1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xài đồ hiệu ở Triều Tiên

Triều Tiên chịu lệnh cấm vận đã nhiều năm, nhưng người có tiền ở nước này vẫn có thể xài xe xịn và hàng tiêu dùng cao cấp. Những cửa hiệu hàng xa xỉ ở thủ đô Bình Nhưỡng cho thấy một bức tranh khác về nền kinh tế Triều Tiên.

Xài đồ hiệu ở Triều Tiên
Bên trong một siêu thị ở Bình Nhưỡng.
 
Nhiều người nước ngoài sống ở Triều Tiên nói với phóng viên của hãng thông tấn AFP rằng, ngày càng có nhiều xe hơi trên các con đường ở Bình Nhưỡng và mật độ giao thông ở khu vực trung tâm đang ngày càng dày hơn.

Phần lớn chiếc xe ở đây đã cũ kỹ, nhưng những chiếc xe mới hơn hiệu Mercedes, BMW, Lexus, Toyota và Land Rover đang xuất hiện mỗi ngày một nhiều.

Vào năm 2009, quốc tế đã áp lệnh cấm vận ngặt nghèo, nhưng theo một nghị sỹ Hàn Quốc, ông Yoon Sang-Hyun, Triều Tiên vẫn được cung cấp hàng xa xỉ đều đặn nhờ các mạng lưới của người Trung Quốc.

Ông Yoon cho biết, nhập khẩu hàng cao cấp vào Triều Tiên, bao gồm các mặt hàng TV màn hình phẳng, camera kỹ thuật số và các thiết bị khác, đã tăng gấp đôi trong thời gian từ năm 2008-2010, từ mức 272 triệu USD lên 446 triệu USD.

“Bình Nhưỡng chẳng thiếu gì cả”, một người ngoại quốc sống ở đây nói.

Trung tâm của thị trường hàng xa xỉ Triều Tiên là một siêu thị hai tầng có tên Pothongang Ryugyong, nơi trưng bày mặt hàng nhập khẩu từ thực phẩm tới quần áo, hàng điện tử và đồ nội thất. Siêu thị này chỉ chấp nhận ngoại tệ.

Rượu sâm banh của Pháp được bán ở đây với giá khoảng 93 USD/chai, cao gấp đôi giá ở Pháp. Ngoài ra còn có nhiều loại rượu vang từ các vùng Bordeaux và Burgundy nổi tiếng, cùng nhiều thương hiệu whisky, gin, vodka và rum sẵn sàng phục vụ khách hàng.

Quầy thực phẩm của siêu thị Pothongang Ryugyong chất đầy các loại bơ đến từ Thụy Điển và New Zealand, pho mát và thịt bò từ Australia, và hầu như tất cả mọi thương hiệu đồ uống nhẹ, trừ Coca-Cola.

Mặc dù Nhật Bản áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đối với Triều Tiên, nhưng trong siêu thị này vẫn có nhiều mặt hàng “made in Japan” bao gồm thực phẩm, thiết bị nhà bếp và bát đĩa.

Một gian hàng khác trong siêu thị trưng bày các loại đồng hồ và trang sức cao cấp, nước hoa ngoại, TV màn hình phẳng và dàn âm thanh.

Ngoài siêu thị Pothongang Ryugyong, một vài khu chợ mới mở cũng có bán hàng nhập khẩu như Tongil ở khu vực phía Nam của Bình Nhưỡng. Chợ Tongil được mở vào năm 2003, có diện tích lên tới 7.000 m2.

“Chợ này bán đủ thứ từ thịt, rau, hoa quả, bia Singapore, rượu mạnh phương Tây, mỹ phẩm tới hàng điện tử của Hàn Quốc và Nhật Bản”, một nhà báo Pháp từng đến Tongil nhiều lần cho biết.

AFP cho biết, hàng ngoại được tuồn đến Bình Nhưỡng thông qua Trung Quốc. Theo thống kê của Trung Quốc, thương mại hai chiều giữa nước này và Triều Tiên trong nửa đầu năm 2011 đã tăng 87% lên mức 3,1 tỷ USD. Trung Quốc và Triều Tiên có đường biên giới dài 1.415 km.

Theo các chuyên gia, giá trị thương mại thực tế giữa hai nước này có thể cao hơn nhiều nếu các vụ hàng đổi hàng - trong đó Triều Tiên dùng nguyên vật liệu thô như than và quặng sắt để đổi lấy hàng tiêu dùng từ Trung Quốc - được tính đến.

Cùng với các cửa hàng bán hàng nhập khẩu, một số nhà hàng "ngoại" cũng đã xuất hiện, như hai nhà hàng Italy do người nước ngoài điều hành với thực đơn pizza, mỳ ống, rượu vang Italy hay một nhà hàng Thụy Sỹ với món nước sốt làm từ pho mát sản xuất ngay tại Triều Tiên.

Theo bình luận của phóng viên AFP, hoạt động tiêu dùng hàng cao cấp ở Triều Tiên có thể sẽ đặt nền móng cho việc phát triển một nền kinh tế thị trường ở quốc gia này.
Theo An Huy
VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm