Kiến nghị tăng quy mô tín dụng chính sách xã hội gấp đôi, gấp rưỡi

Thảo Thu

(Dân trí) - Việc triển khai tín dụng hỗ trợ người nghèo đạt được nhiều thành tựu sau gần 30 năm, song vẫn còn thực trạng người dân chưa tiếp cận được vốn chính thống, phải vay "nóng".

Ngày 16/8, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia "Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội".

Vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 325.000 tỷ đồng

Tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh - nhấn mạnh nguồn vốn tín dụng chính sách đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nổi bật nhất, theo ông, là việc đưa tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam từ mức gần 60% trong những năm 1990 xuống còn 4,3% năm 2022.

Ông Đỗ Ngọc An - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương - chỉ ra yếu tố quan trọng giúp tín dụng chính sách xã hội phát huy hiệu quả mạnh mẽ trong những năm qua là việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 năm 2014 về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Kết quả, đến hết tháng 7, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt gần 325.000 tỷ đồng, tăng hơn 190.000 tỷ đồng, tức gấp 2,4 lần so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,4%.

Kiến nghị tăng quy mô tín dụng chính sách xã hội gấp đôi, gấp rưỡi - 1

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân (Ảnh: Mạnh Quân).

Trong đó, ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội đến nay đạt gần 35.000 tỷ đồng, tăng 30.863 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40.

"Hiện nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay", Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng thông tin.

Ông Hầu A Lềnh - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc - cho biết người dân tộc thiểu số chỉ chiếm 4,7% dân số, nhưng sống tại 3/4 diện tích cả nước và chiếm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 60% cả nước. Đây là đối tượng quan trọng của chính sách tín dụng. Gần 30 năm qua, người dân tộc thiểu số đã được hưởng thụ chính sách tín dụng hỗ trợ giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội.

"Đặc biệt, việc thiết kế chính sách hỗ trợ tín dụng ở từng giai đoạn đã giúp thay đổi về tư duy, nhận thức, ý chí sự vươn lên của đồng bào. Có 20 chính sách liên quan tín dụng đang áp dụng lên người dân tộc thiểu số, tác động trực tiếp, từng ngày từng giờ, giúp phát triển kinh tế, tăng lao động việc làm, cải thiện cuộc sống", ông nói và nhấn mạnh việc cơ cấu chính sách tín dụng cho người dân tộc thiểu số trong tổng nguồn vốn ngày càng tăng.

Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là gần 109.000 tỷ đồng, chiếm 35,7% tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng.

Dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số trên 75.000 tỷ đồng, chiếm 24,7% tổng dư nợ với trên 1,4 triệu khách hàng.

Cần tăng quy mô vốn tín dụng, mở rộng đối tượng hỗ trợ

Ghi nhận những thành tựu mà Ngân hàng Chính sách xã hội đạt được, ông Nguyễn Văn Hồi - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - nhấn mạnh việc triển khai tín dụng cho người nghèo đã thực hiện được gần 30 năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.

Đáng ghi nhận nhất là việc vốn tín dụng chính sách xã hội tăng từ 5.000 tỷ đồng lên trên 300.000 tỷ đồng, đóng góp lớn cho nền kinh tế.

Kiến nghị tăng quy mô tín dụng chính sách xã hội gấp đôi, gấp rưỡi - 2

Cần tăng quy mô vốn tín dụng chính sách xã hội trong 5-10 năm tới (Ảnh: Mạnh Quân).

Tuy nhiên, quy mô của tín dụng cũng chưa đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Trung ương về chính sách xã hội, nhiều người dân chưa tiếp cận được vốn chính thống, phải vay "nóng". "Cần tăng quy mô vốn tín dụng gấp đôi, thậm chí gấp rưỡi trong 5-10 năm tới", Thứ trưởng Hồi đưa ra đề xuất.

Ngoài ra, theo ông, định mức vốn tín dụng cần nâng lên và thời gian vay dài hơn sẽ giúp được nhiều người hơn. Thứ trưởng cũng cho rằng cần mở rộng đối tượng không chỉ người nghèo mà sang cả nhóm người có thu nhập thấp hay các hộ gia đình. Hiện cả nước có hơn 20 triệu hộ gia đình, trong đó 10-20% thuộc đối tượng khó khăn, nhu cầu vay vốn lớn.

Lắng nghe ý kiến của các diễn giả và chuyên gia, tại hội thảo, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đồng tình với việc cần tăng quy mô, mở rộng đối tượng vay vốn không chỉ với người nghèo mà cả người thu nhập thấp. Ông Tú cũng cho rằng Nhà nước cần có thêm nguồn lực, nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Phát biểu bế mạc hội thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh tín dụng chính sách xã hội đã trở thành một trụ cột quan trọng, một điểm sáng trong hệ thống chính sách giảm nghèo.

Bà cho biết sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển ổn định, bền vững, đảm bảo đủ năng lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội hiệu quả hơn.