Kinh tế vĩ mô toàn cầu chông chênh, Việt Nam gặp không ít thách thức
(Dân trí) - Đứng trước sự biến động của nền kinh tế vĩ mô toàn cầu với nhiều chông chênh, Việt Nam cũng đang gặp phải không ít thách thức. “Bài toán” đặt ra là cần quan tâm, tìm giải pháp “gỡ vướng” cho những vấn đề có ảnh hưởng tới nền kinh tế như: cải cách thủ tục hành chính, biến đổi khí hậu, già hóa dân số…
Nhiều thách thức
Phát biểu tại buổi Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam thường niên “Việt Nam trong bối cảnh bấp bênh của kinh tế toàn cầu năm 2019” vừa được Trường Đại học Ngân hàng TPHCM tổ chức vào chiều 22/7, PGS. TS. Nguyễn Đức Trung (Phó hiệu trưởng Trường) cho biết, nửa đầu năm 2019, mức tăng trưởng kinh tế ghi nhận là 6,76%, thấp hơn mức tăng 7,08% của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2017.
Tuy vậy, nền kinh tế vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, mà trong đó sự bất ổn của nền kinh tế thế giới là nhân tố ảnh hưởng có tính bao trùm. Bởi lẽ, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng và chuyển biến khó dự đoán đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động kinh tế toàn cầu. Tổng cầu thế giới giảm như một phản ứng tất yếu khi các yếu tố rủi ro gia tăng.
Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ngay lập tức hứng chịu cú sốc này. Minh chứng điển hình là tăng trưởng xuất khẩu 6 tháng đầu năm chỉ còn 7,3%, thấp hơn rất nhiều với con số 17,8% đạt được ở 6 tháng cùng kỳ năm 2018. Hệ quả là thâm hụt thương mại đã quay trở lại ở mức 37 triệu USD trong khi một năm trước đó thặng dư cao ở mức 4,12 tỷ USD. Đáng chú ý, cú sốc nào cũng phần nào bộc lộ điểm yếu của nền kinh tế: phụ thuộc quá nhiều vào khu vực kinh tế nước ngoài ở những mắt xích quan trọng.
PGS. TS. Nguyễn Đức Trung cho rằng, hạn chế sự phụ thuộc lớn của nền kinh tế vào khu vực kinh tế nước ngoài là vấn đề đáng quan tâm và cần tìm giải pháp “tháo gỡ”, để nền kinh tế nước ta có thể đứng vững trước cú sốc của nền kinh tế vĩ mô toàn cầu tại thời điểm này.
“Hạn chế sự phụ thuộc lớn của nền kinh tế vào khu vực kinh tế nước ngoài là vấn đề cần phải được thực hiện để nguồn lực trong nước thật sự trở thành “tấm đệm” chống đỡ cho nền kinh tế trước những cú sốc kinh tế toàn cầu như hiện nay. Do vậy, cần có những giải pháp củng cố năng lực và gia tăng hơn nữa vai trò của khu vực kinh tế trong nước, đặc biệt là khu vực kinh tế ngoài nhà nước”, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho biết.
“Bài toán” đáng quan tâm
Cũng chia sẻ tại buổi báo cáo, TS. Phạm Phú Quốc, Viện phó Viện Nghiên cứu & Phát triển TPHCM cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô toàn cầu đang có nhiều bấp bênh, Việt Nam cũng phải chịu không ít ảnh hưởng. Do đó, để có thể đối mặt với những thách thức, hướng đến xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững thì nước ta cần phải quan tâm, giải quyết nhiều vấn đề.
Trong đó, vấn đề đầu tiên phải kể đến là cải cách thủ tục hành chính. Bởi lẽ, hiện nay không chỉ có người dân mà rất nhiều nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư bất động sản phải “than ngắn thở dài” vì thủ tục hành chính ở nước ta quá… cực.
Vấn đề thứ hai và cũng là vấn đề ngày càng phải quan tâm nhiều hơn đó là biến đổi khí hậu. Đơn cử như tình trạng sụt lún ngày một nghiêm trọng một phần cũng là do quy hoạch xây dựng quá nhiều khiến một số khu vực không “trụ” được trước sức ép của khối trọng lượng lớn nên sụt lún xảy ra. Hay như tình trạng ngập nước một phần cũng do việc xây dựng bít lối thoát nước khiến lượng nước không kịp thoát ra sông, biển…
Bên cạnh đó, vấn đề tai nạn giao thông thì vẫn cứ tái diễn đều đặn. Mỗi năm đều có những con số thống kê là hàng ngàn người chết vì tai nạn giao thông, đây là một thiệt hại… kinh khủng.
Ngoài ra, theo TS. Quốc, hiện nay, Việt Nam đang lọt vào top các quốc gia đang bị già hóa dân số cao và dự kiến đến năm 2045, nước ta là một nước dân số già. Như vậy, cần phải tính tới thời điểm đó nền kinh tế nước ta như thế nào, để tận dụng hết các nguồn lực từ dân số già. Bởi, người già họ cũng rất giỏi: giỏi về kiến thức, giỏi về kinh nghiệm….
Thêm nữa, vấn đề nguồn ngân sách thu về cứ bội chi cũng là một điều rất đáng quan ngại khi làm kinh tế. Bởi, bội chi thì có thể nhưng phải cố gắng chi cho đầu tư phát triển… Đây là vấn đề mà các nhà kinh tế, các nhà khoa học cần phải quan tâm quyết liệt hơn.
“Đó là những vấn đề liên quan, có tác động đến nền kinh tế. Tuy tôi nói có hơi “vòng ngoài” do phần trình bày của tôi nhưng có những cái mà chúng tôi thấy nếu không giải quyết được chuyện này thì khó hoàn thành nhiệm vụ để nền kinh tế phát triển hơn”, TS.Phạm Phú Quốc nói.
Quế Sơn