1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Kiến nghị lập bệnh viện dã chiến trong khu công nghiệp TPHCM

Việt Đức

(Dân trí) - Từ kinh nghiệm của tỉnh Tây Ninh, Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM đề xuất xây dựng bệnh viện dã chiến ngay trong khu công nghiệp, khu chế xuất để chủ động phòng chống dịch.

Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TPHCM (HBA) Nguyễn Văn Bé vừa gửi văn bản đến các cơ quan chức năng kiến nghị nhiều giải pháp để tháo gỡ vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, Khu Công nghệ cao TPHCM.

Đặc biệt, HBA đề xuất thành phố cho phép xây dựng bệnh viện dã chiến tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đủ điều kiện để chủ động phòng chống dịch.

Cụ thể, hiệp hội này cho biết hiện nay công ty Sepzone Linh Trung đang cùng một số nhà đầu tư đề nghị Ban Quản lý các Khu công nghiệp, khu chế xuất TPHCM (HEPZA) cho phép xây dựng bệnh viện dã chiến tại khu chế xuất Linh Trung 2 (TP Thủ Đức) với nhà xưởng có sẵn 1.800 m2.

HBA cho biết trong thực tế, UBND tỉnh Tây Ninh đang cho phép triển khai mô hình bệnh viện dã chiến trong khu công nghiệp Thành Thành Công quy mô 600 giường và ở khu công nghiệp Phước Đông quy mô 500 giường. 

Kiến nghị lập bệnh viện dã chiến trong khu công nghiệp TPHCM - 1

HBA mong muốn có thêm bệnh viện dã chiến ngay trong khu công nghiệp, khu chế xuất tại TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Đồng thời, HBA kiến nghị thành phố tiếp tục ưu tiên chích ngừa vắc xin cho người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, Khu công nghệ cao TPHCM. Theo thống kê của hiệp hội, có 2.901 công nhân đang thực hiện "3 tại chỗ" trong Khu công nghệ cao chưa được tiêm vắc xin mũi đầu tiên.

HBA cũng kiến nghị cần ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân viên làm việc tại Khu công nghiệp Cát Lái, cảng Cát Lái. Đây là nhóm lao động trong lĩnh vực kho vận, nằm ở tuyến đầu xuất nhập khẩu hàng hóa như tài xế xe tải, tài xế container, bốc xếp, kiểm hàng.

Ngoài ra, hiệp hội cũng mong muốn có thêm các giải pháp giảm gánh nặng cho nhà máy, doanh nghiệp đang gồng mình vừa sản xuất, vừa chống dịch. Các biện pháp cần thiết theo HBA gồm giảm lãi suất cho vay trên tất cả dư nợ của doanh nghiệp, miễn giảm thuế, phí các loại, giám giá điện nước. 

Ông Bé khẳng định dù gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp vẫn quyết tâm thực hiện "3 tại chỗ", không để nhà máy đóng cửa. Một khi dừng sản xuất, doanh nghiệp sẽ đối diện nhiều vấn đề như cơ hội phục hồi sau này rất khó, không lấy lại được các đơn hàng đã dịch chuyển sang nước khác sau khi Covid-19 qua đi, hàng nghìn công nhân không có việc làm có thể làm phát sinh các vấn đề xã hội.

"Chúng tôi vẫn hết sức quan tâm về kịch bản, kế hoạch phục hồi kinh tế thời hậu Covid-19, trong đó có phần hỗ trợ các khoản vay mới cho doanh nghiệp nhằm tái sản xuất, kinh doanh, đầu tư. Chúng tôi sẽ chủ động, nỗ lực hơn nữa và mong tiếp tục nhận được sự đồng hành của chính quyền các cấp và nhân dân", Chủ tịch HBA Nguyễn Văn Bé nêu trong văn bản.