1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Kinh tế Thái Lan “bên miệng vực” suy thoái do bất ổn chính trị

(Dân trí) - Bất ổn về chính trị đang khiến kinh tế Thái Lan giảm tốc mạnh nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á năm 1997-1998, đặt nước này “bên miệng vực” suy thoái.

Quân đội Thái Lan đã ban bố tình trạng thiết quân luật
Quân đội Thái Lan đã ban bố tình trạng thiết quân luật

Khủng hoảng chính trị đã tạo ra vết nứt sâu trong nền kinh tế Thái Lan trong 3 tháng đầu năm, với tổng sản phẩm quốc nội giảm tới 2,1% so với qúy trước.

Trước đó, kết quả một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy, các nhà phân tích chỉ dự báo mức độ sụt giảm trong quý I vào khoảng 1,5%. So với cùng kỳ năm trước, kinh tế Thái Lan tăng trưởng âm 0,6%. Các nhà phân tích nhận định tình hình kinh tế quý II này sẽ tồi tệ không kém do ảnh hưởng của chính trị, đẩy Thái Lan vào nguy cơ suy thoái kinh tế.

Sự tê liệt về chính trị có ảnh hưởng mạnh mẽ lên nền kinh tế khiến Ủy Ban Phát triển Kinh tế và Xã hội quốc gia phải điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay, từ mức 3-4% trước đây xuống còn 1,5 – 2,5 %. Ngân hàng HSBC cũng cho rằng Thái Lan sẽ là đạt mức tăng trưởng thấp nhất ở khu vực Châu Á trong năm nay, xếp sau cả Nhật Bản.

“Hiện chưa có giải pháp rõ ràng nào cho cuộc khủng hoảng chính trị”, ngân hàng HSBC khẳng định trong thông báo gửi tới khách hàng. “Khi những bất ổn hiện tại còn tiếp tục thì triển vọng tăng trưởng sẽ còn cực kỳ mù mịt”.

Dữ liệu của ngân hàng Barclays cho thấy, tiêu dùng cá nhân – một nhân tố chính của cầu kinh tế - ở mức rất yếu trong quý vừa qua, tạo nên sự giảm tốc tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997-1998. Chi đầu tư và chi tiêu chính phủ đều ảm đạm, nhà kinh tế Rahul Bajoria của ngân hàng Barclays cho biết và nhận định điều này có thể bắt nguồn từ bất ổn về chính trị. Ông này cũng dự báo kinh tế Thái Lan chỉ đạt mức tăng trưởng 2%, giảm so với dự báo 3% trước đó được đưa ra trước đó.

Suốt 6 tháng qua, Thái Lan đã bị rung chuyển bởi bất ổn chính trị. Hiện nước này do chính phủ tạm quyền nắm giữ, sau khi cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra nhận phán quyết của tòa vào đầu tháng này với cáo buộc lạm dụng chức vụ.

Mặc dù cuộc bầu cử quốc gia dự kiến vào tháng 7 – nhưng hiện nhiều khả năng là không thể - lãnh đạo phe đối lập đã tạo sức ép buộc chính phủ tạm quyền nhường chỗ, và yêu cầu cải cách bầu cử để giảm bớt ảnh hưởng của ông Thaksin Shinawatra, cựu thủ tướng sống lưu vong và cũng là anh trai của bà Yingluck. Báo chí địa phương cho biết lãnh đạo công đoàn đã kêu gọi công nhân đình công vào cuối tuần này nhằm tạo áp lực chuyển giao quyền lực lên chính phủ.

Thủ tướng lâm thời Niwatthamrong Boonsongpaisan phản đối các kêu gọi từ chức của phe đối lập, sau cuộc họp khẩn cấp với các thành viên thượng viện vào ngày thứ 2 vừa qua.

Do chỉ giữ vai trò tạm quyền nên chính phủ lâm thời không có đủ quyền lực về tài chính để có thể hạn chế sự giảm sút về tăng trưởng, điều này tạo thêm nhiều áp lực lên Ngân hàng Trung ương Thái Lan.

“Niềm tin của khu vực tư nhân có thể ở mức cực kỳ thấp cho tới khi có ít nhất một vài dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng tìm được hướng giải quyết”, một báo cáo của Capital Economics cho thấy. “Chúng ta cũng lo ngại về những thiệt hại lâu dài do khủng hoảng chính trị gây ra. Tình trạng bất ổn liên miên và xáo trộn trong chính phủ trong thập niên qua đã làm cho môi trường đầu tư thêm kém hấp dẫn”.

Trở ngại chính hiện nay là cuộc “so găng” kéo dài giữa những người trung thành với thủ tướng Thaksin – phần lớn là những người nghèo vùng nông thôn được biết tới là phe “Áo đỏ” – và phe ủng hộ hoàng gia hay còn lại là phe “Áo vàng”.

Bất chấp những bất ổn, các nhà đầu tư nhìn chung vẫn không nản lòng, và tập trung vào những ngành có mức lợi nhuận cao của Thái Lan. Từ đầu năm đến nay, chỉ số chứng khoán chính tại Bangkok đã tăng gần 10%.

Thu Hoài
Theo FT
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm