Kinh tế Trung Quốc giảm tốc, Triều Tiên sẽ ra sao?

(Dân trí) - Mấy năm gần đây, nền kinh tế của Triều Tiên đã lặng lẽ tăng trưởng. nhưng việc Tuy nhiên, việc Trung Quốc tái cân bằng kinh tế có nguy cơ sẽ đảo ngược xu hướng tích cực này.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

*
Nhà thầu xây dựng nước ngoài phải xin phép hoạt động tại Việt Nam
* Yêu cầu PVN báo cáo tình hình đầu tư nước ngoài
* Đại sứ Việt Nam ở Campuchia làm Thứ trưởng Bộ Ngoại giao
* Đường ống nước sông Đà bong rộp, không đạt chuẩn

Theo tạp chí The Diplomat, năm 2013 là một năm khá tốt đối với Triều Tiên. Ủy ban Đánh giá mùa màng và an ninh lương thực của Liên hiệp quốc (CFSAM) ước tính, tổng sản lượng lương thực của Triều Tiên trong niên vụ 2013-2014 tăng khoảng 5% so với niên vụ trước.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK), ngành nông nghiệp chiếm khoảng 1/5 GDP của Triều Tiên, nên các chuyên gia tin rằng, tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2013 cao hơn mức 1,3% đạt được trong năm 2012.

Bên cạnh đó, Tổ chức Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA) ước tính, kim ngạch ngoại thương của Triều Tiên (không bao gồm thương mại liên Triều) trong năm 2013 tăng 7,8% so với năm 2012, đạt mức cao nhất kể từ khi KOTRA bắt đầu theo dõi số liệu này vào năm 1990.

Từ những con số trên, có thể thấy rõ ràng nền kinh tế Triều Tiên đang dần hồi phục khỏi nạn đói thảm họa của thập niên 1990 và tình trạng bất ổn định sau đợt điều chỉnh giá trị đồng tiền vào năm 2009.

Mặc dù vậy, có một vấn đề đang đe dọa triển vọng đầy hứa hẹn này của kinh tế Triều Tiên.

Trong mấy năm qua, một phần không nhỏ động lực tăng trưởng của kinh tế nước này đến từ quan hệ thương mại mở rộng với Trung Quốc. Nhu cầu nguyên vật liệu thô luôn ở mức cao của Trung Quốc trong suốt thập kỷ qua đã đem lại cho Bình Nhưỡng nguồn thu ngoại tệ để nhập khẩu.

Nhưng cũng chính điều này cũng khiến kinh tế Triều Tiên dễ bị tổn thương hơn trước những diễn biến bất lợi ở quốc gia láng giềng phía Bắc. Trung Quốc hiện đang quyết tâm tái cân bằng nền kinh tế theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, nên sự phụ thuộc của Triều Tiên vào Trung Quốc có thể gây ra những đảo lộn lớn về kinh tế đối với Bình Nhưỡng trong thời gian tới.

Bản thân Bình Nhưỡng có thể nhận thức rõ về vấn đề này. Tuy chưa bao giờ nói ra công khai, Triều Tiên đã phát đi nhiều tín hiệu ám chỉ chuyện này. Khi thanh trừng người chú dượng quyền lực Jang Song Thaek của nhà lãnh đạo Kim Jong Un vào cuối năm ngoái, Bình Nhưỡng đã tuyên bố một trong các tội danh của ông này là “xuất khẩu bừa bãi than và các tài nguyên quý dưới lòng đất khác”.

Bình Nhưỡng cho rằng, tình trạng nợ nần của các công ty khai thác khoáng sản Triều Tiên - xuất phát từ hoạt động tham nhũng và quản lý sai lầm của ông Jang và thuộc cấp - là một phần trong âm mưu gây bất ổn và lật đổ chế độ. Mức độ chính xác của những cáo buộc này là rất khó để xác định, nhưng sự cáo buộc cho thấy Bình Nhưỡng lo ngại về hoạt động của ngành khai khoáng trong những năm gần đây.

Trên thực tế, xuất khẩu khoáng sản đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Triều Tiên. Theo KOTRA, Triều Tiên đạt kim ngạch xuất khẩu khoáng sản khoảng 1,65 tỷ USD trong năm 2011, tăng gấp 33 lần so với trước đó một thập niên, và chiếm khoảng 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này cùng năm. Nhiều trong số các loại khoáng sản của Triều Tiên, như than anthracite và quặng sắt, được xuất khẩu 100% sang Trung Quốc.

KOTRA cũng nhấn mạnh rằng, 89,1% tổng kim ngạch ngoại thương của Triều Tiên trong năm 2013 (không bao gồm thương mại liên Triều) là với Trung Quốc. Giới phân tích bấy lâu nay vẫn xem Bắc Kinh là đối tác kinh tế chủ chốt của Triều Tiên, nhưng mức độ phụ thuộc của Bình Nhưỡng vào Bắc Kinh trong mấy năm gần đây đã lên tới mức cao chưa từng có.

Vào năm 2005, Trung Quốc chỉ chiếm 52,6% tổng kim ngạch ngoại thương của Triều Tiên. Năm ngoái, con số này đã lên tới gần 90%. Cùng với đó, tổng kim ngạch ngoại thương của Triều Tiên tăng gần gấp đôi từ mức 3,816 tỷ USD trong năm 2008 lên 7,34 tỷ USD vào năm 2013.

Tuy vậy, vụ thanh trừng Jang Song Thank phần nào cho thấy, mối quan hệ thương mại gần gũi giữa Trung Quốc và Triều Tiên đang bị đe dọa bởi Bắc Kinh tìm cách giảm tốc tăng trưởng GDP về mức bền vững. Giới phân tích dự báo, tổng cầu của thị trường Trung Quốc sẽ giảm tốc khi mà chi đầu tư cơ sở hạ tầng của nước này giảm và các nguồn lực trong nước như xi măng, sắt thép và các nguyên vật liệu khác vẫn còn dư thừa.

Nhận thức được sự nguy hiểm về mức độ phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc, Triều Tiên đang tìm kiếm đối tác mới để ngăn sự lao dốc của nguồn thu từ xuất khẩu khoáng sản. Gần đây nhất, Nga và Triều Tiên đã ký một thỏa thuận nhằm tăng kim ngạch thương mại song phương lên 1 tỷ USD vào năm 2020.

Đây là một thỏa thuận tham vọng nhưng nhu cầu của Nga - quốc gia mà GDP có thể ngừng trệ hoặc thậm chí là suy giảm trong năm nay - khó có thể thay thế hoàn toàn được nhu cầu của Trung Quốc đối với xuất khẩu tài nguyên của Triều Tiên. Điều này đặc biệt đúng khi Nga vốn dĩ đã là nước khai thác nhiều loại khoáng sản mà Triều Tiên xuất khẩu.

Thực tế này đặt Bình Nhưỡng vào một vị thế đặc biệt khó, cả về kinh tế và chính trị. Ngoài việc xử tử Jang Song Thaek, người bị cho là đã góp phần gây ra những khó khăn kinh tế và xã hội cho đất nước, Triều Tiên khó có thể làm gì hơn. Sự thay đổi của nền kinh tế Trung Quốc cũng có thể đem đến một số cơ hội mới cho Triều Tiên, nhưng nền kinh tế Triều Tiên chưa bao giờ thể hiện được năng lực sáng tạo.

Vì vậy, nhiều khả năng Triều Tiên sẽ còn phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế trong tương lai gần.

Phương Anh
Theo The Diplomat

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”