"Hình ảnh người lao động rời khỏi những thành phố lớn vẫn là điều ám ảnh"

Q.Huy

(Dân trí) - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhìn nhận, dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng "trăm năm có một". Hình ảnh từng đoàn người lao động rời khỏi những thành phố lớn vẫn là điều ám ảnh.

Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định là một trong ba chủ đề chính, trong phiên hội thảo chuyên đề thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 diễn ra sáng 5/6. Hội thảo có sự tham dự của ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nêu thực trạng, trong 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến mọi mặt về kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, đại dịch đã làm nền kinh tế chậm lại, tình hình lao động, việc làm, đời sống của người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực.

"Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất và triển khai nhiều giải pháp để phục hồi thị trường lao động. Tuy nhiên, những giải pháp đó chỉ đáp ứng một phần yêu cầu của thị trường và còn rất nhiều vấn đề đặt ra. Do vậy, tôi đề nghị diễn đàn cùng tập trung thảo luận, phân tích nhằm đưa ra những mục tiêu, quan điểm, xây dựng giải pháp có tính trọng tâm, trọng điểm, dài hạn nhằm hỗ trợ, phục hồi phát triển thị trường lao động", ông Lê Văn Thanh chia sẻ.

Hình ảnh người lao động rời khỏi những thành phố lớn vẫn là điều ám ảnh - 1

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, phát biểu khai mạc hội thảo chuyên đề tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 (Ảnh: Hữu Khoa).

Vì sao người lao động rời TPHCM trong đợt dịch?

Trong bài tham luận gửi tới hội thảo, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nêu rõ, so với các tỉnh, thành khác, lực lượng lao động làm việc trong các thành phần kinh tế tại địa phương này đang lớn nhất cả nước. Với việc áp dụng các đợt giãn cách xã hội trong cao điểm dịch Covid-19, đã khiến hàng triệu người lao động bị ngừng việc, cắt giảm việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập, sinh kế.

"Tác động trực tiếp của dịch Covid-19 có thể thấy rõ qua việc giảm thời gian làm việc, giảm lương, giảm năng suất lao động, chuyển đổi từ khu vực việc làm chính thức sang phi chính thức, gia tăng bất bình đẳng xã hội, bất bình đẳng giới. Bên cạnh đó, tâm lý người lao động bị tác động nặng nề với nỗi lo mất việc làm, nguy cơ lây nhiễm trong quá trình làm việc", ông Dương Anh Đức phân tích.

Hình ảnh người lao động rời khỏi những thành phố lớn vẫn là điều ám ảnh - 2

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức (Ảnh: Hữu Khoa).

Tất cả những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 có thể coi là phép thử đối với người lao động trên địa bàn. Do vậy, việc người lao động ngoại tỉnh tiếp tục gắn bó với TPHCM trở thành quyết định không đơn giản.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong đợt bùng phát dịch, Trung ương, địa phương đã triển khai sớm các chính sách an sinh, hỗ trợ. Tuy nhiên, các chính sách chưa thể đảm bảo cuộc sống trong thời gian giãn cách nhiều tháng, một số địa phương chưa nắm sát tình hình thực tế dẫn đến nhiều bất cập.

Từ những vấn đề được nhìn thấy rõ sau đại dịch, TPHCM đã đúc rút nhiều kinh nghiệm, bài học để đưa ra các giải pháp quản lý, thu hút lao động trong quá trình phục hồi, phát triển. Các chính sách hỗ trợ người lao động về tài chính, phúc lợi xã hội trong giai đoạn đầu quay lại TPHCM, được đưa ra.

Hình ảnh người lao động rời khỏi những thành phố lớn vẫn là điều ám ảnh - 3

Trong sáng cùng ngày, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022 tổ chức cùng lúc 3 buổi hội thảo chuyên đề liên quan nhiều lĩnh vực (Ảnh: Hữu Khoa).

Về mặt quản trị, thành phố cũng xây dựng tổng hòa những giải pháp để theo dõi, quản lý, dự báo thông tin về thị trường lao động. Các chuỗi kết nối cung - cầu nội tỉnh và liên tỉnh được hình thành với hệ thống dữ liệu được đầu tư bài bản.

Sau làn sóng người lao động ngoại tỉnh rời TPHCM, địa phương cũng tập trung đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp nhằm kịp thời bổ sung, nâng cao chất lượng nhân lực để bù đắp năng suất còn thiếu. Để thúc đẩy hài hòa quan hệ lao động trong doanh nghiệp, địa phương cũng nghiên cứu, tổ chức các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Người lao động rời thành phố vẫn ám ảnh

Tại buổi hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhìn nhận, đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng "trăm năm có một" đối với nền kinh tế và thị trường lao động. Trong cuộc khủng hoảng ấy, hình ảnh từng đoàn người lao động rời khỏi những thành phố lớn vẫn là điều ám ảnh.

"Người lao động rời khỏi những thành phố lớn bởi khi các nhà máy, doanh nghiệp đóng cửa, họ mất thu nhập, việc làm. Điều này đặt ra bài toàn về hoàn thiện các chính sách tiền lương, an sinh xã hội, và cả nhà ở cho người lao động trong những đợt khủng hoảng như vừa qua", ông Ngọ Duy Hiểu nhìn nhận.

Hình ảnh người lao động rời khỏi những thành phố lớn vẫn là điều ám ảnh - 4

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Ảnh: Hữu Khoa).

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động cũng nêu rõ, sau 2 năm đại dịch, những vấn đề vốn là hạn chế, yếu kém của thị trường lao động đã được bộc lộ rõ. Đặc biệt là sự bấp bênh, dễ tổn thương về việc làm, thu nhập, quan hệ lao động. 

Những hạn chế ấy cho thấy, hệ thống an sinh xã hội và các chính sách, quy định về thị trường lao động chưa theo kịp, chưa đáp ứng tốt trước những tình huống thực tế đặt ra. 

Ngoài các vấn đề do dịch Covid-19 tác động, ông Ngọ Duy Hiểu cũng đánh giá, thời gian qua, số người có việc làm tăng nhanh nhưng đa phần ở khu vực phi chính thức. 

"Nhìn chung, mức độ phát triển của thị trường lao động còn ở trình độ thấp. Một số chính sách, quy định pháp luật và nhiều yếu tố thị trường chưa đáp ứng tốt nhu cầu hội nhập và đòi hỏi của nền kinh tế", ông Ngọ Duy Hiểu nêu rõ.

Hình ảnh người lao động rời khỏi những thành phố lớn vẫn là điều ám ảnh - 5

Diễn đàn có sự tham dự của đại diện các cơ quan ngoại giao, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế (Ảnh: Hữu Khoa).

Về giải pháp, ông Ngọ Duy Hiểu đưa ra các nhóm phương án về quản lý thị trường lao động, đồng thời hoàn thiện chính sách, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia về lao động theo hướng hiện đại, hội nhập, phát triển. Trong đó, các nhóm giải pháp tập trung vào vấn đề tạo việc làm bền vững, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, tạo môi trường làm việc, môi trường sống tốt nhất.

Ngoài ra, Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước cần hoàn thiện các chính sách, quy định theo hướng giảm dần can thiệp vào xác lập điều khoản lao động trên thị trường. Thay vào đó, Nhà nước sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các bên, đóng vai trò tương tác và xúc tác để đối thoại, thương lượng, tháo gỡ bế tắc.