Kinh doanh trong thế cờ mới: Doanh nghiệp Việt có dám "chơi"?

(Dân trí) - "Không những thế cờ đã thay đổi mà luật chơi cũng đã thay đổi. Những người bất kể là ai trong cuộc chơi cờ cũng phải thay đổi nếu muốn giành chiến thắng", TS Nguyễn Đức Thành nói.

Các chuyên gia, đại diện DN chia sẻ về triển vọng kinh doanh trong thế cờ mới
Các chuyên gia, đại diện DN chia sẻ về triển vọng kinh doanh trong "thế cờ" mới

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Năm 2015 - 2016 được đánh giá là giai đoạn có những thay đổi mang tính chất bước ngoặt với môi trường kinh doanh tại Việt Nam: Cộng đồng kinh tế ASEAN; Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA)…

Bối cảnh này sẽ tác động thế nào đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước? Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì để chuyển dịch đầu tư và kinh doanh sang các thị trường nước ngoài tiềm năng? Chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt ra sao trong giai đoạn đặc biệt này?

Doanh nghiệp đang trong thế cờ mới

Chia sẻ tại Hội thảo “Cơ hội 2015 – 2016: Kinh doanh trong thế cờ thay đổi” diễn ra tuần qua, ông Trần Việt, Trưởng ban thị trường – Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Viantex) nhìn nhận, Việt Nam đang bước vào giao đoạn hậu trung cuộc, làn sóng cuối cùng cho Việt Nam bứt phá.

Theo ông Việt, khi gia nhập TTP, thị trường Mỹ và Nhật Bản sẽ mang lại nhiều lợi thế. Cơ hội cũng sẽ mở ra vô cùng lớn với thị trường EU với FTA giảm thuế. “Việt Nam cần phải tập trung xây dựng chuỗi cung ưng để thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài. Những doanh nghiệp lớn tận dụng phát triển thành chuỗi, doanh nghiệp nhỏ phải đưa mình vào chuỗi lớn hơn, hợp tác với đối tác nước ngoài dựa trên lợi thế so sánh của mình”, ông Việt nói.

Ở một góc nhìn khác, ông Đỗ Long -  Tổng Giám đốc Công ty Bita’s cho biết, trong 2 năm nay, có xu hướng là các luồng doanh nghiệp của các nước không tham gia TTP nhưng đều nhảy vào Việt Nam để tận dụng cơ hội khi khả năng của Việt Nam còn yếu và thiếu. “Ngành dệt nhuộm đang chứng kiến làn sóng đầu tư lớn từ các doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc một mặt mang lại nhiều cơ hội nhưng mặt khác lại gây ảnh hưởng tới môi trường. Đây là câu hỏi lớn đối với chính sách”, ông Long nói.

Đối với riêng lĩnh vực giày dép, ông Long cho biết, doanh nghiệp Việt Nam đã tìm được giải pháp để giảm bớt phụ thuộc vào nguyên liệu Trung Quốc tuy nhiên lại gặp khó trong việc tìm ra cách thức để khách hang thấy giá thành phù hợp với sản phẩm.

 Ông Chu Đức Khải – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội thép Việt Nam cũng chia sẻ về những khó khăn của ngành thép trong giai đoạn hiện tại. Theo ông Khải, ngành thép đang thua kém cả về sức cạnh tranh và năng lực sản xuất với các thị trường như Trung Quốc và Nga.

Chi phí sản xuất 1 tấn phôi của chúng ta gấp 3 lần của Nga - 1 nước có chi phí sản xuất thấp nhất thế giới. Nước Nga, trình độ khoa học công nghệ lớn và sức tiêu thụ thép ở Nga đang ở mức bão hòa. Trong khi đó, Trung Quốc mỗi năm sản xuất 780 triệu tấn, xuất khẩu 60 triệu tấn, có 15 triệu tấn vào ASEAN và trong đó có Việt Nam”, ông Khải nói.

Ông Khải cũng cho biết, trong giai đoạn trước mạnh ngành thép vẫn phải giữ thế “phòng ngự” và mong muốn cơ quan quản lý khi đàm phán các hiệp định thương mại cố gắng theo hướng bảo hộ 5-10 năm nữa các sản phẩm trong nước đang dư thừa. 

Quan trọng là có dám chơi hay không?

Phát biểu tại hội thảo, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương đánh giá, trong thời điểm quá độ như hiện nay, doanh nghiệp muốn vươn lên thì phải đổi mới theo hướng bền vững. Tư tưởng đổi mới tóm gọn lại trong 3 tử “Sáng tạo, xanh và bao trùm” và nếu doanh nghiệp bị tẩy chay bởi những chữ này thì doanh nghiệp cũng sẽ “ra đi”.

Với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do dự kiến ký kết trong năm nay hoặc sang năm, ông Thành cho rằng, doanh nghiệp trong nước cần phải nắm bắt nhanh và đúng thời khắc để không bỏ lỡ mất cơ hội. “Đừng bao giờ nghĩ mình nhỏ! Điều quan trọng không phải là “chơi với ai” mà là “chơi thế nào”. Doanh nghiệp có thể chọn thị trường ngách để phát triển nhưng giá trị mặc cả nhất định phải cao”, vị chuyên gia chia sẻ.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì cho rằng, các doanh nghiệp trong nước nói chung và doanh nghiệp 2 ngành dệt may và thép cần đặt ra câu hỏi về độ sáng tạo kinh khủng của thế giới sẽ tác động đến doanh nghiệp Việt như thế nào và có sãn sang cho bối cảnh phát triển công nghệ mới trong ngành thay vì chọn ưu thế bằng nhân công giá rẻ hay không?

Theo bà Phạm Chi Lan, thế cờ hiện tại đã thay đổi. Trên thực tế một số doanh nghiệp Hoa Kỳ đã chuyển nhà máy từ Trung Quốc trở về Mỹ bởi đã có công nghệ và không cần tận dụng nhân công giá rẻ. “Nếu bối cảnh này xảy ra với Việt Nam thì Việt Nam đã nghĩ tới hay chưa? Một số ngành đang có lợi thế có thể biến mất trong tương lai. Điều này có thể trở thành một sự đổ vỡ lớn nhất cho ngành”, bà Phạm Chi Lan cảnh báo.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách cho rằng, ngoài việc thế cờ thay đổi, luật chơi cũng đang thay đổi. Theo đó, những người bất kể là ai trong cuộc chơi cờ cũng phải thay đổi nếu muốn giành chiến thắng.

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh khẳng định: “Đây là thời điểm để doanh nghiệp nhìn thẳng vào sự thật, nói lên đúng sự thật và có quyết tâm để vươn lên. Hãy đề cao sáng tạo hơn nữa, vứt bỏ những gì được xem là chìa khoá thành công thời gian qua là lợi thế lao động giá rẻ mà dựa vào trình độ nhân công có sức sáng tạo, có trình độ cao”, ông nói.

Phương Dung
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”