Kinh doanh nhỏ TPHCM bế tắc vì cơn lốc chứng khoán

(Dân trí) - Trong cơn lốc chứng khoán cả nước, TPHCM cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Hệ lụy “nhãn tiền” của cơn lốc này là thanh niên - lực lượng lao động chính của xã hội - bỏ việc ôm mộng làm giàu từ chứng khoán. Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh có quy mô nhỏ thực sự gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp mới thành lập… lao đao

Trường hợp của ông Thiên Sanh Đại (dân tộc Chăm ở Ninh Thuận vào TPHCM lập nghiệp), giám đốc công ty TNHH Môtô Đại Nam là một điển hình. Có thể nói rằng ông là nạn nhân đầu tiên phá sản vì cơn lốc chứng khoán.

Công ty Đại Nam lúc mới thành lập có ý tưởng khá tốt. Công ty có chức năng vận chuyển giao nhận thư từ, đưa đón học sinh, người nước ngoài bằng xe gắn máy. Bước đầu làm ăn đã thu hút khá đông khách hàng đến với dịch vụ mới lạ này.

Theo quan sát trong thời gian vừa qua, tại nhiều doanh nghiệp, tình trạng nhân viên bỏ việc để bám “sàn” hoặc dành nhiều thời gian để “tám” chuyện cổ phiếu trong giờ làm việc nhiều hơn là chú tâm vào công việc như trước đã khiến năng suất lao động ở nhiều doanh nghiệp trong 3 tháng đầu năm bị tụt giảm.

Thế nhưng, đang “thuận buồm xuôi gió” thì người bạn thân của ông rút vốn để đầu tư vào cổ phiếu vì thấy những khoản lãi khá hờn so với đầu tư vào một công ty. Từ đó, công ty Đại Nam thực sự gặp khá nhiều khó khăn. Trao đổi với PV với giọng khá trầm lắng, ông Đại cho biết sẽ ngưng một thời gian để đi tìm nhà đầu tư mới.

Tương tự là trường hợp của anh T. (đề nghị giấu tên), giám đốc một công ty Truyền thông ở quận Tân Bình cũng đang rơi vào hoàn cảnh “tiến thoái lượng nan”.

Ban đầu, anh T. cùng 2 người bạn bỏ vốn thành lập công ty với mong muốn tới cùng là sẽ đầu tư phát triển mạnh trong lĩnh vực phim quảng cáo và truyền thông. Thế nhưng, sau thời gian hợp tác với nhau, 2 người bạn kia lặng lẽ rút vốn và chuyển trụ sở lên “sàn” ngồi.

Vậy là sáng sáng họ “cắm” ở khu Nguyễn Công Trứ để nghe ngóng thông tin, tối tối thì la cà ở những quán “cà phê Index”… Không còn cách nào khác, anh T phải tìm cách giải thể công ty trong sự tiếc nuối của bạn bè.

Trong một lần gặp mặt gần đây, T. tâm sự, anh lo lắng nhiều về môi trường kinh doanh cũng như nguồn nhân lực dành cho khu vực doanh nghiệp nhỏ mới thành lập sẽ hết sức khó khăn trong thời gian sắp tới.

Thực tế cho thấy trong thời gian qua, theo một thống kê chưa chính thức của Sở Kế họach và Đầu tư TPHCM thì con số doanh nghiệp phá sản ở các ngành khác ngày càng nhiều so với doanh nghiệp thành lập mới. Trong khi đó, trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán thì đang có phong trào từng nhóm người hùn nhau mở công ty môi giới chứng khoán vì cho rằng nhóm ngành này đang “ăn nên làm ra”!

Cửa hàng nhỏ khó sống

Nếu đi một vòng quanh TPHCM trong thời gian gần đây, rất dễ nhận thấy rất nhiều cửa hàng đang treo bảng sang nhượng hoặc Sale off hết hàng để “dẹp tiệm”. Không những thế, trên trang quảng cáo của nhiều tờ báo lớn của thành phố cũng đầy rẫy những thông tin sang nhượng cửa hàng.

Theo thống kê sơ bộ, loại cửa hàng được sang nhượng nhiều nhất là cửa hàng kinh doanh điện thoại di động, tiếp đó là cửa hàng quà tặng, cửa hàng hoa quả…

Nguyên nhân chủ yếu được xác định có thể là thiếu vốn. Chị Ngọc, chủ cửa hiệu quà tặng Ninagifts cho biết, sau một thời gian kinh doanh, chị đang có ý định đầu tư để phát triển cửa hàng thành công ty chuyên kinh doanh quà tặng. Nhưng khi cầm dự án kinh doanh trong tay đến gõ cửa các ngân hàng xin vay vốn thì hầu hết các ngân hàng không mặn mà cho lắm. Theo chị, có thể do ngân hàng ngại cho những người buôn bán nhỏ vay vì sợ không thu hồi vốn nhanh bằng cho vay chơi chứng khoán.

Không còn cách nào khác, chị chỉ còn biết “liệu cơm gắp mắm” bằng cách tự xoay sở với đồng vốn  ít ỏi của mình. Mới đây, chị Ngọc thông báo sẽ sang nhượng cửa hàng vì không cầm cự nỗi chi phí quá lớn trong khi khách hàng ngày một kén chọn hơn.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ cho rằng thời gian gần đây, sự phát triển quá nóng của thị trường chứng khoán đã làm cho tâm điểm của cả xã hội bị lôi cuốn vào trong đó, và đã khiến cho nhiều doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác khó tiếp cận được với nguồn vốn từ các ngân hàng, cũng như việc kêu gọi các nhà đầu tư chung tay góp sức làm ăn.

An Hòa