DNews

Kiếm tiền để tích cóp mua nhà hay hưởng thụ khi mà "đời chỉ sống 1 lần"?

Thảo Thu

(Dân trí) - 23 năm tích lũy người Việt mới mua được nhà là con số đang gây ra những quan điểm trái chiều. Không ít người trẻ băn khoăn nên kiếm tiền để chăm chăm mua nhà, cất tiền đi hay để hưởng thụ cuộc sống.

Kiếm tiền để tích cóp mua nhà hay hưởng thụ khi mà "đời chỉ sống 1 lần"?

Câu chuyện sống tiết kiệm hay sống hết mình khi còn trẻ là một chủ đề được rất nhiều gen Z quan tâm.

Thực tế, ai cũng hiểu câu chuyện tiết kiệm càng sớm càng giúp người trẻ quản lý chi tiêu, thu nhập tốt hơn và giúp có khoản tiền dự phòng dùng để xử lý những tình huống bất ngờ trong cuộc sống như bệnh tật, mất việc… Việc tạo thói quen tiết kiệm từ sớm còn giúp người trẻ sớm thực hiện hóa các kế hoạch của tương lai.

Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến cho rằng tuổi trẻ chỉ sống một lần. Nhiều người trẻ cũng chọn tận hưởng và trải nghiệm cuộc sống.

Vậy có hay không có cách để có thể vừa kiểm soát việc chi tiêu tiền kiếm được, tìm cách dành ra khoản tích lũy và vừa tăng chất lượng sống? Chuyên gia tài chính Trần Nhật Nam sẽ đưa ra góc nhìn về 2 lựa chọn sống tiết kiệm và hưởng thụ của người trẻ.

Chọn hưởng thụ hay tiết kiệm: Được gì và mất gì?

Gần đây, trên mạng diễn ra tranh luận quanh con số trung bình để tích lũy mua nhà của người Việt là 23 năm. Trước con số này, nhiều bạn trẻ hoang mang bởi thời gian quá dài, trong khi với một người trẻ khó có thể kiếm được nhiều tiền.

Con số ấy vô tình làm nhiều người trẻ mất đi động lực sống. Thế hệ trẻ thường bị cho là những người không chịu khó, tiêu xài hoang phí nhưng thực tế họ đang phải đối mặt với những rào cản trong việc tiết kiệm tiền, mua nhà, làm giàu…

Chuyên gia nghĩ sao về vấn đề trên?

- Giá trị của một ngôi nhà so sánh với lương của người mới ra trường chỉ ở mức 7-10 triệu quả thật là con số lớn.

Khi mới ra trường, bản thân tôi cũng không thể mua được một ngôi nhà ngay, nhưng không có nghĩa là ước mơ ấy mất đi. Mình hoàn toàn có thể học tập, làm việc một thời gian đủ dài, có tích lũy không chỉ về tiền bạc mà còn ở kinh nghiệm, năng lực, trình độ...

Đừng nghĩ ra trường phải mua nhà ngay trong 3-5 năm. Khi thu nhập mình đến mức tốt, cơ hội sẽ hiện ra.

Kiếm tiền để tích cóp mua nhà hay hưởng thụ khi mà đời chỉ sống 1 lần? - 1

Khái niệm độc lập tài chính chỉ ở mức tương đối (Ảnh: Tiến Tuấn).

Mua nhà chỉ là một trong nhiều yếu tố của tự do tài chính trong tương lai. Vì đó là tương lai nên người trẻ cũng không nhìn thấy ngay được và dễ mất động lực từ thời điểm nhìn thấy con số 23 năm. Vậy phải làm thế nào để có động lực?

- Mua nhà ngay không nên là mục đích duy nhất của người trẻ, họ cũng cần có thời gian hưởng thụ đồng lương và trải nghiệm qua công việc, qua hoạt động khác ngoài công việc. Nhưng để thực sự có tương lai tốt về tài chính thì việc cân bằng giữa hưởng thụ và nâng cao kiến thức.

Nếu nói tôi chỉ sống một lần và đặt hưởng thụ lên cao nhất, cũng đúng. Nhưng đích đến của cuộc đời không phải là hưởng thụ. Đến một thời điểm mình sẽ nhận ra hưởng thụ chỉ là trải nghiệm. Mình có thể trải nghiệm thứ đắt mà cũng có thể trải nghiệm thứ rẻ mà vẫn có trải nghiệm đáng nhớ.

Giữa 2 lối sống hưởng thụ và tiết kiệm, nếu chỉ chọn một trong 2 thì sẽ được gì và mất gì?

- Cuộc đời phải cân bằng ở việc kiếm được nhiều tiền và tiêu bao nhiêu tiền. Nói đến hưởng thụ, tức phần mình tiêu nhiều hơn phần mình kiếm - đây là hưởng thụ mất cân bằng và không thể duy trì lâu dài.

Đây không phải hưởng thụ tốt và nên tránh tối đa có thể. Tôi không bao giờ khuyến khích người trẻ sử dụng thẻ tín dụng hay vay tiền để mua một chiếc iPhone… Còn nếu thu nhập đủ để hưởng thụ thì hoàn toàn có thể cân đối.

Về mặt lý thuyết, những điều chúng ta đóng góp ngược cho xã hội nên nhiều hơn những gì chúng ta hưởng thụ ngược lại. Lời khuyên của tôi là đừng hưởng thụ quá những điều mình xứng đáng.

Có một thời gian nổ ra trào lưu là nghỉ hưu sớm. Để đạt được điều này, nhiều người chọn vắt kiệt sức làm việc hết khả năng, cuộc sống gần như không có hưởng thụ bởi tiền đặt lên hàng đầu cho đến khi đạt được mục tiêu tài chính. Chuyên gia nghĩ sao về lối sống này? Chúng ta đang sống để làm việc hay làm việc để sống?

- Nghỉ hưu sớm có nhiều định nghĩa. Khi nào chúng ta độc lập về tài chính thì có thể nghỉ hưu sớm. Nhưng "độc lập tài chính" cũng lại là một khái niệm tương đối.

Có nhiều người cho rằng phải khi có rất nhiều tiền rồi mới độc lập về tài chính, còn có những người nói rằng họ chỉ cần kiếm nhiều hơn tiêu và có một phần để dành cho tương lai đã là độc lập về tài chính rồi.

Việc cắm đầu cắm cổ làm việc để chờ nghỉ hưu được gọi là FIRE (Financial Independence + Retire Early). Bản thân tôi cũng là một người thực hành trào lưu nghỉ hưu sớm. Ngay từ khi làm việc ở cơ quan cũ là một công ty chứng khoán, tôi training cho các thành viên về việc xây dựng kế hoạch tài chính, trong đó có một mốc quan trọng: Khi nào đủ tiền để nghỉ hưu?

Với riêng tôi, tôi đặt ra con số 45 tuổi sẽ độc lập tài chính. Khi đó tôi có thể thích đi làm thêm hay không cũng được. Đó là kế hoạch tôi dựng lên và đi theo nó. Nhưng đó không phải kế hoạch của tất cả mọi người. 

Với người trẻ, mình có thể không nhất thiết cố gắng tiết kiệm nhiều để đạt nghỉ hưu sớm, hy sinh những hưởng thụ thông thường. Tôi cũng không khuyến khích việc cắm đầu cắm cổ làm.

Kiếm tiền bao nhiêu thì đủ?

Vừa rồi chuyên gia có đề cập đến khái niệm nghỉ hưu và nói về "đủ tiền". Nhưng thế nào là đủ tiền?

- Mọi người thường nghĩ rằng tiền không bao giờ đủ. Nếu nghĩ vậy thì sẽ luôn bị lo lắng nhỡ về sau thế này thế kia không đủ tiền. Lo lắng về tiền chiếm tới 60-70% nguyên nhân gây stress. Càng lớn tuổi thì stress càng nặng hơn. Độ tuổi 30-45 là độ tuổi dễ stress nhất.

Khi trả lời được câu hỏi "tiền bao nhiêu là đủ", tôi đã thoát khỏi stress.

Vậy tiền đủ khi nào? Đó là khi bạn không cần phải lao động hàng ngày nữa mà tài sản vẫn tự sinh ra tiền lãi đủ giúp sống hàng ngày. Như vậy bạn đã tương đối đủ tiền độc lập về tài chính.

Chuyên gia nói về chủ đề bao nhiêu tiền là đủ? (Video: Phạm Tiến).

Còn về công thức, cần xác định dựa trên chi tiêu hàng tháng. Giả sử, 30 triệu đồng là mức chi tiêu thoải mái trong một tháng, ta lấy con số này nhân với 12 tháng, được số tiền xấp xỉ 400 triệu đồng để chi tiêu thoải mái trong một năm.

Lấy con số này, nhân lên 25 lần, được khoảng 10 tỷ đồng. Khoản tiền 10 tỷ đồng để thụ động cũng mang lại khoản lãi suất tương đương 400 triệu đồng/năm - số tiền giúp sống thoải mái.

Như vậy, với một người có mức chi tiêu 30 triệu đồng/tháng, 10 tỷ đồng là con số "đủ".

Kể cả khi tôi chưa được 10 triệu đồng, nhưng tôi có một kế hoạch tài chính đầy đủ và có nguồn thu nhập đủ để xác định mình có thể đạt được con số kia, thì tôi biết tôi đang đủ tiền.

Việc kiếm đủ tiền để nghỉ hưu có mâu thuẫn gì với sự phát triển của xã hội không? Chẳng hạn đủ 10 tỷ đồng, tôi bảo thôi tôi chả cố gắng nữa?

- Thực tế không mâu thuẫn. Trên hành trình đạt 10 tỷ đồng đó, mình đã phải nâng cấp bản thân, làm lương tốt hơn, tìm công việc tốt hơn…

Việc đó giúp cho mình có con đường rõ ràng, mục tiêu rõ ràng và đóng góp cho xã hội hơn. Khi mình tiết kiệm hơn, mình lấy ít của xã hội hơn. Việc xác định tài chính để cố gắng giúp người trẻ có động lực đóng góp cho xã hội hơn chứ không hề mâu thuẫn.

Còn khi đạt đủ tiền, người ta làm gì? Nhiều người không đóng góp cho xã hội nữa. Về bản chất là như vậy nhưng thực tế họ chơi rồi cũng… chán. Họ sẽ tiếp tục làm việc, chỉ là họ làm việc vì bản thân họ chứ không chỉ về tiền, và vẫn tạo ra nhiều giá trị đóng góp cho xã hội.

Nhưng với người mới ra trường, với mức lương tương đối thấp, có khi họ đã không đủ động lực để đặt ra con số 10 tỷ đồng bởi thực tế để đạt được mục tiêu này, thu nhập hiện tại cũng phải có cơ sở. Có cách nào để giúp người trẻ tìm được động lực để đặt ra những mục tiêu lớn?

- Kể cả người trẻ lẫn người lương đạt tới 30-40 triệu đồng/tháng thì 10 tỷ đồng vẫn là con số lớn. Tuy nhiên, nếu có kế hoạch tài chính rõ ràng sẽ nhìn thấy mục tiêu đó không xa vời.

Trước đây tôi đã xây dựng mô hình kế hoạch tài chính cá nhân để lập ra một mô hình tài chính cá nhân và nhập vào đó các con số để có thể tính toán được mức tích lũy. Ban đầu người trẻ rất hoài nghi, nhưng khi chạy mô hình tài chính thì rõ ràng có thể đạt được con số 10 tỷ đồng.

Ngoài ra, những người muốn nghỉ hưu sớm hơn thì vẫn có thể có cơ sở làm được nếu chịu khó học hành để nâng mức lương mình lên.

Chuyên gia hé lộ công thức tính số tiền đủ (Video: Phạm Tiến).

Điều quan trọng nhất là mình phải đi theo kế hoạch ấy. Tuy nhiên, để đi theo kế hoạch ấy, nhiều người cho rằng nó lại quay về bài toán không được hưởng thụ. Đúng nhưng nó cũng sẽ đi đến bài toán khác: Để đạt được mục tiêu tài chính, bạn phải kiếm được nhiều hơn mức chi tiêu - nhưng không có nghĩa bạn phải hy sinh chất lượng cuộc sống, mà buộc phải tìm cách cân đối tài chính thôi.

Người trẻ cũng như người già, cần xác định đang chi tiêu thứ gì vô bổ, và quan trọng nhất phải cắt những thứ vô bổ, điều đó thậm chí không làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn làm tăng chất lượng cuộc sống, tiết kiệm chi tiêu.

Làm thế nào để cân bằng giữa hưởng thụ - tiết kiệm?

Như chuyên gia có đề cập, sống hưởng thụ quá cũng không tốt mà tiết kiệm quá cũng không hay, điều quan trọng là phải cân bằng giữa 2 trạng thái. Nhưng liệu có con số cụ thể nào về thu nhập để đạt được mức cân bằng này không? Và cân bằng thế nào?

- Thử lấy con số 8-10 triệu đồng khi mới ra trường, tôi nghĩ các bạn hoàn toàn có thể gói ghém để tích lũy tối thiểu 1-2 triệu đồng. Ban đầu, chỉ cần bỏ ra 5-10% thu nhập để tích lũy, tôi nghĩ cũng là đáng quý. Điều quan trọng là biến nó thành thói quen bằng cách ngay khi nhận lương chúng ta cũng phải cắt ngay phần thu nhập đó chuyển vào phần tích lũy.

Tôi cho rằng không cần phải quá vội tiết kiệm trong thời gian ban đầu, chúng ta dùng tiền đi học, tích lũy kinh nghiệm để thu nhập tăng lên trong tương lai. Và khi thu nhập tăng lên cũng đừng quá vội hưởng thụ. Tỷ lệ vàng cho tiết kiệm ít nhất là 30%. Khi thu nhập càng cao thì tỷ lệ này càng tăng. 

Kiếm tiền để tích cóp mua nhà hay hưởng thụ khi mà đời chỉ sống 1 lần? - 2

Người trẻ đứng trước rào cản như lương không tăng, giá nhà tăng, các kênh đầu tư trồi sụt, gửi tiết kiệm lãi suất thấp… (Ảnh: Tiến Tuấn).

Trên hành trình chinh phục "đủ tiền", sẽ không tránh khỏi những trạng thái như phá sản, mất việc… buộc con người phải dùng đến đòn bẩy tài chính. Vậy một người đi vay nợ có thể hưởng thụ không?

- Trong thời kỳ tôi phải tích lũy tiền để mua nhà, tôi không hưởng thụ theo nghĩa tiêu pha hoang phí, tôi vẫn đảm bảo cho gia đình cuộc sống ổn định nhưng không tiêu gì quá lớn cho bản thân và dành tiền chủ yếu cho trả nợ.

Tôi cho rằng không nên tiêu những thứ đắt đỏ khi còn đang nợ. Quan trọng nhất, khi tôi gò mình vào kỷ luật không tiêu pha xa xỉ, tôi chỉ tiêu những thứ cần thiết với gia đình. Và như thế, năng lực tiết kiệm tăng nhiều và đạt mức độc lập tài chính nhanh. Tôi may mắn không phải vay nợ vì biến cố tài chính, tôi chỉ đặt mình vào vị thế vay nợ khi tôi muốn mua nhà.

Chính việc vay nợ là động lực cho tôi tiết kiệm và chuyển công việc mới có mức lương cao hơn. Trong vòng 3-5 năm, tôi trả nợ được ngôi nhà đầu tiên. Khi đó tôi đã có một mức lương cao nhưng lại có thói quen chi tiêu ít, giúp giãn khoảng cách thu nhập và chi tiêu. Đó là điều kiện để tôi tích lũy tài sản, đủ tiền để độc lập tài chính nhanh.

Nhưng không phải ai cũng có may mắn trả xong nợ trong 3-5 năm như ông. Những gói vay của ngân hàng cũng lên tới 20 năm. Với một người phải sử dụng thời gian vay dài, họ không được hưởng thụ hay sao?

- Không phải không hưởng thụ mà họ phải hưởng thụ bớt đi để trả tiền vay. Để mình đeo một khoản nợ dài đằng đẵng là điều không nên. Khi tôi nói với người trẻ việc mua nhà, chỉ nên vay khoản lớn vậy nếu đã có nguồn tích lũy nhất định và thu nhập đều đặn. Giả sử một người trẻ mua căn nhà 2 tỷ đồng, thì ít nhất cũng đã có sẵn 1 tỷ đồng và chỉ nên vay tối đa 50% giá trị nhà, sau đó tính trả dứt nó trong 5 năm. Không nên để một khoản nợ ảnh hưởng đến bản thân.

Các bạn trẻ cũng đã thực hành như vậy, không nhiều người để mức vay mua nhà lên tới 20 năm. Đó là kế hoạch ngân hàng đưa ra. Còn nếu quyết tâm mua nhà thì phải trả dứt tối đa 10 năm.

Nhiều người trẻ than lương không tăng, giá nhà tăng chóng mặt, các kênh đầu tư trồi sụt, gửi ngân hàng lãi suất thấp mà thật ra không có để gửi… Liệu chuyên gia có một lộ trình nào về kế hoạch phân bổ tỷ lệ thu nhập cho việc chi tiêu, học hành, tích lũy… để làm sao một người trẻ có công ăn việc làm ổn định với mức thu nhập trung bình (15-30 triệu đồng/tháng) vừa hưởng thụ vừa tiết kiệm không?

- Thứ nhất, đừng chỉ nên chỉ trông mong vào các kênh đầu tư. Cuộc sống của mình mà chỉ trông mong vào các kênh trồi sụt cũng như kế hoạch không có chân. Kế hoạch sẽ phải chấp nhận thu nhập của bạn cắt từ thu nhập để đưa vào các quỹ tiết kiệm an toàn nhất. Ví dụ, bạn có thể chấp nhận chỉ gửi ngân hàng bởi trong lúc trẻ thì tiền chưa được bao nhiêu, lãi suất 5-7-10% cũng không khác biệt. Cần tiết kiệm để vào quỹ và quỹ ấy sẽ lớn dần lên.

Năm nay mình lương 10 triệu đồng nhưng 3 năm nữa mình cần đạt lương 15 triệu đồng. Còn nếu mình chỉ chấp nhận mức lương 10 triệu mãi mãi thì đừng bao giờ mong sẽ có một kế hoạch tài chính tốt đẹp.

Chuyên gia: Đừng chỉ trông mong vào các kênh đầu tư (Video: Phạm Tiến).

Có con số tích lũy lý tưởng nào để người trẻ đặt mục tiêu? Nếu tính từ thời điểm mới ra trường và đi làm?

- Theo tôi, các bạn ra trường đi làm và có mức tăng trưởng thu nhập có mức tăng tương ứng xã hội và các bạn nếu 5 năm đầu để 10%, 5 năm tiếp để dành 20%, 5 năm tiếp 25%... cứ như thể, khả năng có thể đạt độc lập tài chính sau 20-25 năm là hoàn toàn có chứ không phải mục tiêu xa vời.

Nếu tính tỷ lệ tiết kiệm, tiêu xài và đầu tư (đầu tư cho bản thân/cho các kênh đầu tư) thế nào là hợp lý?

- Tỷ lệ này không cố định mà thay đổi theo năm. Ở mỗi giai đoạn tỷ lệ này thay đổi. Khi thu nhập càng cao thì tỷ lệ đầu tư/tiết kiệm sẽ cao hơn tỷ lệ tiêu xài. Cần lưu ý học thêm các kỹ năng mới, thậm chí có những kỹ năng không tốn tiền (với các khóa học trên mạng). Khi bạn học sẽ bớt thời gian chơi. Bớt thời gian chơi cũng sẽ bớt phải bỏ tiền tiêu xài.

Kế hoạch có thể tốt, chuẩn chỉnh. Nhưng chắc chắn một giai đoạn nào đó cuộc đời sẽ lệch pha khỏi những dự định ban đầu. Những lúc đó cần động lực ở đâu để quay lại quỹ đạo?

- Có 2 cách để phòng ngừa những biến cố. Thứ nhất, khi bạn chịu khó tích lũy thì khi xảy ra biến cố bạn đã có sẵn một khoản tiền để cho những biến cố.

Thứ 2 là năng lực làm việc của chính. Chúng ta có thể mất việc hôm nay nhưng nếu có năng lực và cố gắng thì sau đó sẽ lại có việc khác để có nguồn tiền khác. Con người không ai không có biến cố. Nhưng với năng lực làm việc thì sớm muộn cũng sẽ quay lại làm việc. Khi ấy, chúng ta sẽ lại bắt đầu một kế hoạch tài chính mới.

Tôi hy vọng các bạn trẻ sẽ vững tin vào việc đạt tự do tài chính. Các bạn có thể tham gia các khóa học tài chính và các chuyên gia - những người nhiều kinh nghiệm - sẽ giúp các bạn có những định hướng cụ thể hơn về tài chính.

Xin cám ơn chuyên gia!