Kiều hối về Việt Nam đang chảy vào đâu?

(Dân trí) - 34,5% lượng kiều hối (tiền người Việt ở nước ngoài gửi về Việt Nam) được sử dụng cho chi tiêu hàng ngày, 16% lượng kiều hối được đổ vào phục vụ sản xuất kinh doanh…

Đó là nhận định trong Báo cáo Toàn cảnh kiều hối tại Việt Nam vừa được Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) kết hợp với Western Union đưa ra ngày 17/12.

Kiều hối về Việt Nam đang chảy vào đâu?

Hiện Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất thế giới. (Ảnh: người Việt Nam đi xuất khẩu lao động)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Về lĩnh vực đầu tư, báo cáo chỉ rõ: hiện hơn 30% lượng kiều hối được gửi về Việt Nam trong 3 – 5 năm gần đây được gửi vào ngân hàng để lấy lãi. Gần 30% được đầu tư cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. 20% để tích trữ vàng, hơn 16% đổ vào bất động sản và nhà đất.

Dự báo, năm 2014 kiều hối của cả nước có thể đạt từ 11 - 12 tỷ USD, chiếm khoảng 8% GDP cả nước năm 2014. Năm 2013, lượng kiều hối đổ về Việt Nam cũng đạt con số ấn tượng 11 tỷ USD, và năm 2012 cũng đạt 10 tỷ USD.
 
Theo Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao, năm 2013 Việt Nam có khoảng hơn 5 triệu người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại hơn 104 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Và con số lao động Việt Nam sang làm ăn tại nước ngoài sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới.
 
Mặc dù có những dấu hiệu sáng về mục đích sử dụng kiều hối nhưng báo cáo chỉ ra có 20% kiều hối đổ vào đầu cơ tích trữ vàng cũng là điều đáng quan. Theo một chuyên gia kinh tế độc lập, việc kiều hối đổ vào vàng 20% cho thấy tâm lý người dân vẫn nghe ngóng và niềm tin đầu tư dân doanh vẫn chưa hồi phục. Chính vì vậy, cần kêu gọi người dân đẩy mạnh vốn vào sản xuất, kinh doanh, thậm chí gửi ngân hàng cũng cần được tính đến. “Tôi ví đơn cử, nếu kiều hối năm nay là 12 tỷ USD, thì 20% được tích trữ vào vàng, người Việt sẽ “cất hòm” đi 2,4 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu so sánh giá vàng bán ra và mua vào từ đầu năm đến nay, người mua vàng đang được hưởng lợi rất ít. Trong khi nền kinh tế đang thiếu vốn, nhất là vay chăn nuôi và nông nghiệp”.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện CIEM cho biết: “Kiều hối bổ sung đáng kể vào dự trữ ngoại tệ cho Việt Nam. Ngoài ra, kiều hối còn đóng góp lớn cho đầu tư và trở thành nguồn lực quan trọng của đất nước trong thời gian qua. Lợi thế lớn nhất của kiều hối hiện nay là không tiềm ẩn rủi ro như vốn FDI, ODA, những dòng vốn mà có thể đem đến như phụ thuộc chủ quyền hoặc các can thiệp mang động cơ chính trị của các nhà tài trợ. Kiều hối về ta và do người dân làm chủ đầu tư”.

Hiện, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia nhận được lượng kiều hối nhiều nhất thế giới. Kiều hối từ Hoa Kỳ chuyển về Việt Nam chiếm nhiều nhất với khoảng 57% tổng số lượng kiều hối, tiếp sau đó là Canada, Đức, Campuchia và Pháp.

Báo cáo “Toàn cảnh kiều hối tại Việt Nam” được nghiên cứu thực hiện trong 3 tháng từ 9 – 11/2014 tại 7 tỉnh và thành phố lớn của cả nước là Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Nghệ An và một số tỉnh Đông Nam Bộ.

Nguyễn Tuyền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm