Kinh tế khó khăn, dân Việt uống rượu bia nhiều hơn?
(Dân trí) - Giữa lúc mỗi tháng có hàng nghìn doanh nghiệp phải đóng cửa, các nhà sản xuất trì trệ do bế tắc thị trường đầu ra thì ngành đồ uống bia - rượu - giải khát vẫn tăng trưởng đột phá. Riêng 6 tháng, ngành nước giải khát đã tăng trưởng 20%.
Việc chuyển giá, trốn thuế của các "ông lớn" FDI trong lĩnh vực đồ uống đang làm khó doanh nghiệp nội.
Theo thông tin được ông, Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) đưa ra tại Hội nghị Thường vụ mở rộng sơ kết 6 tháng đầu năm 2013 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013, trong nửa đầu năm, ngành bia - rượu - giải khát Việt Nam đã đạt chỉ số tăng trưởng 10,5% so với cùng kỳ (7 tháng là 9,1%).
Mức này cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo đó, toàn ngành chỉ tăng 5,7% trong vòng 6 tháng và 7 tháng là 5,8%).
Cụ thể, sản lượng toàn ngành bia trong 6 tháng đạt 1.373,1 triệu lít, bằng 47,3% kế hoạch năm, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái, 7 tháng là 1.603,6 triệu lít, tăng 8,9% so với cùng kỳ.
Trong đó, sản lượng bia của SABECO ước đạt 673,1 triệu lít, tăng 8,8% so với cùng kỳ (7 tháng là 778,8 triệu lít, tăng 8,2%); của HABECO ước đạt 299,8 triệu lít, tăng 13,7% (7 tháng là 373,2 triệu lít, tăng 10,4%); các doanh nghiệp còn lại sản xuất ước đạt 400,2 triệu lít, tăng 11,56% so với cùng kỳ (7 tháng là 478,6 triệu lít, tăng 8,8%).
Riêng hai thương hiệu Bia Hà Nội và Bia Sài Gòn ước đạt 903,2 triệu lít, chiếm 65,8% tổng lượng bia sản xuất toàn ngành và tăng 11% so với cùng kỳ (7 tháng là 1.063,3 triệu lít, chiếm 65,2%, tăng 9,6%).
Nhìn chung, sản lượng vẫn tập trung vào 4 tổng công ty, tập đoàn lớn SABECO, HABECO, Heineken, Carlsberg.
Ngành rượu - nước giải khát tuy có phần khó khăn hơn, tuy nhiên, theo VBA, các doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội vẫn cố gắng đạt kế hoạch đề ra. Sản lượng nước giải khát trong 6 tháng đầu năm tăng cao, đạt 4,2 tỷ lít; mức tăng trưởng của ngành đạt khoảng 20%.
Nhìn chung, với mức tăng trưởng sản xuất bình quân trên 10%/năm, mỗi năm ngành bia - rượu - nước giải khát đóng góp trên 20.000 tỷ đồng cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động trong tất cả các khâu sản xuất, phân phối, cung ứng, vận tải…
Tình hình tăng trưởng tốt của ngành bia - rượu - nước giải khát diễn ra giữa bối cảnh mỗi tháng có hàng nghìn doanh nghiệp phá sản và tạm dừng hoạt động. Chỉ trong nửa đầu năm 2013 đã có 25.000 doanh nghiệp đóng cửa trên cả nước. Nguyên nhân khó khăn của hầu hết các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn và bế tắc đầu ra khiến tồn kho tăng cao, gây nên gánh nặng lãi vay và chi phí ưu kho, rủi ro trong bảo quản sản phẩm.
Mặc dù vậy, một vấn đề mà ngành bia - rượu - nước giải khát đang gặp phải là nguy cơ bị thôn tính. Tại Hội thảo “Cạnh tranh lành mạnh để bảo vệ người tiêu dùng và thương hiệu Việt” diễn ra trước đó, ông Nguyễn Văn Việt từng chỉ ra thực trạng, sự cạnh tranh với bia nhập khẩu, với các nhãn hiệu rượu nhái, rượu kém chất lượng đang có xu hướng gia tăng trên thị trường và chưa có giải pháp xử lý hữu hiệu.
Riêng trong ngành sản xuất nước giải khát, trước sự cạnh tranh của các “đại gia” nước ngoài, hiện nay chỉ có một số ít doanh nghiệp trong nước còn tồn tại, trong đó lớn nhất là Tập đoàn Tân Hiệp Phát bên cạnh hai thương hiệu lớn là Coca Cola và Pepsi. Gần đây nhất, thương hiệu Tribeco cũng rơi vào tay Tập đoàn Uni-President, cổ đông lớn nhất của Tribeco Sài Gòn trước khi giải thể.
Hơn nữa, việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong cùng ngành bằng cách thức chuyển giá, trốn thuế cũng gây nên những khó khăn cho doanh nghiệp trong nước khi cạnh tranh ngay trên "sân nhà".
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đề nghị, trong thời gian tới các doanh nghiệp cũng cần tích cực cung cấp thông tin, số liệu chính xác cho Hiệp hội và đóng góp nguồn kinh phí để phục vụ tốt hơn nữa các hoạt động của VBA; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thương hiệu.
Bích Diệp