Kinh tế toàn cầu sẽ ra sao trong năm 2023?

Nhật Linh

(Dân trí) - Theo Bloomberg, nếu mọi bất ổn diễn ra đồng thời thì 2023 có thể là một năm đầy biến động đối với nền kinh tế toàn cầu.

Đối với nền kinh tế thế giới, 2022 là một năm tồi tệ khi đồng thời hứng chịu tác động của một loạt vấn đề, từ cuộc chiến ở Ukraine, phong tỏa ngăn ngừa dịch Covid và khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc, đến chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Những điều này sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu trong năm nay giảm xuống còn 3,1%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng phục hồi 4,7% mà các nhà kinh tế đưa ra hồi đầu năm.

Song Bloomberg cho rằng, chắc chắn năm 2023 sẽ còn u ám hơn.

Kinh tế toàn cầu sẽ ra sao trong năm 2023? - 1

Theo Bloomberg, 2023 có thể là một năm đầy biến động đối với nền kinh tế toàn cầu (Ảnh: Reuters).

Theo dự báo của Bloomberg Economics, kịch bản cơ sở cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 là 2,4%. Tuy nhiên, với cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu ở châu Âu, nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ hay việc Trung Quốc theo đuổi chính sách zero Covid và sự trượt dốc mất kiểm soát của lĩnh vực bất động sản nước này có thể khiến con số tăng trưởng ít ỏi trên thậm chí còn khó đạt được.

Dựa trên kịch bản tăng trưởng cũng như tác động lan tỏa giữa các quốc gia, Bloomberg cho rằng trong kịch bản tiêu cực, tăng trưởng toàn cầu năm 2023 có thể giảm 0,5%. Điều đó có nghĩa, thu nhập toàn cầu sẽ giảm hơn 5.000 tỷ USD so với kỳ vọng đầu năm nay.

Đối với nền kinh tế Mỹ, các chuyên gia của Bloomberg đặt câu hỏi liệu thị trường lao động có đủ mạnh và chi tiêu hộ gia đình có khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cho đến giữa năm 2023.

Do đó, Bloomberg dự báo, nền kinh tế Mỹ trong năm nay sẽ tăng trưởng ở mức 1,8% và ở mức 0,7% trong năm 2023, thậm chí có thể tồi tệ hơn. Nếu thị trường nhà ở giảm mạnh, kéo theo tác động dây chuyền đến hệ thống tài chính, tăng trưởng sẽ giảm đáng kể.

Đối với khu vực châu Âu, Bloomberg giả định nếu mùa đông năm nay không quá lạnh, các quốc gia đồng lòng chia sẻ khí đốt và các doanh nghiệp, hộ gia đình được hỗ trợ tối đa thì châu Âu sẽ vượt qua được cuộc khủng hoảng năng lượng chỉ với suy thoái nhẹ. Và kịch bản tăng trưởng mà Bloomberg đưa ra đối với khu vực này trong năm nay ở mức 3,1% và giảm 0,1% trong năm sau.

Nhưng nếu thời tiết lạnh hơn và gặp thất bại trong chính sách điều hành thì tăng trưởng kinh tế có thể giảm 0,8% trong năm nay và giảm 3,3% trong năm tới, đẩy khu vực này vào suy thoái sâu.

Đối với Trung Quốc, Bloomberg đặt giả định nếu chính phủ nước này kiểm soát tốt đại dịch và tránh được sự đổ vỡ của thị trường bất động sản, thì tăng trưởng kinh tế trong năm nay sẽ ở mức 3,2% và 5,7% trong năm sau. Tình hình sẽ khởi sắc hơn nữa nếu Trung Quốc kết thúc các biện pháp kiểm soát Covid-19.

Tuy nhiên, mọi thứ có thể dễ dàng đi chệch hướng. Nếu nhiều đợt phong tỏa kiểm soát Covid-19 hơn, hoặc bất động sản giảm sâu hơn dự kiến, tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2023 có thể giảm 3,5%.

Bloomberg cho rằng, nếu chỉ xét ở góc độ từng nước, những cú sốc đó cũng đã đủ tồi tệ. Nhưng đây đều là những nền kinh tế lớn, vì vậy, các tác động không chỉ giới hạn trong biên giới của các quốc gia đó. Những cú sốc ở Mỹ, khu vực đồng euro hay Trung Quốc sẽ tác động lan tỏa đến mọi ngóc ngách của đời sống kinh tế thế giới, từ thương mại, tài chính đến giá cả hàng hóa.

Đối với những thị trường mới nổi, vốn dựa vào xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu chính bằng đồng USD, rủi ro từ đồng USD tăng giá cũng làm gia tăng căng thẳng cho các nền kinh tế này.

Bloomberg Economics ước tính, tác động tổng thể nếu mọi thứ diễn ra không như ý muốn cùng lúc sẽ đẩy nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023 rơi vào suy thoái. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ, dưới tác động của việc thắt chặt chính sách của Fed, kinh tế châu Âu suy thoái sâu và kinh tế Trung Quốc giảm tốc có thể rơi xuống âm 1,8% trong năm sau. Khu vực châu Âu giảm 4,1%. Còn kinh tế Trung Quốc khó có thể phục hồi trở lại như kỳ vọng.

Theo Bloomberg