Kinh tế Việt Nam “đã qua giai đoạn xấu nhất”
(Dân trí) - Báo cáo mới nhất do HSBC công bố cho thấy: Giai đoạn xấu nhất của kinh tế Việt Nam “có lẽ đã qua” nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để trút bỏ gánh nặng cho nền kinh tế.
Báo cáo với tiêu đề “Kinh tế vĩ mô Việt Nam - Triển vọng thị trường Việt Nam” của Ngân hàng HSBC vừa công bố cho rằng, vấn đề của Việt Nam chính là nền kinh tế đang bị khu vực kinh tế Nhà nước chiếm ưu thế (khoảng 40% GDP cả nước). Trong suốt 5 năm qua, bộ phận này sử dụng vốn kém hiệu quả nhất nhưng lại chiếm đa số tổng nguồn vốn đầu tư tại Việt Nam. Khu vực này vẫn luôn đòi hỏi những hỗ trợ để có thể tiếp tục tồn tại.
Trước thực tế này, tăng trưởng tín dụng trong 10 năm qua đã vượt quá mức 30% trung bình mỗi năm, dẫn tới sự tăng trưởng bùng nổ nhu cầu và phát triển đầu tư. Nhưng sự trở lại của lạm phát cao trong năm 2011 đã chấm dứt thời kỳ chạy đua tăng trưởng tín dụng. Chính phủ đã “bật tín hiệu” ủng hộ sự ổn định kinh tế vĩ mô hơn tăng trưởng nhanh, biểu hiện ở tăng trưởng tín dụng năm 2011 giảm còn 14,4% (điều chỉnh cao lên từ mức 10,9%).
Theo đánh giá của bản báo cáo, một số cải cách bắt đầu được thực hiện bao gồm cả việc yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước công khai doanh thu lợi nhuận và tiếp tục tái cơ cấu ngành ngân hàng. Triển vọng nhất là dự thảo chiến lược của Bộ Công Thương nhằm thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa của nước ngoài đến phát triển các cụm công nghiệp.
Những bước cải cách này cùng với nhiều hình thức khác đều rất cần thiết giúp Việt Nam tăng năng suất và bớt phụ thuộc vào tăng trưởng dựa vào đầu vào. Tuy nhiên, theo HSBC, trong thời điểm hiện tại, suy thoái là điều khó có thể tránh khỏi. Trong đó, ngành sản xuất và xây dựng bị sụt giảm một cách đáng kể do nhu cầu thấp và những điều kiện hoạt động khó khăn.
“Tin tốt lành là lạm phát đang chậm lại, có thể sẽ dừng ở mức một con số trong năm nay và cả trong năm sau. Tăng trưởng có thể đẩy nhanh trong nửa cuối năm chứng tỏ tình hình xấu nhất dường như đã được vượt qua. Tuy nhiên, nhu cầu vẫn còn thấp và các khoản nợ xấu tiếp tục treo lơ lửng trên hệ thống nên còn rất nhiều việc cần phải làm để trút bỏ gánh nặng cho nền kinh tế. Từ bây giờ trở đi, chí ít nền kinh tế cũng đang theo đúng hướng”, bản báo cáo nhấn mạnh.
Cũng theo HSBC, Ngân hàng Nhà nước có thể tích luỹ nhiều dữ trữ ngoại hối hơn nhằm quản lý nền kinh tế trước những rủi ro. Thêm vào đó, các cuộc cải cách đang tăng tốc để giải quyết các vấn đề sâu xa trong nền kinh tế. Điều này rất cần thiết để xây dựng một chiến lược phát triển bền vững, theo đó bảo đảm tăng trưởng được xây dựng trên năng suất cao chứ không phải do tăng trưởng tín dụng. Do vậy, mặc dù tăng trưởng còn chậm nhưng đây có thể là một điều may mắn tiềm ẩn cho nền kinh tế.
Nguyễn Hiền