Kinh doanh vàng tài khoản: Không còn xa lạ?
Từ đầu năm 2006, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) và các doanh nghiệp kinh doanh vàng được tham gia hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản (KDVTK) ở nước ngoài. Đến nay nghiệp vụ này đã trở thành công cụ phòng ngừa rủi ro hữu hiệu cho các ngân hàng trong kinh doanh.
KDVTK là hoạt động kinh doanh vàng thông qua tài khoản tại nước ngoài dưới các hình thức giao dịch theo thông lệ quốc tế.
Hình thức kinh doanh này phù hợp với xu hướng quốc tế, làm giảm bớt nhu cầu kinh doanh vàng vật chất và tạo một kênh lưu thông hiệu quả giữa thị trường trong nước và thị trường thế giới, nhất là trong điều kiện nhà nước chỉ cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vàng chứ không cho phép xuất khẩu vàng.
Ở nước ta hiện nay đã có 5 ngân hàng và 3 công ty vàng bạc đá quý được phép triển khai nghiệp vụ này, bao gồm: Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Á Châu (ACB), Phương Đông (OCB) và Việt Á; Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), Công ty Kinh doanh mỹ nghệ vàng bạc đá quý Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM.
Ông Phan Thanh Hải, chuyên viên kinh doanh vàng và ngoại tệ của OCB, cho biết: “Sau hơn hai tháng triển khai nghiệp vụ KDVTK, doanh số mua bán vàng tài khoản của OCB đạt gần 1.000 kg vàng.
OCB đã sử dụng nghiệp vụ này làm công cụ bảo hiểm cho hoạt động kinh doanh vàng, nhờ vậy doanh số mua bán và lợi nhuận tăng lên, giá cả cũng cạnh tranh hơn trước thu hút được một lượng khách hàng đáng kể đến giao dịch với OCB. OCB cũng luôn ý thức nâng cao công tác quản lý rủi ro nhằm đảm bảo cho hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, KDVTK hiện nay cũng gặp phải một số khó khăn do lãi suất đồng USD trên thế giới đã tăng lên rất cao, sau 17 lần tăng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), hiện ở mức 5,25%/năm. Thêm vào đó, số lượng gia công vàng của SJC cho các TCTD cũng giảm lại so với trước kia làm cho khả năng quay vòng vốn chậm hơn.
Hiện KDVTK có ý nghĩa thiết thực với các TCTD nhưng hình thức này lại chưa đến được với người dân do tính thanh khoản kém và rủi ro quá cao.
Nếu một cá nhân mở tài khoản kinh doanh vàng ở ngân hàng, với khoảng cách giá hiện tại 1,5 USD/ounce, cộng phí khoảng 0,40 USD/ounce thì ngay khi thực hiện giao dịch sẽ lỗ 1,90 USD/ounce, nhân ra với lượng giao dịch tối thiểu 5kg (tương đương 160 ounce và tương đương 133 lượng) thì sẽ lỗ 305 USD (gần 5 triệu đồng), đó là chưa kể chi phí vốn và giá chạy ngược, thêm vào đó là rủi ro do kẹt đường dây điện thoại, hết giờ làm việc, hết hạn mức… Vì vậy hiện nay người dân vẫn chuộng giao dịch vàng vật chất hơn.
Theo ông Hải, muốn hình thức KDVTK hấp dẫn người dân hơn thì ngân hàng phải có một hệ thống công nghệ thông tin đủ mạnh để quản lý hồ sơ khách hàng và giao dịch trực tuyến được, số lượng giao dịch tối thiểu và phí giao dịch cũng phải giảm hơn nữa.
Tuy nhiên khi nước ta gia nhập WTO, hy vọng nghiệp vụ KDVTK sẽ có những bước phát triển mới để có thêm sự lựa chọn cho các nhà đầu tư.
Theo Dịu Ngân
Báo SGGP