Kinh doanh với Trung Quốc: Khi lợi thế trở thành…thất thế!

(Dân trí) - Thương mại Việt - Trung có nhiều thuận lợi khi chung đường biên giới và có lịch sử giao thương lâu đời. Nhưng cũng chính vì vậy, khi những lợi ích cục bộ của doanh nghiệp nảy sinh, mối lợi ích kinh tế mang tầm quốc gia đã bị bóp méo.

Diễn đàn hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây) chiều 10/5 (Ảnh: BD).
Diễn đàn hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây) chiều 10/5 (Ảnh: BD).

Mục tiêu xa về cân bằng lợi ích thương mại

“Những trái dưa hấu mà lúc sớm tinh mơ còn trên đầu ruộng tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam thì buổi tối đã qua các cửa khẩu biên giới Quảng Tây và xuất hiện tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Một hôm sau thì đã đến tay những người dân Hàn Quốc và Nhật Bản. Những trái táo mà hôm qua còn treo đầu cành trong vườn táo Thiểm Tây mà hôm nay đã qua cửa khẩu biên giới đi vào Việt Nam, hai hôm sau lại xuất hiện trên bàn ăn của những người tiêu thụ tại Malaysia và Thái Lan”, ông Vương Nãi Học, Giám đốc Sở Thương mại Quảng Tây, Trung Quốc khái quát một cách hình ảnh về giao thương hai nước tại Diễn đàn thúc đẩy hợp tác toàn diện kinh tế thương mại Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây) tổ chức chiều 10/6/2013.

Trong bất cứ phát biểu nào của quan chức hai nước về mối quan hệ thương mại song phương, mục tiêu cân bằng lợi ích đều được nhấn mạnh. Tuy nhiên, sự cân bằng tuyệt đối dù khó đong đếm và không thể phản ánh được hết qua những con số thống kê, vẫn là một cái đích khó với tới.

Năm năm tới, Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 10.000 tỷ USD hàng hoá, quy mô đầu tư ra nước ngoài dự kiến 500 tỷ USD, số khách du lịch xuất cảnh sẽ vượt quá 400 triệu người. Liệu Việt Nam có kịp nắm bắt thiên thời, sử dụng tốt địa lợi mà ông Trịnh Quân Kiến, Tổng thư ký Hội chợ Trung Quốc - ASEAN đề cập?

Theo số liệu hải quan, tính đến hết tháng 4, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 10,43 tỷ USD (những mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu trên 1 tỷ USD có vải các loại, máy tính – sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại và linh kiện, máy móc – thiết bị phụ tùng). Trong khi đó, chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc 3,88 tỷ USD. Tính ra, trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu 6,55 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc.

Còn nhớ, hồi tháng 5/2011, cũng tại một hội thảo về thương mại Việt Trung, Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Khương Tăng Vĩ từng thể hiện mong muốn Việt Nam có thể áp dụng các biện pháp nhằm cải thiện tình hình mất cân bằng thương mại song phương. Theo đó, Trung Quốc sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến thương mại sang thị trường này với việc tổ chức các hội chợ thương mại, các đoàn khảo sát.

Như vậy, mong muốn giảm khoảng cách chênh lệch không phải chỉ từ phía Việt Nam mà còn từ Trung Quốc. Thế nhưng, vì sao Việt Nam vẫn triền miên nhập siêu từ thị trường này và gần như xoá bỏ mọi “thành tích” xuất siêu ở các thị trường khác trên thế giới?

“Làm sao kiếm lời lớn từ hàng chất lượng!”

Trong khoảng 10 bài phát biểu của các lãnh đạo bộ ngành, đại diện doanh nghiệp tại Diễn đàn hầu hết đều nhắc tới một lợi thế “kinh điển” của hai nước: “núi liền núi, sông liền sông”, đã có một lịch sử lâu năm bền chặt giữa nhân dân hai bên biên giới.

Tuy nhiên, có vẻ như chính lợi thế này, ở một góc độ nào đó lại biến thành bất lợi. Những con số hải quan đã cho thấy quy mô giao thương khổng lồ giữa hai nền kinh tế, nhưng vẫn chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi hầu hết hàng vận chuyển, nhập lậu qua biên giới, tuồn vào mọi ngóc ngách nông thôn và thành thị Việt Nam thì không con số thống kê nào phản ánh nổi.

Tâm lý chung của người tiêu dùng là ham rẻ (Ảnh minh hoạ: BD)
Tâm lý chung của người tiêu dùng là ham rẻ (Ảnh minh hoạ: BD)

Không ngày nào trên các phương tiện truyền thông lại không có các phản ánh về thực phẩm, hàng hoá có chất độc hại tuồn về từ Trung Quốc và người viết cũng dám chắc rằng, không một quan chức nào của Trung Quốc muốn hàng hoá từ nước mình mang một cái mác xấu xí như vậy trong tâm trí người tiêu dùng thế giới.

Một cán bộ thuộc Vụ Thương mại biên giới và Miền núi (Bộ Công thương) nói: Không có một thương vụ kinh doanh nào chỉ xuất phát từ một phía, nguyên tắc là “thuận mua vừa bán”, thế nên doanh nghiệp mình yêu cầu hàng giá 7 đồng, dưới chuẩn chất lượng là 10 đồng thì họ không thể cung cấp hàng 10 đồng được, kể cả họ hoàn toàn sản xuất được hàng 10 đồng đó.

Anh Hưởng, một thương nhân từng nhập khẩu và kinh doanh xe máy Trung Quốc chia sẻ, “Hồi những năm 2000, chúng tôi kinh doanh mặt hàng này và rất phát. Một chiếc xe máy họ sản xuất giá thành 1 triệu đồng, chúng tôi nhập về và bán ra 6 triệu, và giá đó vẫn là rất rẻ với thị trường trong nước”. Anh cũng nói thêm “người Trung Quốc họ rất ‘tài’, họ có thể nhái theo bất cứ thứ hàng nào, từ linh kiện điện tử phức tạp cho đến cả chiếc tăm tre”.

Vị thương nhân đã “giải nghệ” này cũng thú nhận, doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh với doanh nghiệp Trung Quốc, vì họ không những có tay nghề, có kỹ thuật và nhân công đông đảo mà còn có sự tính toán rất sâu xa, đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng có thu nhập thấp. Trong khi đối tác phía Việt Nam lại cần lợi nhuận: “ Những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi nếu lấy hàng chất lượng cao thì về bán cho ai? Loại hàng hoá đó không đem lại nhiều lợi nhuận, siêu lợi nhuận đến từ hàng giả, hàng kém chất lượng”.

“Mặt bằng thu nhập thấp khiến nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam đối với hàng rẻ, chất lượng kém luôn tồn tại, và đó cũng chính là lý do mà nguồn cung từ Trung Quốc đối với các hàng hoá này không ngừng chảy sang. Thay đổi ý thức người tiêu dùng cần quá trình và không thể bắt ép họ trở thành người tiêu dùng thông thái. Cái mà nhà chức trách có thể làm là áp hàng rào kỹ thuật theo đúng những quy tắc của ACFTA và WTO” – TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định.

Cũng theo anh Hưởng, thị trường Trung Quốc tuy rất rộng lớn và màu mỡ, nhưng doanh nghiệp Việt Nam rất khó “tuồn” hàng vào, vì không thể cạnh tranh nổi, thậm chí cả trên sân nhà. “Ít doanh nghiệp Việt Nam có bản sắc. Chúng ta không thể cạnh tranh với họ những mặt hàng họ có cùng lợi thế”.

Năm 2012, người viết từng có dịp trò chuyện với GS Trần Văn Thọ, một trong ba nhà khoa học nước ngoài từng được mời làm thành viên chuyên môn trong Hội đồng Tư vấn Kinh tế của Chính phủ Nhật Bản trong gần 10 năm, qua nhiều đời Thủ tướng Nhật.

GS Thọ, ngoài lưu ý rằng “nhập siêu từ Trung Quốc cao ở mức dị thường, vừa gây bất ổn kinh tế vĩ mô vừa cản trở khả năng chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của Việt Nam”, ông còn đưa ra khuyến cáo: từ tháng 1/2015, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, sản phẩm rẻ từ Trung Quốc chắc chắn sẽ còn tràn ào ạt vào thị trường Việt Nam. Còn tại thời điểm này, các thống kê cho thấy doanh nghiệp Trung Quốc đang chiếm rất nhiều các gói thầu xây dựng và nếu không có các yêu cầu về sử dụng lao động thì Việt Nam sẽ gặp bất lợi.

Bích Diệp