) đề cập tới vấn đề giải ngân vốn đầu tư chậm, chậm xây dựng các công trình trọng điểm.

“Năm nào Chính phủ cũng nêu vấn đề này vào hạn chế yếu kém. Tôi thấy lạ là càng khắc phục thì kết quả càng tồi tệ hơn.” - Đại biểu Hận nói.

Đại biểu đặt câu hỏi: Đầu tư công chậm phải chăng là do kết quả chống tham nhũng gần đây đạt kết quả tốt làm mất động lực của các chủ đầu tư, hay chưa thỏa thuận được tỷ lệ ăn chia, hay còn những nguy cơ gì khác?

Kinh tế Việt Nam phát triển nhanh nhưng chưa “hóa rồng, hóa hổ”! - 4
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau)

Vị đại biểu đoàn Cà Mau đề nghị Chính phủ quan tâm làm rõ các vấn đề vừa được ông nêu ra, không để có dư luận không hay, không tốt cho đầu tư công.

Dùng vốn tư nhân tránh được tiêu cực

Đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) khẳng định: Kinh tế hiện chưa bứt phá được để trở thành trụ cột mới của nền kinh tế. Thời gian qua, có một số văn bản hỗ trợ kinh tế tư nhân nhưng phần lớn doanh nghiệp không thể tiếp cận, hưởng thụ nguồn ưu đãi đã được quy định.

Theo đại biểu này, cần thu hút kinh tế tư nhân, tham gia sâu vào lĩnh vực mà lâu nay vốn độc quyền của Nhà nước, như thiết kế, xây dựng hạ tầng, sân bay, đường cao tốc… “Thực tế cho thấy đầu tư từ nguồn vốn tư nhân là hiệu quả, nhanh chóng hơn, tránh được hiện tượng tiêu cực” - ông So cho hay.

Cũng theo ông So, cần phải đặt kinh tế tư nhân là động lực lớn, lan tỏa, lôi kéo các thành phần kinh tế khác, nhất là thành phần kinh doanh nhỏ lẻ; thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hình thành trục liên kết theo chuỗi, hỗ trợ tính thị trường. Tư nhân được hưởng lợi, có việc làm, thực lực của nền kinh tế Việt Nam cũng tăng lên.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm