Kinh tế Việt Nam "ghi điểm" đặc biệt ấn tượng bất chấp đại dịch toàn cầu

An Linh

(Dân trí) - Năm 2021, kinh tế Việt Nam được dự đoán sẽ có nhiều thay đổi ngoạn mục, nhiều kỳ vọng về "bức tranh" kinh tế tươi sáng hơn nhờ các tiền đề được tạo dựng từ năm 2020.

Việt Nam thuộc nhóm nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới

Năm 2020, Việt Nam được ghi nhận là điểm sáng về ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi được đại dịch Covid-19. Trong khi thế giới, nhiều nước suy giảm kinh tế, tăng trưởng âm và gánh chịu nhiều tổn thất vì đại dịch, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương với 2,91%, là nhóm nước tăng trưởng cao nhất thế giới.

Kinh tế Việt Nam

Năm 2021, kinh tế Việt Nam sẽ được thừa hưởng kinh nghiệm điều hành và nền tảng phát triển của năm 2020 để chúng ta có quyền hy vọng vào một năm mới thắng lợi mới

Để có được thành tích tăng trưởng đáng tự hào, Việt Nam đã nỗ lực không biết mệt mỏi vừa ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, vừa làm tốt công tác phòng ngừa, cách ly ca bệnh trong nước. Việt Nam đang thiết lập một nền kinh tế trong điều kiện bình thường mới với hàng loạt chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành... Điều này góp phần ổn định nền kinh tế, giúp cộng đồng doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Xuất siêu đạt kỷ lục hơn 19,1 tỷ USD

Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, năm 2020 bất chấp thiên tai, dịch bệnh và lũ bão, nền kinh tế Việt Nam phát triển với nhiều tín hiệu lạc quan. GDP tăng trưởng cao, lạm phát thấp dưới 4% và đặc biệt là nền kinh tế xuất siêu với giá trị lớn hơn 19,1 tỷ USD.

Kinh tế Việt Nam

Việt Nam trở thành nền kinh tế xuất siêu lớn, kim ngạch xuất siêu lên đến hơn hai con số

Đây là năm mà Việt Nam xuất siêu cao kỷ lục trong 5 năm trở lại đây, những năm trước kinh tế Việt Nam đạt thành tích xuất siêu nhưng với giá trị nhỏ dưới 10 tỷ USD.

Có được thành tích đáng tự hào này, phải nhắc đến chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc chủ động đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập song phương, đa phương, mở cửa thị trường trong nước và tiếp cận với thị trường nước ngoài bằng nhiều FTAs lớn.

Điển hình như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) giữa Việt Nam với 10 cường quốc kinh tế lớn trong và ngoài khu vực châu Á cụ thể như Nhật Bản, Úc, Singapore, Canada; Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam và 28 nền kinh tế Liên minh châu u (EVFTA và EVIPA); mới đây là Hiệp định Hiệp định RCEP rồi FTAs song phương Việt Nam và Anh...

GDP/người của Việt Nam đạt hơn 10.000 USD

Dẫn báo cáo mới nhất của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) - mới đây khẳng định: "GDP/người của Việt Nam tính theo sức mua tương đương hiện nay đạt trên 10.000 USD/người/năm (ước 230 triệu đồng/năm)".

Kinh tế Việt Nam

Tầng lớp trung lưu, người giàu Việt sẽ tăng lên khi Việt Nam thực hiện được mục tiêu kép tăng trưởng nhanh và bền vững

Thực tế, quy mô GDP năm 2020 của Việt Nam đạt hơn 343 tỷ USD, trong đó bao gồm cả đóng góp của khối ngoại, điều này có thể khiến Việt Nam dần trở thành một trong những nền kinh tế lớn hàng đầu của ASEAN chỉ sau Thái Lan, Indonesia.

Năm 2021, tăng trưởng kinh tế cao bất chấp Covid-19

Với đà tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức 2,91%, Quốc hội Việt Nam và nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá tăng trưởng của nước ta năm 2021 có nhiều điểm sáng, tích cực.

Cụ thể, Quốc hội mới đây đã phê duyệt mục tiêu tăng trưởng năm 2021 ở mức 6%, đây là mức tăng trưởng mục tiêu dù Covid-19 đang tiếp tục hoành hành, tàn phá nhiều nền kinh tế trên thế giới, cùng với hàng loạt biến động của địa chính trị kinh tế thế giới.

Kinh tế Việt Nam

Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao sự linh hoạt của nền kinh tế Việt Nam và sức hồi phục cho năm 2021

Lạc quan hơn, IMF, Ngân hàng Thế giới đều cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch vào năm 2021, mức tăng trưởng dự kiến có thể đạt 6,5%. Việt Nam được coi là quốc gia duy nhất trong số 6 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đạt tăng trưởng dương trong năm nay, nhờ kiểm soát tốt Covid-19.

29 lĩnh vực tiếp tục được giảm phí, lệ phí đến hết tháng 6/2021

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 12/2020 về giảm phí, lệ phí 10-50% hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19. Theo đó, năm 2021, có 29 lĩnh vực sẽ được giảm phí, lệ phí từ 10-50%.

Kinh tế Việt Nam

Để hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động bởi dịch bệnh, hơn 29 ngành, lĩnh vực sẽ được cắt, giảm phí và lệ phí

Nhiều khoản phí, lệ phí cho doanh nghiệp, dịch vụ sẽ được cắt giảm như phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán (trừ lệ phí cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận hành nghề cho cá nhân và phí giám sát hoạt động chứng khoán), phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng, phí thẩm định thiết kế cơ sở, phí thẩm định thiết kế kỹ thuật, phí thẩm định dự toán xây dựng...

Lệ phí cấp giấy phép thành lập ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và lệ phí cấp chứng chỉ năng lực xây dựng cho tổ chức và cá nhân cũng được giảm 50%. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng giảm 30% phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường, 30% phí khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu khí tượng thủy văn...

Ước tính ngân sách giảm khoảng 1.000 tỷ đồng khi giảm số phí, lệ phí trên trong năm 2020 tuy nhiên Bộ Tài chính vẫn đề xuất tiếp tục gia hạn đến 30/6/2021.

Bỏ biệt đãi xe trong nước, xe ngoại "đấu" sòng phẳng xe nội

Bắt đầu từ ngày 1/1/2021, chính sách giảm 50% phí trước bạ (từ 10% - 12% xuống còn 5% đến 6%) sẽ được xóa bỏ. Điều này đồng nghĩa với việc, các chính sách biệt đãi đối với xe trong nước không còn, xe nhập và xe lắp ráp trong nước sẽ được đối xử bình đẳng về chính sách thuế, phí.

Kinh tế Việt Nam

Thị trường xe hơi sẽ trở về trạng thái cân bằng hơn khi chính sách "biệt đãi" không còn

Điều đáng chờ đợi là năm 2021 trở đi, theo lộ trình cắt giảm thuế quan mà Việt Nam cam kết đối với các đối tác EU, CPTPP và RCEP, thuế quan nhập khẩu xe hơi mới các loại nguyên chiếc vào Việt Nam sẽ được cắt giảm từ 6-8%/năm. Về lý thuyết, chi phí giảm, giá xe bán trong nước có thể sẽ được giảm tương ứng, điều này tốt cho hãng, cho thị trường và cả người tiêu dùng.