Kinh tế Nga bắt đầu ngấm đòn loạt trừng phạt mới

Nhật Linh

(Dân trí) - Loạt biện pháp trừng phạt mới nhất của phương Tây đối với Nga đã bắt đầu tác động đến nền kinh tế nước này.

Trả lời báo giới ngày 27/12, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, việc G7 và các nước EU, Australia áp giá trần đối với dầu Nga bắt đầu bóp nghẹt nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Nga. Điều này có khả năng đẩy thâm hụt ngân sách của Nga trong năm tới cao hơn dự kiến 2%.

Kinh tế Nga bắt đầu ngấm đòn loạt trừng phạt mới - 1

Cơ chế giá trần đối với dầu Nga bắt đầu bóp nghẹt nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Nga (Ảnh: TASS/Getty).

Trước đó, hãng thông tấn RIA dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, việc dầu thô và dầu tinh chế xuất khẩu của Nga bị áp giá trần có thể buộc Điện Kremlin phải cắt giảm khoảng 5-7% sản lượng trong năm tới. Tuy nhiên, Moscow có thể bù đắp khoản thiếu hụt này bằng cách phát hành trái phiếu trong nước và quỹ phòng hộ khẩn cấp.

Hồi tháng 6, 27 quốc gia thành viên EU cũng đã nhất trí với lệnh cấm mua dầu thô của Nga kể từ ngày 5/12.

Đề cập đến những tác động của các biện pháp trừng phạt mới này, ông Nicholas Farr, nhà kinh tế về các nền kinh tế châu Âu mới nổi tại Capital Economics, cho rằng: "Vẫn còn quá sớm để đánh giá đầy đủ tác động từ cơ chế giá trần của G7 và lệnh cấm nhập khẩu dầu thô Nga từ ngày 5/12. Nhưng những dấu hiệu ban dầu cho thấy nền kinh tế Nga bắt đầu cảm thấy khó khăn".

Theo ông, các dữ liệu cho thấy xuất khẩu dầu của Nga đã giảm mạnh kể từ khi các biện pháp trừng phạt được đưa ra và chênh lệch giữa giá dầu Brent và giá dầu Urals vào tuần trước đã nới rộng lên mức cao nhất trong 6 tháng.

Ông Farr cho rằng điều này sẽ gia tăng tác động đối với nguồn thu năng lượng của Nga, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu toàn cầu giảm trong những tháng gần đây. Dầu Brent đã giảm từ 98 USD/thùng trong tháng 10, xuống 77 USD/thùng vào đầu tháng này và hiện đã phục hồi lên khoảng 84,5 USD/thùng.

Trong khi đó, vào tuần trước, đồng rup đã giảm gần 10% so với đồng USD. Ông Farr cho rằng, hậu quả chính của việc đồng rup yếu hơn là tăng lạm phát do chi phí nhập khẩu cao hơn. Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) cũng cảnh báo, rủi ro lạm phát đang lấn át rủi ro giảm phát.

Theo ông Farr, nếu đồng rup tiếp tục giảm trong năm 2023, CBR có thể sẽ buộc phải tăng lãi suất trở lại để kiểm soát lạm phát và điều này chắc chắn sẽ làm xói mòn nỗ lực hồi phục của Nga trước các lệnh trừng phạt.

"Nga đã được hưởng lợi đáng kể từ việc thúc đẩy các điều kiện thương mại từ giá hàng hóa tăng cao trong năm 2022, nhưng sự hỗ trợ đối với nền kinh tế này dường như đang mờ dần", ông Farr nói và cho rằng nền kinh tế Nga sẽ trải qua một đợt suy giảm khác trong năm 2023. Trong khi đó, doanh thu từ năng lượng sụt giảm đồng nghĩa bảng cân đối kế toán của Nga sẽ căng thẳng.

Các chuyên gia của Capital Economics cho rằng, thặng dư tài khoản vãng lai, từng là sức mạnh trụ cột của nền kinh tế Nga trong năm nay, sẽ nhanh chóng giảm mạnh trong những tháng tới.

Theo CNBC