Kinh tế Trung Quốc sẽ sớm bị Ấn Độ vượt mặt?

Nếu phải nhìn nhận một sự trỗi dậy thực sự ngấm ngầm nhưng đầy sức mạnh trong tương lai của Châu Á, thì không ai có thể xứng đáng hơn Ấn Độ. Tương lai sự thách thức kinh tế của Châu Á đối với thế giới, nằm ở Ấn Độ.

Brzezinsky, vị cố vấn nổi tiếng với tài nhìn xa trông rộng của cựu Tổng thống Mỹ Carter trong thế kỷ 20 đã từng nói “tương lai là ở Châu Á”. Quả vậy, thế kỷ 21 đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ nhất của các cường quốc Châu Á, hai trong số ba cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới thuộc về Châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản, cả hai đã làm mưa làm gió trên nền kinh tế thế giới suốt hàng chục năm qua. Nhưng cũng đừng quên Ấn Độ.
 
Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ là 3 nền kinh tế hàng đầu châu Á
Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ là 3 nền kinh tế hàng đầu châu Á

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Nếu phải nhìn nhận một sự trỗi dậy thực sự ngấm ngầm nhưng đầy sức mạnh trong tương lai của Châu Á, thì không ai có thể xứng đáng hơn Ấn Độ. Tương lai sự thách thức kinh tế của Châu Á đối với thế giới, nằm ở Ấn Độ.

So với hai cường quốc kinh tế số một và số hai Châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản, thì Ấn Độ là một trường hợp đặc biệt. Đất nước đông dân thứ hai thế giới này không có những thời kỳ phát triển kinh tế chóng mặt được xem là thần kỳ như hai nước kể trên, thay vào đó quá trình phát triển kinh tế của Ấn Độ diễn ra chậm rãi và từ tốn với GDP luôn ở ngưỡng dưới 10%.

Rất nhiều chuyên gia trên thế giới đã cảm thấy sốt ruột dùm Ấn Độ khi chứng kiến tốc độ phát triển như tên lửa của Trung Quốc khi nước này luôn đạt mức tăng trưởng trên hai con số, trong khi Ấn Độ và Trung Quốc sở hữu rất nhiều điều kiện thuận lợi giống nhau, về dân số đông, giá nhân công rẻ và lãnh thổ rộng lớn.

Thậm chí Ấn Độ còn được xem là có nhiều điều kiện thuận lợi hơn hẳn Trung Quốc khi sở hữu một đường bờ biển dài gấp đôi Trung Quốc, lại nằm trên con đường hàng hải xuyên Âu – Á rất thuận lợi cho phát triển kinh tế. Nếu như hầu hết hàng hóa của Trung Quốc phải vận chuyển trên một quãng đường rất dài để dồn về các tỉnh duyên hải phía Đông để đưa lên tàu xuất sang nước ngoài, thì ở Ấn Độ nơi biển bao quanh phần lớn lãnh thổ mọi thứ lại thuận tiện hơn rất nhiều.

Thế nên không lấy gì làm lạ với sự hẫng hụt của thế giới khi chứng kiến sự chênh lệch tốc độ tăng trưởng giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Nhưng, nếu có một mô hình phát triển kinh tế nào đang được Trung Quốc thèm khát nhất ở thời điểm hiện tại, thì đó không gì khác ngoài Ấn Độ.

Nguyên nhân chủ đạo nằm ở việc các nhà lãnh đạo Ấn Độ chọn cách phát triển một cách bền vững thay vì chạy theo tốc độ và quy mô một cách lệch lạc như Trung Quốc. Nếu như Trung Quốc để đạt mục tiêu tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất đã lao theo những kế hoạch phát triển tràn lan và thiếu tầm nhìn xa, và hậu quả sau ba mươi năm phát triển cao độ ở nước này giờ đây đang hiện ra rõ hơn hết, đó là sự thiếu cân đối giữa các bộ phận của nền kinh tế, ô nhiễm môi trường và một nền kinh tế ẩn chứa nhiều khuyết tật ngầm.

Những điều đó đã không xảy ra ở Ấn Độ. New Delhi đã tỏ ra có tầm nhìn xa hơn so với Bắc Kinh. Mở cửa nền kinh tế chậm hơn Trung Quốc một thập niên, chính phủ Ấn Độ tập trung xây dựng các lĩnh vực then chốt làm đòn bẩy cho nền kinh tế, đó là công nghiệp nhẹ và công nghệ thông tin.
Các tiêu chuẩn được áp dụng trong phát triển công nghệ và tài chính thương mại ở Ấn Độ cũng cao hơn Trung Quốc khi Ấn Độ áp dụng các tiêu chuẩn của Châu Âu, đồng thời lực lượng lao động của Ấn Độ cũng có trình độ cao hơn Trung Quốc nhờ hệ thống giáo dục dựa theo các tiêu chuẩn phương Tây và việc sử dụng tiếng Anh rộng rãi trên toàn quốc bắt nguồn từ quá khứ là thuộc địa của Anh.

Chính vì vậy, nếu như Trung Quốc đang rơi vào thế bế tắc trong việc tìm ra hướng đi mới cho nền kinh tế, thì cánh cửa tương lai đang rộng mở với Ấn Độ hơn bao giờ hết. Với chiến lược phát triển bền vững được quy hoạch có chiến lược của mình, Ấn Độ đang còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác, trong khi Trung Quốc với sự bừa bãi của mình lại đang cạn dần.

Một trong số đó là nguồn nhân lực, nếu như giá nhân công ở Trung Quốc đã tăng lên gấp đôi và trở nên đắt đỏ khiến giá nhân công rẻ không còn là lợi thế của nước này, thì nó vẫn được giữ nguyên ở Ấn Độ. Giới phân tích dự báo một lượng lớn nhà đầu tư sẽ rời Trung Quốc để chuyển sang các khu vực khác có giá nhân công thấp hơn như Đông Nam Á và Ấn Độ.

Tương quan kích thước kinh tế và đi cùng với đó là tương quan sức mạnh giữa Trung Quốc và Ấn Độ, vì thế sẽ ngày càng được rút ngắn. Trung Quốc được dự báo sẽ phát triển chậm lại ít nhất là trong hơn 10 năm tới, trong khi 20 năm tới lại được coi là giai đoạn kinh tế Ấn Độ có bước phát triển mạnh nhất, do Ấn Độ mở cửa nền kinh tế sau Trung Quốc hơn mười năm nên giai đoạn phát triển mạnh nhất của nước này cũng sẽ sau Trung Quốc chừng ấy thời gian.

Theo ADB và WB dự báo, mức tăng trưởng của Ấn Độ trong năm 2015 có thể lên tới 7% dù chính phủ nước này chỉ dự đoán trong khoảng 6,5%. Cùng là mức tăng trưởng 7% trong năm 2015 nhưng nếu như đó là chỉ dấu cho sự đi xuống của kinh tế Trung Quốc thì đây lại là dấu hiệu cho việc Ấn Độ chuẩn bị đạt tới giai đoạn phát triển mạnh nhất của mình. Và quan trọng hơn hết là Ấn Độ đang đi trên một con đường thênh thang rộng mở trong khi Trung Quốc lại đang rơi vào ngõ cụt của phát triển kinh tế.

Trong tương lai, các chuyên gia dự đoán kinh tế Ấn Độ có thể vượt qua Mỹ trước năm 2030. Nghiên cứu lịch sử kinh tế cho thấy kinh tế Ấn Độ vừa thoát khỏi giai đoạn nút cổ chai tăng trưởng và có thể duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều thập kỷ tương tự như Trung Quốc đã làm nhưng sẽ bền vững hơn Trung Quốc khá nhiều. 
 
Thách thức lớn nhất không chỉ với trật tự kinh tế thế giới trong tương lai, mà còn với trật tự sức mạnh và quyền lực trong khu vực Châu Á, vì thế đang nằm ở Ấn Độ. Đối thủ lớn nhất trong tương lai của Trung Quốc cả về kinh tế lẫn tầm ảnh hưởng trong khu vực không ai khác ngoài Ấn Độ.
 
Theo Nhàn Đàm
Một Thế giới/The Economic Times
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”