1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kinh tế Triều Tiên 1 năm dưới thời Kim Jong Un

(Dân trí) - Sau 1 năm nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong Un lên điều hành đất nước thay cho người cha quá cố, Triều Tiên vẫn được thế giới nhắc đến nhiều bởi câu chuyện tên lửa, thay vì những chuyển biến tích cực về kinh tế.

Kinh tế Triều Tiên 1 năm dưới thời Kim Jong Un
 
Bình Nhưỡng cách đây ít ngày đã long trọng kỷ niệm 1 năm ngày mất của cố lãnh đạo Kim Jong Il, đồng thời cũng tròn 1 năm ông Kim Jong Un lên cầm quyền. Bởi ông Kim Jong Un là một nhà lãnh đạo trẻ, lại được ăn học ở Thụy Sỹ, phong cách có phần cởi mở, nên thế giới rất trông đợi ở việc ông sẽ cải cách kinh tế.

Kể từ khi ông Kim Jong Un lãnh đạo, Triều Tiên đã không ít lần phát đi những dấu hiệu cải cách nền kinh tế vốn dĩ rất yếu kém vì các lệnh trừng phạt quốc tế liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

Hãng hàng không Air Koryo của Triều Tiên, bị coi là “hãng hàng không tệ nhất thế giới”, vài tháng trước đã mở một trang web bằng tiếng Anh. Không lâu sau, một công ty điều hành khách sạn cao cấp của Đức tuyên bố sẽ mở cửa khách sạn cao nhất thế giới ở thủ đô Bình Nhưỡng vào năm 2013 sau 2 thập kỷ dự án này bị trì hoãn vì thiếu vốn.

Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng nỗ lực vươn cao hơn trong lĩnh vực du lịch biển khi tìm cách biến một chiếc phà cũ kỹ thành một con tàu sang trọng. Những thứ tưởng như chỉ có ở nước ngoài như sân golf, công viên chủ đề, xe sang, hàng hiệu… cũng đã xuất hiện trong những bức ảnh, những bản tin hiếm hoi và rất hút độc giả về đất nước đặc biệt này.

Đặc biệt, vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 năm nay, giới truyền thông rộ tin đồn về kế hoạch kinh tế cải cách có thể sắp được thực hiện của Triều Tiên. Nội dung của kế hoạch này được cho là tăng cường tính tự chủ và khuyến khích cho người dân trong các lĩnh vực nông nghiệp và kinh doanh.

Chuyến thăm của người chú ông Kim Jong Un là ông Jang Song Thaek tới Trung Quốc hồi tháng 8 cũng gây chú ý bởi được cho là nhằm mục đích học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế của Trung Quốc. Cũng trong chuyến thăm này, ông Jang đã kêu gọi Trung Quốc đầu tư vào các đặc khu kinh tế nằm giữa biên giới hai nước.

Mặc dù vậy, chi tiết cụ thể và phương hướng thực hiện kế hoạch cải cách kinh tế nói trên cho tới nay vẫn là một ẩn số. “Có vẻ như đã có một vài tiến bộ ở lĩnh vực nông nghiệp, nhưng các cải cách kinh tế cơ bản vẫn vắng bóng. Triều Tiên tiếp tục trong tình trạng lạm phát cao và thiếu hụt nguồn cung hàng hóa các loại”, Giáo sư Kim Yeon Chul thuộc Đại học Inje của Hàn Quốc nhận xét.

Trong khi đó, ông Kim Jong Un bị báo chí Hàn Quốc đánh giá là đã “vung tay quá trán” khi mạnh tay chi tiền cho những dự án lớn không đem lại hiệu quả kinh tế.

Hồi tháng 4, Triều Tiên chi 10 triệu USD để xây dựng tượng đài các nhà cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong Il. Bên cạnh đó là những công trình lớn như nhà hát 8 tầng, dự án nhà ở từ 20-45 tầng, hàng loạt tượng đài trên đường phố chính của thủ đô Bình Nhưỡng. Bên cạnh đó, hai khách sạn lớn cũng đang được xây dựng với tham vọng đón tiếp một lượng khách lớn.

Cùng với một bể bơi lớn và công viên giải trí khổng lồ, các dự án nói trên được cho là tiêu tốn tổng cộng hơn 1 tỷ USD, tương đương 1/6 ngân sách hàng năm của Triều Tiên.

“Thậm chí cả các quan chức cấp cao của Triều Tiên cũng phàn nàn rằng, họ đã hy vọng nhiều ở ông Kim Jong Un, nhưng cuộc sống đang khó khăn hơn so với dưới thời Kim Jong Il, bởi nhà lãnh đạo trẻ chú ý nhiều đến những dự án hoành tráng hơn là cải thiện cuộc sống của người dân”, một nguồn tin từ Trung Quốc nói.

Trong khi đó, trong một bài phát biểu không lâu sau khi nắm quyền, ông Kim Jong Un đã khẳng định quyết tâm sẽ không để người dân Triều Tiên “phải thắt lưng buộc bụng thêm nữa”.

Theo số liệu của Liên hiệp quốc, cuộc sống của hàng triệu người dân Triều Tiên hiện vẫn rất chật vật, cho dù sản lượng lương thực của nước này có tăng. Tổng sản lượng vụ thu hoạch chính của năm 2012 và vụ thu hoạch sớm của năm 2013 dự báo đạt mức khoảng 5,8 triệu tấn, tăng 10% so với niên vụ 2011/2012.

Thời tiết bất lợi cũng ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người Triều Tiên trong năm nay. Nước này đã gặp phải hạn hán nặng nề vào mùa xuân, tiếp đó là những trận bão lũ lớn vào mùa hè. Vào tháng 9, truyền thông nhà nước Triều Tiên cho biết, mưa lớn đã khiến hàng chục người dân nước này thiệt mạng, hàng ngàn người mất nhà cửa.

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc nhận định, kinh tế Triều Tiên tăng trưởng 0,8% trong năm 2011, so với mức suy giảm 0,5% trong năm 2010.

Trước khi Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa mới đây nhất, phía Hàn Quốc tính toán rằng, Bình Nhưỡng đã chi khoảng 2,8-3,2 tỷ USD trong thời gian từ năm 1998 vào chương trình tên lửa và hạt nhân. Số tiền này đủ để mua lương thực cho cả nước Triều Tiên dùng trong 3 năm.

Phương Anh
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm