“Kiềm chế tăng trưởng tín dụng làm lợi cho ngân hàng lớn”
(Dân trí) - Tại buổi công bố chính thức Sách Trắng (White Book) 2012 về các vấn đề thương mại, đầu tư và kiến nghị của doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, Phòng Thương mại châu Âu đã có nhiều “góp ý” về điều hành kinh tế.
Theo đại diện Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham): Việt Nam chưa thực hiện hiệu quả việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), do đó SHTT vẫn là rào cả đối với các doanh nghiệp Châu Âu khi kinh doanh và đầu tư ở VN vì họ lo ngại việc vi phạm quyền SHTT có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Theo Tiến sĩ Matthias Duhn, Giám đốc điều hành Eurocham, “Doanh nghiệp nước ngoài nói chung và các doanh nghiệp Châu Âu nói riêng vẫn e ngại trong việc chuyển giao công nghệ của họ cho Việt Nam vì họ lo ngại bản quyền công nghệ của họ sẽ không được bảo hộ. Hơn nữa, chuyển giao công nghệ đồng nghĩa với việc phải đào tạo nhân lực tại Việt Nam.”
TS Duhn cho rằng, để cải thiện tình hình này, Chính phủ Việt Nam cần cải thiện công tác bảo hộ quyền SHTT để thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ cao, cần tăng cường các chế tài xử phạt đối với các trường hợp vi phạm, song song với việc giáo dục cho người dân hiểu tác hại của vi phạm quyền SHTT đối với nền kinh tế.
“Chính phủ cần thực hiện phê duyệt “một cửa” đối với cấp phép đầu tư nhằm rút ngắn thời gian cấp phép. Hiện nay, nhiều giấy phép đầu tư phải mất 2-3 năm mới hoàn thành thủ tục, thay vì 3-6 tháng như quy định”, đại diện EuroCham cũng kiến nghị về vấn đề thủ tục hành chính.
Liên quan đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đại diện từ Eurocharm cho rằng, các doanh nghiệp Châu Âu luôn muốn thuê lao động Việt Nam làm việc cho các dự án đầu tư của họ nhằm tiết kiệm chi phí, và tiện lợi khi giao tiếp trong công việc. Tuy nhiên, vì lao động Việt Nam chưa đủ khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của họ nên họ buộc phải thuê những chuyên gia Châu Âu ở các vị trí chủ chốt để kiểm soát chất lượng công việc.
Về lĩnh vực ngân hàng, các doanh nghiệp Châu Âu cho rằng, Việt Nam nên chú trọng đến phát triển chất lượng ngân hàng hơn là số lượng vì hiện nay đã có rất nhiều ngân hàng đang hoạt động không hiệu quả.
“Chúng tôi kiến nghị không nên tăng vốn điều lệ ngân hàng lên 5.000 tỷ đồng vào năm 2012 và 10.000 tỷ đồng vào năm 2015, thay vào đó là sử dụng các công cụ và sáng kiến khác để khuyến khích việc hợp nhất các ngân hàng yếu kém”, đại diện từ Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết.
Các doanh nghiệp Châu Âu cũng nhắc lại kiến nghị trong vài năm gần đây của họ về việc cho phép các ngân hàng nước ngoài nắm cổ phần nhiều hơn trong các ngân hàng địa phương, đồng thời cần thành lập một cơ quan xếp hạng tính dụng/ngân hàng độc lập.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp dược phẩm Châu Âu mong muốn Chính phủ Việt Nam có chính sách cho phép họ điều chỉnh giá dược phẩm phù hợp với mức tăng giá trên thị trường. Ngoài ra, họ cũng kiến nghị Chính phủ cho phép thành lập các công ty 100% vốn nước ngoài nhập khẩu các sản phẩm dược phẩm hoàn chỉnh vào Việt Nam.
Về đầu tư cơ sở hạ tầng, Chính phủ nên tập trung đầu tư vào các cụm khu công nghiệp hơn là đầu tư dàn trải, đồng thời cần nâng cao hiệu quả quản lý dự án đầu tư để tăng tính cạnh tranh cho môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Giá điện ở Việt Nam hiện nay vẫn còn rẻ so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Do đó, trong thời gian tới, cần tăng giá điện một cách hợp lý nhằm hướng tới sự tăng trưởng bền vững; cần khuyến khích sự tham gia của tư nhân vào ngành điện.
Thảo Nguyên