DNews

Kiến tạo động lực mới: Đầu tư cho đổi mới sáng tạo

Mộc An

(Dân trí) - Hiện nay, Việt Nam đang cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nhanh và bền vững.

Kiến tạo động lực mới: Đầu tư cho đổi mới sáng tạo

Kiến tạo động lực tăng trưởng mới là yêu cầu cấp thiết

Trong một bài viết gần đây gửi tới báo Dân trí, giáo sư Nguyễn Đức Khương - Giám đốc Trường kinh doanh Leonard de Vinci (EMLV Business School) Pháp; Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) - cho biết, mô hình kinh tế Việt Nam hiện nay vận hành theo 3 động lực chính gồm đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Kinh tế Việt Nam hiện là một nền kinh tế mở, dựa trên xuất nhập khẩu, có mức độ phụ thuộc cao vào các yếu tố bên ngoài. Tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu trong thời gian dài là động lực tăng trưởng kinh tế.

Số liệu tổng hợp từ Tổng cục thống kê cho thấy, giai đoạn 2012-2019, sau khi chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu hàng hóa, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam duy trì ổn định từ năm ở mức 5-7%.

Việc phụ thuộc vào nhu cầu và biến động các yếu tố sản xuất đầu vào trên thị trường thế giới, những diễn biến địa chính trị khu vực và toàn cầu cũng đã bộc lộ mặt bất lợi khi tác động lớn vào tăng trưởng kinh tế.

Năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện, tăng trưởng GDP giảm về mức 2,91%. Đây là mức thấp nhất trong suốt quá trình đổi mới của Việt Nam. Năm 2021, tăng trưởng GDP cũng đạt mức 2,58%.

Số liệu mới nhất của Tổng cục thống kê cho biết năm 2023 Việt Nam ghi nhận kỷ lục xuất siêu lên tới 28 tỷ USD. Tuy nhiên tăng trưởng GDP năm nay đạt 5,05%, thấp hơn mức 8,02% của năm 2022.

Kiến tạo động lực mới: Đầu tư cho đổi mới sáng tạo - 1

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu (Đồ họa: Mộc An)

Mặc dù liên tục ghi nhận kỷ lục về giá trị xuất siêu hàng hóa nhưng nhiều chuyên gia cho rằng cần xem xét kỹ hơn đến hàm lượng giá trị giá tăng của những mặt hàng xuất khẩu.

Giáo sư Nguyễn Đức Khương cho biết, ngoại trừ một số mặt hàng xuất khẩu từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học công nghệ trong các sản phẩm của Việt Nam còn thấp, nhiều mặt hàng gia công còn xa các tiêu chuẩn cam kết về biến đổi khí hậu.

Chính vì vậy, đổi mới mô hình tăng trưởng trở thành yêu cầu cấp thiết. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định "Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh", "Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số". 

Trong Lễ khai khóa của Đại học Quốc gia TPHCM hồi tháng 11, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng từng nhấn mạnh kiến tạo động lực tăng trưởng mới là yêu cầu cấp thiết. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo "không giới hạn" cùng nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là động lực tăng trưởng mới.

Nỗ lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Trong sự kiện công bố top 50 doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2023 hồi tháng 6, PGS.TS Vũ Minh Khương, Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học quốc gia Singapore cho biết đổi mới sáng tạo không chỉ là chuyện của tương lai mà còn là vấn đề sống còn của đất nước. Nếu không đổi mới sáng tạo thì Việt Nam sẽ không thể phát triển được.

Trong bài tham luận của mình, PGS.TS Vũ Minh Khương cho rằng muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Chính phủ và doanh nghiệp đều phải nhìn vào những yếu tố gốc rễ. 3 trụ cột cần làm rõ với việc đổi mới sáng tạo gồm hiệu quả, hiệu lực và hiệu năng thích ứng với thay đổi và biến động.

Ở phạm vi vĩ mô, ông Khương cho rằng Nhà nước cần kiến tạo môi trường đổi mới sáng tạo từ hỗ trợ về tài chính công nghệ đến quy chế, thể chế, định chế, tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện thuận lợi về tuyển dụng nhân tài.

Trên thực tế, Việt Nam đã có những định hướng, mục tiêu và hành động cụ thể, nhất quán xây dựng những nền tảng quan trọng đổi mới sáng tạo.

Tại tọa đàm "Sự sẵn sàng cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu tóm tắt 6 điều mà Việt Nam đã và đang thực hiện nhằm thúc đẩy đối mới sáng tạo, đặc biệt trong ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao như công nghiệp bán dẫn.

Thứ nhất, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu đến năm 2030 sẽ đạt 30.000 kỹ sư ngành bán dẫn.

Thứ 2, tháng 11 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép Chính phủ xây dựng một Nghị định thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư cho một số dự án công nghệ cao, trong đó có các dự án trong ngành công nghiệp bán dẫn, dự kiến sẽ sớm ban hành vào giữa năm 2024.

Thứ 3, Việt Nam thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC). Đây là cơ quan của quốc gia thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn. 

Thứ 4, quy hoạch điện 8 cũng đã được Chính phủ đã phê duyệt, đảm bảo ưu tiên cung cấp điện ổn định cho các dự án đầu tư và hướng tới đảm bảo năng lượng bền vững. 

Thứ 5, hệ thống giao thông như đường cao tốc, cảng hàng không quốc tế đã dần hoàn thiện và đồng bộ. 

Thứ 6, Việt Nam có 3 khu công nghệ cao tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM với cơ chế, chính sách đặc biệt thuận lợi và ưu đãi dành cho doanh nghiệp công nghệ cao.

Trong năm 2023, nhiều tập đoàn toàn cầu như Boeing, Walmart, Apple, Qualcomm, Nike, Morgan Stanley, Intel, GE, Google, Nvidia,... đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư, sản xuất.

Kiến tạo động lực mới: Đầu tư cho đổi mới sáng tạo - 2

Chủ tịch Tập đoàn Nvidia đến thăm Việt Nam (Ảnh: Phương Liên).

Ở góc độ vi mô, các doanh nghiệp cũng cần thấy tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo. Đổi mới sáng tạo không chỉ giúp doanh nghiệp đạt hiệu quả về dòng tiền, doanh thu mà còn mang lại khả năng thích ứng, thích nghi trước bối cảnh môi trường kinh doanh biến động.

Kết quả khảo sát nhanh của Công ty cổ phần Nghiên cứu kinh doanh Việt Nam (Viet Research) cho thấy có đến 84% doanh nghiệp nhận định đổi mới sáng tạo là chìa khóa quan trọng đối với tăng trưởng trong thời gian tới trong đó phần lớn các doanh nghiệp tập trung vào đổi mới, cải tiến sản phẩm dịch vụ và quy trình. 70% các doanh nghiệp trong khảo sát cũng cho biết dự kiến tăng ngân sách cho đổi mới sáng tạo trong ít nhất 2 năm tới.

Một động lực quan trọng khác để thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam chính là phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Trong những năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã và đang có xu hướng phát triển tích cực.

Hiện nay, Việt Nam có trên 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp; trên 140 trường đại học, viện nghiên cứu tổ chức hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các vườn ươm, trung tâm, câu lạc bộ hỗ trợ khởi nghiệp. TPHCM đứng trong nhóm 81-90 thuộc nhóm 100 thị trường startup mới nổi của toàn cầu.

Hồi tháng 9, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index 2023 - GII) năm 2023. Theo đó, Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua.

Báo cáo GII 2023 cho thấy, Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào Đổi mới sáng tạo khi tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57. Đầu vào Đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột: Thể chế, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường; Trình độ phát triển của doanh nghiệp.

Kiến tạo động lực mới: Đầu tư cho đổi mới sáng tạo - 3

Xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam trên thế giới liên tục cải thiện (Nguồn: Bộ Khoa học và Công nghệ ).

Trong đó đáng chú ý nhất là đầu vào về thể chế cải thiện mạnh từ vị trí xếp hạng 87 vào năm 2017 lên vị trí 48 vào năm 2023. Trình độ phát triển của doanh nghiệp cũng tăng từ vị trí 73 lên 49.

Đầu ra Đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40. Đầu ra Đổi mới sáng tạo gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ, Sản phẩm sáng tạo.