1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vấn đề kinh tế "nóng" trong tuần:

Kiểm tra đột xuất trạm Dầu Giây và câu chuyện hách dịch, cửa quyền

(Dân trí) - Tổng cục Đường bộ kiểm tra đột xuất trạm thu phí Dầu Giây để làm rõ những nghi ngờ tiền thu phí bị thất thoát – thông tin này được nhiều độc giả quan tâm trong tuần qua. Bên cạnh đó, phát biểu của Thủ tướng: “nói vì dân nhưng hách dịch, cửa quyền quan liêu thì làm sao vì dân được?” cũng gây chú ý với công luận.

Thủ tướng: Nói vì dân nhưng hách dịch, cửa quyền thì sao vì dân được?

Kiểm tra đột xuất trạm Dầu Giây và câu chuyện hách dịch, cửa quyền - 1

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư sáng ngày 19/2

 

“Chúng ta hay nói vì dân nhưng hách dịch, cửa quyền quan liêu thì làm sao vì dân được?”. Đây là chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại Hà Nội sáng 19/2.

Ông cho biết, thời gian dài qua, Chính phủ hướng về người dân, lo cho dân, liêm chính trong hành động. Một vụ việc điển hình như Cà phê Xin chào, Chính phủ bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, để DN yên tâm đầu tư làm ăn, phát triển ổn định.

Năm 2019 nền kinh tế Việt Nam nhấn mạnh vào nhiệm vụ “bứt phá”, Bộ KH&ĐT phải đứng đầu, thể chế phải là đột phá trong các đột phá để tạo bước phát triển.

“Tại sao người ta khởi nghiệp phải sang Singapore? Khởi nghiệp phải mạnh mẽ hơn ở Việt Nam nên bắt nguồn từ đâu? Cơ chế, thể chế nào thúc đẩy khởi nghiệp ở Việt Nam?”, Thủ tướng nói.

Kiểm tra đột xuất trạm Dầu Giây làm rõ nghi vấn thất thoát phí cao tốc

Kiểm tra đột xuất trạm Dầu Giây và câu chuyện hách dịch, cửa quyền - 2

Cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

Ngày 18/2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra đột xuất trạm thu phí Dầu Giây thuộc cao tốc TPHCM Long Thành - Dầu Giây để làm rõ những nghi ngờ tiền thu phí bị thất thoát. Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an phối hợp trong lần kiểm tra này.

Việc kiểm tra đột xuất liên quan tới vụ cướp với số tiền 2,2 tỷ đồng tại trạm thu phí Dầu Giây (Đồng Nai) do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý xảy ra ngày mùng 3 Tết vừa qua, gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận về thiếu minh bạch trong doanh thu.

Thời gian thực hiện kiểm tra đột xuất kéo dài trong 5 ngày, bắt đầu từ ngày 18/2 đến 22/2. Phạm vi kiểm tra gồm: Công tác tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ Dầu Giây. Thành viên đoàn kiểm tra của Tổng cục bao gồm các vụ chức năng như: Pháp chế - Thanh tra, Tài chính, Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế.

Gần 5.100 tỷ đồng của TISCO “chôn” trong đại dự án “đắp chiếu”

Kiểm tra đột xuất trạm Dầu Giây và câu chuyện hách dịch, cửa quyền - 3

Khung cảnh hoang tàn của đại dự án quy mô hơn 8.000 tỷ đồng, nay chỉ là những đống sắt gỉ (ảnh: Báo Thái Nguyên)

 

Kết luận của Thanh tra Chính phủ về dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Gang thép Thái Nguyên – 1 trong 12 đại dự án thua lỗ nghìn tỷ, cho hay, từ giữa tháng 11/2017, cơ quan này đã chuyển hồ sơ, tài liệu 4 vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự cho Cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công an. Có 3 trong 4 vụ việc nói trên liên quan đến Tổng giám đốc TISCO và một số cán bộ công ty này.

Dự án này có tổng mức đầu tư ban đầu 4.261 tỷ đồng, sau đó được điều chỉnh tăng gần gấp đôi lên 8.104 tỷ đồng. Theo số liệu tại Báo cáo tài chính vừa được TIS công bố, trong năm 2018, công ty này đã tiếp tục đổ thêm 241,67 tỷ đồng cho Công trình cải tạo giai đoạn II.

Tổng giá trị xây dựng cơ bản dở dang của TIS tại “đại dự án đắp chiếu” này đến cuối năm 2018 lên tới 5.092,68 tỷ đồng, chiếm tới hơn 99,7% tổng số chi phí xây dựng cơ bản dở dang của TIS.

Trong khi đó, TISCO lại vừa báo lỗ 19 tỷ đồng trong quý IV/2018; lợi nhuận sau thuế cả năm 2018 giảm mạnh 71% so với 2017, chỉ đạt gần 28 tỷ đồng, vỡ kế hoạch năm.

Huỷ 2 văn bản trong vụ bán cảng Quy Nhơn

Kiểm tra đột xuất trạm Dầu Giây và câu chuyện hách dịch, cửa quyền - 4

Hoạt động bên trong cảng Quy Nhơn

Ngày 20/2, nguồn tin của báo Dân trí cho biết, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) về việc hủy bỏ 2 văn bản hành chính do cơ quan này ban hành. Văn bản do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông ký, ngày 15/1.

Cụ thể đó là văn bản 16937/BGTVT-QLDN ngày 27/12/2014 về chuyển nhượng 26,01% cổ phần và văn bản số 6327/BGTVT-QLDN ngày 20/5/2015 về chuyển nhượng 49% cổ phần vốn sở hữu nhà nước (Vinalines đại diện phần vốn) tại Công ty CP Cảng Quy Nhơn cho Công ty CP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (ở Hà Nội) theo phương thức thỏa thuận trực tiếp.

Được biết, việc hủy bỏ 2 văn bản này được thực hiện theo Kết luận số 1566/KL-TTCP ngày 17/9/2018 của Thanh tra Chính phủ về kết luận thanh tra việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.

Chuyên gia Phạm Chi Lan: Tránh thống kê “kinh tế ngầm” đổi lấy % GDP hay nới trần nợ công

Kiểm tra đột xuất trạm Dầu Giây và câu chuyện hách dịch, cửa quyền - 5

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của cố Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, nguyên Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

 

Sau khi Chính phủ lập đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát thường được gọi tắt là "kinh tế ngầm", khu vực kinh tế phi chính thức, giới chuyên gia tán đồng và có nhiều kỳ vọng vào mục tiêu, cách thức triển khai.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Đã đến lúc thừa nhận kinh tế phi chính thức và có thước đo, chính sách phát triển cho họ.

Bà cũng góp ý, trong tư duy thống kê kinh tế ngầm phải tránh được việc đo lường kinh tế ngầm để GDP cao hơn, từ đó chi tiêu lãng phí, tận thu người dân lãng phí như tận thu cả xe ôm, trà đá… cũng như việc điều tra GDP tăng thêm điểm phần trăm nào đó lại nới thêm nợ công của Việt Nam ra, khiến cả xã hội gánh trả gánh thêm là không nên.

Mai Chi (tổng hợp)

Kiểm tra đột xuất trạm Dầu Giây và câu chuyện hách dịch, cửa quyền - 6

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm