Kinh tế Nga đang tê liệt vì lệnh trừng phạt

(Dân trí) - Các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế nước này và có thể đẩy Moscow vào tình trạng bị cô lập về kinh tế.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Hãng tin CNBC cho biết, trên đây là nhận định mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra. Nhận định này đưa ra trùng khớp với những đánh giá của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina. Tại một hội thảo ngành ngân hàng mới đây, bà Nabiullina nói rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế Nga hiện nay không chỉ đáng thất vọng mà còn đặt nước này vào một tình thế khó khăn.

Thời gian gần đây, kinh tế Nga bắt đầu “ngấm đòn” trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), thể hiện qua việc các nhà đầu tư rút vốn khỏi Nga và tốc độ tăng trưởng kinh tế sa sút.

IMF duy trì dự báo mức tăng trưởng kinh tế Nga trong năm nay là 0,2%, còn mức dự báo mà Ngân hàng Trung ương Nga đưa ra là 0,4%. Hai con số dự báo này thấp hơn mức dự báo tăng từ hơn 0,5-1% được Bộ Kinh tế Nga đưa ra.

“Cho dù cuộc khủng hoảng Ukraine không leo thang, sự bất ổn kéo dài và suy giảm niềm tin có thể dẫn tới giảm tiêu dùng, giảm đầu tư, áp lực tỷ giá gia tăng, và các dòng vốn chảy khỏi nước Nga mạnh hơn dự báo”, IMF đánh giá. “Thêm vào đó, tình trạng này có nguy cơ làm trật hướng chương trình cải cách, đồng thời đẩy nền kinh tế Nga theo hướng tự cung tự cấp thay vì hội nhập với phần còn lại của thế giới”.

Tổng thống Vladimir Putin đã kêu gọi giới lãnh đạo doanh nghiệp Nga rút tài sản về nước và giảm sự phụ thuộc vào thị trường tài chính phương Tây sau khi một loạt quan chức Nga - trong đó có nhiều nhân vật thân cận với ông Putin - trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản và cấm visa.

Tuy nhiên, các biện pháp mà Moscow tung ra nhằm nỗ lực bảo vệ nền kinh tế đã không giúp Nga tránh khỏi việc bị các nhà đầu tư rút 80 tỷ USD tiền vốn khỏi nước này trong 5 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, đồng Rúp mất giá 10% so với đồng USD và lạm phát của Nga tăng vọt.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Nabiullina nói rằng, tăng trưởng kinh tế hiện đang rất chậm chạp, dẫn tới những lo ngại về môi trường đầu tư. “Sự ổn định dài hạn của đồng Rúp chỉ có thể đạt được nếu dòng vốn tháo chạy giảm xuống”, bà Nabiullina phát biểu trong một hội nghị ngân hàng ở St Petersburg hôm 1/7.

Một số quan chức Nga phủ nhận đánh giá cho rằng các lệnh trừng phạt có ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, IMF nói, tác động không hề nhỏ từ các lệnh trừng phạt sẽ làm tổn thương đến nền kinh tế Nga khi mà nền kinh tế này đang trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng với mục tiêu hướng tới là đa dạng hóa để giảm sự phụ thuộc vào dầu lửa.

“Điều này xảy ra vào một thời điểm quan trọng khi mô hình tăng trưởng cũ dựa trên năng lượng và sử dụng công suất dư thừa đã không còn phát huy tác dụng. Nước Nga đang chuyển sang một mô hình tăng trưởng mới dựa trên sự đa dạng hóa đòi hỏi đầu tư mới, bao gồm công nghệ của nước ngoài”, IMF nhận xét.

Ông Antonio Spilimbergo, trưởng phái đoàn IMF tại Nga, khuyến cáo nước này không nên khép mình lại mà nên tiếp tục quá trình hội nhập với thế giới. “Điều rất quan trọng là Nga phải hội nhập hơn nữa với thế giới, cả về tài chính và kinh tế”, ông Spilimbergo nói.

Theo dự báo của IMF, dòng vốn chạy khỏi Nga có thể đạt mức 100 tỷ USD trong năm nay. Tuy vậy, Nga có một thế mạnh là nợ công thấp. Năm ngoái, tỷ lệ nợ công của Nga so với GDP chỉ ở mức khoảng 12%, so với tỷ lệ nợ lên tới hơn 100% ở nhiều nước phát triển như Italy hay Nhật Bản.

IMF khuyến nghị Ngân hàng Trung ương Nga nên tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và cản sự tháo chạy của các dòng vốn. Theo dự báo của tổ chức này, lạm phát của Nga sẽ đạt mức 6,5% vào cuối năm nay, cao hơn nhiều so với mục tiêu 4,5% mà Ngân hàng Trung ương Nga đề ra.

Phương Anh
Theo CNBC

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”