Có đại biểu Quốc hội còn bị chỉ đạo “nên và không nên nói gì”!
(Dân trí) - Cho ý kiến về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sáng nay (29/10), đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng nếu không phải đại biểu chuyên trách thì đôi khi phát biểu rất khó, phải rất cân nhắc xem có đụng chạm không. Thậm chí có địa phương lãnh đạo còn chỉ đạo “việc gì nên nói, việc gì không nên nói”.
Chia sẻ ý kiến về Luật Tổ chức Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: “Các đại biểu như chúng tôi thực tế là do Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý. Tuy nhiên cơ chế chính sách pháp luật, khâu tổ chức thực hiện phân cấp cho địa phương rất lớn. Hỏi nhiều câu bộ trưởng không nắm được, bị nhân dân phê bình, nhưng thực tế thẩm quyền đó đã phân cấp cho địa phương”.
Thực tế dự luật, ông Trần Hồng Hà nhận thấy chưa có sự đổi mới, các đại biểu là Bộ trưởng, sau này bổ sung Chủ tịch UBND là đại biểu Quốc hội khiến cho khâu chỉ đạo điều hành rất khó khăn.
“Quốc hội có quyền yêu cầu Bộ trưởng giải trình nhưng nên tiến hành trong các phiên chất vấn chứ đâu phải cứ để Bộ trưởng, Chủ tịch UBND là đại biểu Quốc hội. Chúng tôi muốn chuyển vai trò này để tăng số đại biểu chuyên trách. Tôi nghĩ thế thì thuận hơn”, ông Hà nói.
Cũng theo người đứng đầu ngành tài nguyên môi trường, lần này sửa luật phải làm sao để như các nghị viện trên thế giới, có thể chất vấn Bộ trưởng bất cứ lúc nào.
“Trách nhiệm giải trình không chỉ Bộ trưởng mà còn cả chủ tịch UBND các địa phương. Nếu thay đổi thì cũng là bước thay đổi hoạt động của chúng ta”, ông Hà nhận định và cho rằng, tỷ lệ đại biểu chuyên trách không nên chỉ dừng ở 35% mà có thể lên 50-60%, để Quốc hội có vai trò khác đi.
Theo ông Hà, Quốc hội một năm họp 2 lần nhưng thực tiễn không chờ Quốc hội họp. Có bộ luật vừa ban hành xong đã phải dừng, có luật 3 năm mới gỡ được, như Luật Quy hoạch mất gần 1 năm mới tháo gỡ. Điều đó khiến cho việc làm chính sách là để phát triển nhưng thực tế lại kìm hãm sự phát triển.
Bộ trưởng Hà cũng thống nhất với các đại biểu là cần xác định vị trí pháp lý, vai trò của đoàn đại biểu Quốc hội. “Vị trí ở đây xác định thế nào? Tôi muốn đề cao vị trí của đại biểu Quốc hội không chỉ hoạt động trên nơi mình được bầu cử, mà tôi còn muốn nhấn mạnh tính đại diện của nhân dân. Ví dụ như chúng tôi là đại biểu Bà Rịa – Vũng Tàu còn đi bảo vệ cho dân Hà Nội”, ông Hà nói.
Đại biểu không chuyên trách ngại đụng chạm, khó có chính kiến
Là đại biểu có thâm nhiên ở nghị trường, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) băn khoăn về việc thông qua luật này trong một kỳ họp. Theo bà Tâm, nếu vẫn còn thời gian thì nên để xem xét, thông qua trong 2 kỳ họp, như thế đại biểu có thêm thời gian nghiên cứu một số nội dung nữa cho việc sửa đổi đồng bộ.
Riêng về đề xuất tăng đại biểu chuyên trách, bà Tâm nhận xét giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội “nghe có vẻ có lý” khi cho rằng Luật quy định đại biểu Quốc hội chuyên trách không thấp hơn 35%, nghĩa là Luật đã cho phép tỷ lệ này cao hơn. “Thế tại sao muốn bố trí cao hơn lại không quy định rõ trong luật để tạo hành lang pháp lý?”, nữ đại biểu đặt vấn đề.
Quay trở lại thực tiễn hoạt động của Quốc hội, bà Tâm phản ánh, đa phần đại biểu chuyên trách hoạt động có hiệu quả, vì họ có điều kiện về thời gian để nghiên cứu chuyên sâu.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM).
Ở một góc khác, bà Tâm chỉ ra, với thể chế hiện nay, với những mối quan hệ ràng buộc của một công chức hiện nay, nếu không phải đại biểu chuyên trách thì đôi khi phát biểu rất khó, phải rất cân nhắc xem có đụng chạm, ảnh hưởng gì không?
“Chỉ ở cơ quan, đơn vị thôi, khi phát biểu đã phải suy tính rồi. Như thế nó đã hạn chế quyền có chính kiến, khả năng có chính kiến và bản lĩnh có chính kiến”, bà Tâm day dứt.
Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM còn cho biết, ngay như ở TPHCM cũng vậy, “giờ muốn phát biểu về bộ, ngành nào đó cũng cân nhắc lắm chứ”, thậm chí có địa phương lãnh đạo còn chỉ đạo “việc gì nên nói, việc gì không nên nói”.
“Công việc của đất nước ngày càng nhiều, mỗi người vừa đảm nhiệm nhiệm vụ chuyên môn, vừa là đại biểu Quốc hội thì sẽ không làm nổi. Để làm tốt cả 2 vị trí đòi hỏi giằng xé rất nhiều về mặt thời gian, nên để Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, cần tăng đại biểu chuyên trách lên, đồng thời có điều kiện bố trí đại biểu cho các đoàn đại biểu, các cơ quan của Quốc hội”, bà Tâm chốt lại.
Quang Phong