Kiểm toán ngành y tế Thái Nguyên: Hàng loạt trang thiết bị, máy móc tiền tỷ mua về "bỏ không"
(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước chỉ ra tại Thái Nguyên, còn tình trạng thiết bị y tế đã mua chưa đưa vào sử dụng, trong đó trang thiết bị y tế đã mua cấp phát một số đơn vị, trạm y tế xã, phường, thị trấn nhưng chưa sử dụng được hoặc có sử dụng thì hạn chế.
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa hoàn tất báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương năm 2017, Chuyên đề công tác mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế và hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản ngành Y tế giai đoạn 2015-2017 tại tỉnh Thái Nguyên.
Tại báo cáo, Kiểm toán Nhà nước ghi nhận sự nỗ lực của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành y tế để đạt được rất nhiều kết quả trong sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn, khu vực.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra hạn chế, 100% gói thầu mua sắm thiết bị y tế tại các đơn vị ký hợp đồng thoả thuận thời gian bảo hành thiết bị gói thầu chỉ quy định là 12 tháng kể từ ngày bàn giao, đưa vào sử dụng mà không được nhà thầu cung cấp thông tin về thời gian bảo hành thiết bị của nhà sản xuất là chưa đúng quy định.
Đáng lưu ý, còn tình trạng trang thiết bị y tế đã mua chưa đưa vào sử dụng, trong đó trang thiết bị y tế đã mua cấp phát một số đơn vị, trạm y tế xã, phường, thị trấn nhưng chưa sử dụng được (hoặc có sử dụng thì hạn chế) do công tác đào tạo chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chưa đồng bộ với quy định điều kiện sử dụng.
Cụ thể, theo Kiểm toán Nhà nước, trung tâm y tế thành phố Thái Nguyên được cấp 43 máy thiết bị, với tổng giá trị gần 9,5 tỷ đồng; trung tâm y huyện Phú Lương có 3 trang thiết bị với tổng giá trị hơn 1,1 tỷ đồng ít sử dụng; trung tâm y tế thị xã Phổ Yên có 3 trang thiết bị với tổng giá trị hơn 1,1 tỷ đồng cũng ít sử dụng.
Bên cạnh đó, còn tình trạng thiết bị y tế đã mua chậm đưa vào sử dụng, khai thác chưa đủ công suất thiết kế do trang thiết bị hư hỏng chưa được sửa chữa kịp thời, không có linh kiện thay thế hoặc đang chờ sửa chữa.
Trong đó, bệnh viện A có 17 máy thiết bị hư hỏng 1-3 năm với giá trị gần 3,7 tỷ đồng do không có linh kiện thay thế đang chờ thanh lý; Bệnh viện C có 4 máy thiết bị hơn 5,5 tỷ đồng đang chờ sửa chữa nên không sử dụng; Bệnh viện Gang Thép có 16 máy thiết bị hư hỏng 1-3 năm trị giá gần 6,7 tỷ đồng do không có linh kiện thay thế đang chờ thanh lý.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra còn tình trạng trang thiết bị mua về nhưng công tác đăng ký, cấp phép đưa vào sử dụng trễ thời gian. Trong đó: Bệnh viện C có 9 thiết bị hơn 8,4 tỷ đồng chưa sử dụng cho bệnh nhân bảo hiểm y tế do chưa được cơ quan Bảo hiểm Xã hội chấp nhận thanh toán;
Bệnh viện Gang Thép có 2 thiết bị giá gần 8 tỷ đồng mua từ năm 2016 nhưng chưa sử dụng cho bệnh nhân bảo hiểm y tế cũng do chưa được cơ quan Bảo hiểm Xã hội chấp nhận; Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Hỷ có 10 máy thiết bị trị giá hơn 11 tỷ đồng từ năm 2017 nhưng đến tháng 8/2018 mới đưa vào sử dụng vì đơn vị phải hoàn thiện hồ sơ đề nghị Sở y tế duyệt danh mục thiết bị thuộc tuyến…
Một hạn chế cần khắc phục cũng được Kiểm toán Nhà nước nêu là công tác mua sắm, quản lý thuốc, vật tư y tế năm 2017 còn chậm, không kịp thời gian. Từ khi gửi hồ sơ trình duyệt thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu đến khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu kéo dài 12 tháng dẫn đến kế hoạch mua thuốc không thực hiện được.
Việc thanh toán phí dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa cơ quan Bảo hiểm Xã hội và các bệnh viện còn nhiều bất cập, số tiền phí dịch vụ đã thực hiện chưa thống nhất giữa 2 cơ quan gây ảnh hưởng khó khăn kinh phí hoạt động của các bệnh viện.
Nguyên nhân được chỉ ra là do vượt quỹ khám chữa bệnh ban đầu, vượt trần thanh toán, chưa thống nhất hai bên, vật tư y tế xuất sử dụng không đủ theo định mức quy định, giao kế hoạch giường bệnh không sát với nhu cầu thực tế cũng như quy mô khám chữa bệnh thực tế...
Phương Dung